Phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã cấp hơn 30.800 tài khoản cho giáo viên, học sinh các trường tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn để truy cập thư viện điện tử.
Ngoài ra, học sinh có thể click chuột để mượn sách ở thư viện trường khác nhờ một phần mềm hỗ trợ đặc biệt.
Click chuột để đọc sách
Chia sẽ về ý tưởng thiết kế, vận hành thư viện điện tử, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng giáo dục quận Hải Châu nói: “Ý tưởng xây dựng thư viện điện tử manh nha từ lâu nhưng phải đến tháng 7 vừa qua chúng tôi mới triển khai. Sau hơn ba tháng vận hành thử, phần mềm đã chính thức đi vào hoạt động”.
Giao diện thư viện điện tử của Phòng giáo dục quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh: An Nguyên |
Phương thức hoạt động của phần mềm này khá đơn giản, dễ thao tác. Theo đó, mỗi học sinh, giáo viên được cấp tài khoản đăng nhập. Khi vào thư viện điện tử có địa chỉ: http://elib.netplus.vn, thích cuốn sách nào thì học sinh chỉ cần bấm like và dowload sách về máy tính riêng của mình.
Đà Nẵng phải trở thành Thành phố thông minh, sánh ngang Singapore và Hồng Kông(GDVN) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại bản thông báo: “kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.Đà Nẵng”. |
Sau khi đọc xong, không cần làm thủ tục trả sách như cách truyền thống mà mỗi cuốn như vậy, tùy vào độ dài ngắn để quy định thời hạn trả. Nếu mượn trong vòng 4-7 ngày thì nó sẽ tự thu hồi về thư viện.
Theo bà Hà, trong thư viện điện tử còn tích hợp luôn cả thư viện truyền thống. Cụ thể, các trường cập nhật số lượng, tên sách đang có tại thư viện lên phần mềm.
Học sinh của trường này có thể đăng nhập vào thư viện điện tử để mượn sách từ thư viện của trường kia bằng một cú click chuột.
“Khi bấm vào nút mượn sách thì thủ thư giữa các trường sẽ chuyển sách đến tận trường của học sinh. Các cô thủ thư cũng có thể chụp lại bìa sách mới hoặc viết lời tựa cho sách rồi đưa lên thư viện điện tử. Học sinh sẽ biết thư viện có sách mới, hay để tìm đọc. Mỗi tuần như vậy, các cô sẽ giới thiệu từ 4-5 cuốn” bà Hà cho hay.
Mặc dù mới ra đời nhưng hiện thư viện này đang có 600 đầu sách E-book. “Tất cả những sách này đều được lựa chọn và kiểm duyệt rất kỹ càng. Nó phải phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, trung học. Mỗi năm chúng tôi lại bổ sung thêm những sách mới hoặc loại bỏ các sách cũ, ít lượt đọc” bà Hà thông tin thêm.
Nơi trao đổi những sáng kiến giảng dạy
Thư viện này cũng là nơi trao đổi các ý tưởng, sáng kiến trong giảng dạy của giáo viên. Những bài giảng điện tử hay, những đề kiểm tra lý thú... đều cập nhật trên thư viện để học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học tập kinh nghiệm.
Giáo viên có thể học hỏi kinh nghiệm từ những bài giảng hay đề thi hay ngay trên thư viện điện tử. Ảnh: An Nguyên |
“Thư viện mới hoạt động nhưng đã thu hút hàng ngàn lượt đọc của học sinh, giáo viên” một nhân viên kỹ thuật, phụ trách thư viện cho hay.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm này để chứa dung lượng lớn hơn. Sau đó, đưa các bài giảng trực tuyến có thu âm, hình ảnh lên đây để học sinh có thể học bài khi ở nhà. Dần dần sẽ hình thành cách học trực tuyến” bà Hà cho biết.
Số phận của các trường sư phạm sẽ ra sao khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới?(GDVN) - Trong bối cảnh của nền kinh tế 4.0, các trường sư phạm phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp dạy-học, phương thức đánh giá… |
Hàng ngàn học sinh tại 30 trường tiểu học, trung học cơ sở ở Hải Châu đã hồ hởi đón nhận thư viện điện tử. Trong đó, 18.334 học sinh tiểu học và 11.835 học sinh trung học đã nhận tài khoản truy cập thư viện điện tử.
Em Huỳnh Thị Ánh Ngọc (Trường tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẽ: “Mỗi lần đăng nhập vào thư viện điện tử, em có thể đọc rất nhiều sách hay. Các sách bài tập trên thư viện cũng phong phú, không thiếu loại nào”.
Ngoài những sách phục vụ học tập, giảng dạy thì thư viện điện tử cũng có rất nhiều sách truyện cổ tích, sách dạy về tâm lý, sức khỏe, giới tính...
Theo Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng, đây là mô hình hay, tạo niềm đam mê đọc sách cho học sinh. Sở sẽ xem xét để triển khai rộng khắp các quận, huyện trên địa bàn.