Cột đường dây 500KV bị đổ, lộ đế mỏng manh, chân thép bé như chiếc đũa

23/04/2016 14:35
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết:"Ban đầu nhận định bằng mắt thường chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi, tại sao lại có chuyện như thế được?

Cột đường dây truyền tải 500 KV, Quảng Ninh - Hiệp Hòa vừa bị đổ sáng 22/4 tại Bắc Giang.

Đây là đường dây mạch kép (2 mạch) có chiều dài 139 km từ trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh đến trạm biến áp 500 KV Hiệp Hòa, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Về vụ việc này, sáng 23/4, lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết, cột điện bị đổ nằm ở vị trí 199 trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vào sáng 22/4.

Đường dây là dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành.

Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 và Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam là hai đơn vị thi công công trình.

Đường dây có nhiệm vụ truyền tải công suất của cụm nhiệt điện Quảng Ninh - Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cũng như cả nước và khép kín mạch vòng 500 KV cho khu vực Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc.

Lớp vữa mỏng tang bị bật lên sau khi giông kéo cột đổ xuống (ảnh Anh Minh).

Lớp vữa mỏng tang bị bật lên sau khi giông kéo cột đổ xuống (ảnh Anh Minh).

Sự việc khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thi công công trình. Nhiều người đặt câu hỏi, với mấy cọc thép vừa bé vừa ngắn gắn ở chân cột thì làm sao đủ sức chống đỡ khối thép khổng lồ?

Về việc này sáng 23/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết:"Ban đầu nhận định bằng mắt thường chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi, tại sao lại có chuyện như thế được?

Bởi lẽ, khi thiết kế lắp đặt, xây dựng, cột truyền tải phải chịu đựng được lực tác động nhất định từ bên ngoài. Nếu lực tác động bình thường sẽ khó làm đổ cột.

Tuy nhiên, qua kiểm tra các thông số thiết kế, xây dựng đều đáp ứng quy chuẩn đề ra", ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 cho biết.

Những "cánh tay" khổng lồ cũng bị bẻ gục (ảnh: Anh Minh).
Những "cánh tay" khổng lồ cũng bị bẻ gục (ảnh: Anh Minh).

Ông Tùng cũng cho biết thêm, cột điện đổ thì xuất hiện nhiều, tuy nhiên, cột truyền tải 500 KV bị đổ ở vị trí như thế này thì chưa có.

"Hiện tại chúng tôi đang khẩn trương khắc phục sự cố, phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân.

Các nhận định liên quan đến sự cố do lốc xoáy và chất lượng thi công đều được đặt ra. 

Tuy nhiên, để chính xác hơn, chúng tôi đang cho tiến hành kiểm tra và thông tin tới các anh sau", ông Tùng nói.

Lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia khẳng định, việc cột truyền tải điện 500 KV bị đổ không ảnh hưởng tới quá trình truyền tải điện.

"Quá trình thiết kế, xây dựng, chúng tôi đã tính toán phương án dự phòng chặt chẽ", ông Tùng nói.

Dưới đây là một số hình ảnh về cột truyền tải điện 500 KV vừa bị đổ sập hôm 22/4.

Đỉnh cột đường dây 500 KV tan nát. (ảnh: Anh Minh).

Đỉnh cột đường dây 500 KV tan nát. (ảnh: Anh Minh).

Cột điện cao thế "ăn vạ" giữa đồng, dây vắt qua đường. (Ảnh: Anh Minh).
Cột điện cao thế "ăn vạ" giữa đồng, dây vắt qua đường. (Ảnh: Anh Minh).
Cột liền kề cũng bị vạ lây. (ảnh: Anh Minh).

Cột liền kề cũng bị vạ lây. (ảnh: Anh Minh).

QUỐC TOẢN