Ngày 3/11, tin từ Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng cho hay, cơ quan này vừa có văn bản gửi các Phòng G&ĐT, các trường học về việc: “chấn chỉnh tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người học, người dạy, ngăn ngừa việc gây rối trật tự trong trường học”.
Theo Sở này, vào ngày 12/10, tại Trường TH và THCS Đức Trí (quận Hải Châu) xảy ra vụ việc người quản sinh đã đánh học sinh gây thương tích. Cha mẹ của học sinh này đã hành hung giáo viên và gây rối trật tự trong khuôn viên nhà trường.
Nhiều phụ huynh lo lắng vì tình trạng bạo lực trong học đường ngày càng gia tăng. (Ảnh: AN) |
Ngoài ra, phụ huynh còn dùng điện thoại di động chụp hình, quay clip quản sinh đánh con mình đưa lên facebook. Vụ việc này tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhà giáo, nhà trường, nghành giáo dục TP.Đà Nẵng.
"Bạo lực học đường đang làm đau lòng những người làm giáo dục" |
Sau vụ việc, Thanh tra Sở GD&ĐT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và Hiệu trưởng các trường đã xử lý kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo theo các quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng cho hay, qua vụ việc nói trên, Sở đã đề nghị các Phòng và đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa, xử lý.
Trong đó, nâng cao việc tuyên truyền các văn bản quy định về đạo đức nhà giáo, quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng...
Đặc biệt là phổ biến rộng rãi nghị định số 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Mục đích là nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm, đạo đức nhà giáo của cán bộ, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong công văn của Sở cũng nêu rõ, các đơn vị, trường học quán triệt việc chấp hành luật về giáo dục, đạo đức nhà giáo.
Cùng lỗi đánh học sinh nhưng mỗi nơi lại áp dụng luật xử phạt khác nhau |
Căn cứ việc chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục và đạo đức nhà giáo trong đánh giá cán bộ, viên chức, người lao động hàng năm.
Có sự phối hợp với chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an sở tại để xây dựng phương án, biện pháp bảo vệ, kịp thời ngăn ngừa các hành động gây rối trật tự, xâm phạm thân thể và nhân phẩm, danh dự của người dạy và người học. Xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm khi có tình huống xảy ra.
Thời gian qua, tình trạng thầy đánh trò, trò đánh lại thầy hay học sinh đánh nhau xảy ra tại nhiều trường học trên cả nước.
Những vụ việc như: cô giáo đánh xước má học sinh ở Đà Nẵng, thầy đánh học trò thâm tím phải nhập viện ở Thanh Hóa hay mới đây là vụ nữ sinh bị bán đánh, bắt liếm chân ở huyện Nhà Bè (TP.HCM)... đang khiến xã hội bức xúc, lo lắng.
Một phụ huynh trường Tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng) chia sẽ: “Mỗi ngày đón con đi học về, tôi đều phải dò hỏi cặn kẽ xem ở Trường con làm gì? Có bị đánh hay đánh lại người khác không? Các cháu bây giờ tiếp xúc với đủ loại thông tin, phim ảnh trên mạng nên gia đình nào cũng lo lắng con trẻ bị nhiễm thói bạo lực”.