Trong báo cáo của hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo - Phạm Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2016.
Theo đó, năm học 2016 - 2017, số học sinh phổ thông học theo chương trình này là 4.918.488 em, tăng đáng kể so với năm học 2015 - 2016.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017 |
Trong đó, số học sinh Trung học phổ thông là 99.855/2.477.175 em (chiếm 4,03%).
Số học sinh Trung học cơ sở là 1.815.144/5.235.524 em (chiếm 34,7%).
Số học sinh Tiểu học lớp 3, 4, 5 là 2.175.517/4.670.935 em (chiếm 46,7%).
Tiếng Anh tăng cường tiếp tục được triển khai tại một số địa phương và các trường đại học, cao đẳng.
Và Bộ đã giao 10 đơn vị nòng cốt về đào tạo giáo viên ngoại ngữ phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông với tổng số chỉ tiêu bồi dưỡng là 5.940 giáo viên;
Xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên tiếng Anh theo Khung năng lực giáo viên tiếng Anh ETCF...
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo Chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn.
Chưa có giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền, địa phương khác nhau, dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả các địa phương trở nên khó khăn.
Đồng thời hoạt động bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tại các đơn vị thụ hưởng chưa thực sự đạt hiệu quả.
Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều sinh viên trước khi ra trường và thậm chí sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ.
Mục tiêu bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đạt chuẩn của công chức, viên chức chưa được các địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức, thiếu chế độ và chế tài cần thiết để đảm bảo nâng cao năng lực ngoại ngữ hiệu quả và bền vững trong môi trường làm việc và phát triển nghề nghiệp.
Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 4 giải pháp chính để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo trong năm học 2017 - 2018.
Trước hết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 (sửa đổi Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020).
Tiếp theo, hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia.
Ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; quan tâm xây dựng và phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ...
10 đơn vị nòng cốt trên cả nước về đào tạo giáo viên ngoại ngữ bao gồm:
(1) Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội;
(2) Trường Đại học Hà Nội;
(3) Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế;
(4) Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng;
(5) Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;
(6) Trung tâm SEAMEO RETRAC;
(7) Đại học Thái Nguyên;
(8) Trường Đại học Cần Thơ;
(9) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;
(10) Trường Đại học Vinh.