Câu chuyện về việc đóng của Trường mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An chỉ vì thủ tục hành chính đang bộc lộ nhiều bất cập.
Điều này cũng cho thấy việc thu hút đầu tư và ứng xử đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của chính quyền tỉnh Nghệ An là có vấn đề.
Rõ ràng, với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu học tập của con em đang là gánh nặng của chính quyền nơi đây thì việc xã hội hóa là hướng đi đúng đắn nhất.
Ấy vậy mà, khi nhà đầu tư là Công ty Minh Sang có tiền, có tâm huyết, có chuyên môn trong khi huyện Thanh Chương có đất nhưng kết quả là nhà đầu tư bỏ số tiền hơn 7 tỉ đồng để xây dựng trường học, mở lớp, mở trường và nhận được sự tin cậy của phụ huynh, thu hút hàng trăm cháu học sinh đến học tập thì bị chính quyền đóng cửa.
Lý do được đưa ra là không đủ các giấy tờ pháp lý để tiếp tục hoạt động dạy học nên phải đóng cửa. Oái ăm ở chỗ, việc hoàn thiện thủ tục giấy tờ đã kéo dài 2 năm nhưng giờ vẫn loay hoay không xử lý xong.
Qua tìm hiểu, có thể thấy đằng sau câu chuyện thủ tục pháp lý là một khoảng lặng mênh mông về sự ứng xử thiếu nhân văn đối với nhà đầu tư.
Chúng ta chưa thể quy kết là “trên rải thảm, dưới rải đinh” nhưng việc chính quyền để nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn, với bao kỳ vọng nhưng nay đóng cửa không cho hoạt động thì chẳng khác nào “nói lời không giữ lấy lời”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đóng cửa trường học vì thủ tục hành chính là không đúng (ảnh quochoi.vn). |
Trước vụ việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và được ông cho biết, câu chuyện về thủ tục hành chính thì phải chấp hành pháp luật.
Nhưng trách nhiệm của cấp ủy Đảng chính quyền địa phương và tất cả xã hội là phải tập trung để chăm lo và không để ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu học sinh.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, nếu sai về thủ tục thì xử phạt hay có phương án cho nhà đầu tư rõ ràng. Còn đóng cửa trường học chỉ vì câu chuyện thủ tục là không đúng.
Đề nghị có kiểm tra rõ những vấn đề đơn thư từ các cô giáo nêu ra. Tại sao khi nhà đầu tư tiến hành làm thì chính quyền địa phương không có thái độ gì. Nếu cấm thì cấm dứt khoát.
Đằng này, lúc nhà đầu tư đã làm xong, cho con em học tập, các cháu đang học, các cô đang dạy thì lại tiến hành đóng cửa.
Cuối cùng vị đai biểu Quốc hội này nhấn mạnh: “Yêu cầu chính quyền phải giải thích vấn đề này như thế nào”.
Đối xử với nhà đầu tư giáo dục như vậy, Nghệ An muốn nhận lấy điều gì? |
Cũng liên quan đến câu chuyện tại trường Mầm non Tuổi Thơ, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Minh Chưởng - đại diện pháp luật của Công ty Minh Sang - chủ đầu tư trường mầm non Tuổi Thơ, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết:
“Sau khi các cô gửi tâm thư lên cơ quan chức năng, ngày 28/8, Văn Phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân tỉnh Nghệ An báo cáo về phản ánh của tập thể giáo viên mần non Tuổi Thơ, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Theo đó, để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/9”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tin, phóng viên báo đã trao đổi với ông Đặng Minh Chưởng – đại diện pháp luật của Công ty Minh Sang - chủ đầu tư trường mầm non Tuổi Thơ, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Ông Chưởng cho biết, hiện doanh nghiệp chưa nhận được thông báo để được mở lại trường, tuyển sinh mặc dù đã hơn 2 tháng nay trường đóng cửa đợi hoàn thành thủ tục hành chính.
Qua trao đổi với ông Chưởng có thể biết, tuy Trường mầm non Tuổi Thơ đã bị đóng cửa nhưng nhà đầu tư vẫn duy trì cơ sở vật chất, các cô giáo vẫn đến trường chăm sóc cây cối, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Nhà đầu tư hi vọng chờ đợi mong có ngày hoạt động trở lại.
Ông Chưởng chia sẻ, trong những tháng trường bị đóng cửa nhưng nhà đầu tư vẫn đảm bảo lương cho các cô.
Các thầy cô từng quỳ lạy, khóc lóc nay bất lực nhìn trường tiếp tục đóng cửa! |
Tâm sự về những khó khăn mà nhà đầu tư đang đối mặt, ông Chưởng kể rằng, hiện mỗi tháng công ty Minh Sang phải trả lãi ngân hàng và chi lương giáo viên hết 200 triệuđồng.
Đây là khoản tiền lớn nên để lo được hết sức rất mệt mỏi. Để có ngôi trường mầm non Tuổi Thơ, khang trang, hiện đại, công ty Minh Sang đã đầu tư vào ngôi trường hơn 7 tỉ đồng.
Ông Chưởng cho rằng: “Hồ sơ thủ tục quá nhiều, nhiều vòng thanh tra, kiểm tra, vừa rồi hủy quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã khiến chúng tôi rất mệt mỏi và khổ”.
Chứ để kéo dài tình trạng như bây giờ, nhà đầu tư chưa có cách nào để giải quyết lâu dài về chi phí trả lãi ngân hàng.
Theo ông Chưởng, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên, trong khi huyện Thanh Chương là huyện miền núi nên cần có các chính sách khuyến khích nhà đầu tư.
Đối với các cô nếu cứ chờ đợi thì chắc để các cô tìm việc khác chứ không thể duy trì kéo dài được.
“Doanh nghiệp nhỏ lập nghiệp rất là vất vả, làm giáo dục càng cực kỳ vất vả, phá sản khi nào không biết.
Không ngờ đầu tư 7 tỷ đồng, chỉ mong góp sức mình giải quyết bài toán giáo dục ai ngờ lại lâm vào cảnh “tan đàn xẻ nghé như bây giờ” – ông Chưởng than thân trách phận.