Bên lề cuộc hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0”, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô giáo Hà Thị Liên, giáo viên dạy Ngữ văn trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Giang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về việc dạy văn trong thời điểm công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay.
Buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Giang phối hợp tổ chức.
Mở đầu cuộc nói chuyện, cô giáo Hà Thị Liên cho rằng: “Đúng là thời điểm hiện tại công nghệ thông tin đang hiện đại quá rồi, đọc một tác phẩm văn học trong sách giáo khoa hiện nay đã quá khô khan so với sự sinh động từ phía internet.
Việc tìm kiếm một thông tin liên quan đến vấn đề tác phẩm đối với các em học sinh hiện nay cũng không phải vấn đề quá khó khăn.
Cô giáo Hà Thị Liên và học sinh trong buổi hội thảo: "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0" (Ảnh: Lại Cường) |
Bên cạnh đó, việc học để thi cùng với đó là cách ra đề theo hình thức mới nên các em chỉ tập chung học để thi lấy điểm. Chính việc này đã khiến các em tiếp cận môn học theo cách máy móc, thiếu sáng tạo”.
Do đó theo cô giáo Hà Thị Liên, hiện nay để dạy được Ngữ văn trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin giáo viên Ngữ văn không thể áp dụng kỹ thuật dạy học một cách đơn thuần như trước mà cần đa dạng phương pháp hơn, tự nâng cấp mình.
Việc nâng cấp mình không chỉ là chuyện chuyên môn nữa mà giáo viên dạy Văn còn phải bước và cuộc cạnh tranh với những tác động khác để lôi kéo các em vào bài giảng văn học.
Cô giáo Liên chia sẻ, sau khi bản thân cô thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Ngữ văn, cô giáo Liên đã thấy được những hiệu quả rõ rệt.
Đặc thù trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Giang là trường vùng nông thôn, việc tiếp cận văn hóa mới của các em còn thiếu định hướng và thiếu sự chọn lọc, do đó nếu được đầu tư cẩn thận, phương pháp này cũng sẽ không chỉ lôi cuốn sự chú ý của học sinh, mà còn có tác dụng định hướng thông tin tốt.
Đặc biệt khi giảng những nội dung có minh họa, bằng tranh ảnh, âm thanh và sơ đồ, điều này là rất cần thiết và bổ ích vì một tiết dạy bình thường khó thực hiện được.
Tuy nhiên, cô giáo Hà Thị Liên cũng thừa nhận, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy văn, còn có nhiều khó khăn bởi văn chương hấp dẫn người học, người đọc ở tính hình tượng, cảm xúc của người nghe, người giảng.
Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Giang đã có những bước nhảy vọt về nhận thức của bản thân trong khởi nghiệp. (Ảnh: Lại Cường) |
Nhiều lúc sử dụng giáo án điện tử, giáo viên dạy văn bị phụ thuộc vào màn hình máy tính, học sinh cắm cúi ghi chép vì sợ cô giáo chuyển sang vấn đề khác, cuối cùng dẫn đến tiết học rời rạc, học sinh không cảm nhận được nét đặc sắc của tác phẩm.
Còn nếu quá tham lam, lạm dụng các hình ảnh hiệu ứng trong slide quá, ứng dụng không đúng lúc cũng dẫn đến chi phối sự tập trung của học sinh trong tiết học, khiến cho giờ dạy trở thành giờ triển lãm ảnh, không phát huy óc quan sát và trí tưởng tượng, thiếu sự tư duy để cảm nhận vẻ đẹp, cái hay, cái tình, cái hồn của môn văn.
Với kinh nghiệm gần 10 năm dạy Ngữ văn và hơn cả là dạy Ngữ văn trong thời kỳ ứng dụng thông tin đang diễn ra mạnh mẽ cô giáo Hà Thị Liên cho rằng để ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong việc dạy văn đòi hỏi người giáo viên cần lao động và nâng cấp mình nhiều hơn nữa bởi dạy Văn qua máy tính rất dễ bị hạn chế cảm xúc.
Bên cạnh đó, trình độ tin học chủ yếu là tự học để ứng dụng môn học cho nên quá trình soạn giảng sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu giáo viên không kiên trì sẽ rất đễ bị nản.
Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Ngữ văn trong thời kỳ mới, cô giáo Hà Thị Liên cũng chia sẻ: “Để các em thực sự ứng thú với môn Ngữ văn, giáo viên hiện nay còn phải đóng vai trò làm khán giả, làm đạo diễn để cho các em được hóa thân vào nhân vật, sống cùng nhân vật”.
Những giờ hoc trên lớp ngày nay cần phải biến thành những tiết học phong phú về cách thể hiện mới có thể thu hút được học sinh.
Được giao lưu và trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là một trải nghiệp đặc biệt của thày và trò trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Giang (Ảnh: Lại Cường) |
Môn Ngữ văn là môn học theo các em cả cuộc đời, bởi học văn là học ứng xử, học cách đối nhân, xử thế với cộng đồng, bạn bè mà các em đang sống.
Việc truyền tải những hình ảnh của Ngữ văn từ trong tác phẩm đến cuộc sống đời thường không chỉ còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của người thầy nữa, mà nó còn thể hiện cả tấm lòng của một người dạy Ngữ văn.
Có sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ thông tin, tuy nhiên, cô giáo Hà Thị Liên cho rằng: “Hình ảnh thầy cô đứng giảng bài là hình ảnh quen thuộc và không bao giờ cũ.
Bởi việc dạy học bằng bảng đen, phấn trắng là một công việc cực kì uyển chuyển, linh hoạt, là cả một nghệ thuật sư phạm mà không có một phương tiện nào có thể thay thế”.
Cô giáo Liên kết luận “Điều quan trọng nhất đối với các thầy cô giáo dạy Ngữ văn nói riêng và thầy cô giáo nói chung là cần phải biết thay đổi mình cho phù hợp hoàn cảnh”.
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước. Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777, Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |