LTS: Hiện nay, cơ chế xin - cho đang trở thành vấn đề nan giải, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của mỗi cá nhân và tập thể.
Bàn về thực tế này, tác giả Nguyễn Văn Lự cho rằng, nhiều người muốn có công việc, muốn có quyền lợi thì phải làm “đơn xin” đến lãnh đạo.
Và khi đã nhận được chữ “đồng ý” thì người ta cần phải biết “im lặng” như một thỏa thuận ngầm.
Theo tác giả, nghệ thuật sống giữ im lặng chính là thứ con người hiện đại nên học và thực hành.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thủ trưởng cơ quan nhà nước nào cũng khuyến khích nhân viên không nên im lặng mà phát huy quyền tự do ngôn luận trong mọi hoạt động, công việc cũng như bảo vệ quyền lợi cá nhân.
Điều đó có thể hiện sự bình đẳng, thân thiện và dân chủ giữa thủ trưởng và nhân viên của cơ quan nhà nước lâu nay?
Nhiều khi người ta im lặng không phải chỉ là tự bảo vệ mình mà còn vì lòng tự trọng, vì lời hứa danh dự và còn vì được chữ “đồng ý” thì cần “im lặng”.
Nếu cơ cơ chế chính sách không bị tham nhũng, người đứng đầu cơ quan hành chính khó có đủ can đảm để kêu gọi tiếng nói dân chủ của các nhân viên dưới quyền.
Cha ông bảo “im lặng là vàng”, còn người lao động lại nhận ra “đấu tranh là tránh đâu” và im lặng là cách khôn ngoan tự bảo vệ mình, gia đình mình trong bất cứ cảnh huống nào!
Ông cha ta vẫn bảo "im lặng là vàng". (Ảnh minh họa trên báo Người lao động) |
Những gương to tướng thiên hạ nhìn thấy lâu nay, báo đài công khai cảnh tỉnh nhiều bài học xương máu đủ để người ta rút kinh nghiệm về việc nên im lặng hay nói ra việc của sếp lãnh đạo hay việc nội bộ cơ quan.
Thời nào cũng vậy, người làm công ăn lương vẫn bị tác động bởi cơ chế xin – cho, tất nhiên đi đôi với được và không được là điều kiện ràng buộc ngầm được thỏa thuận.
Rất hiếm thấy người cho bị người xin phản bội chống lại sau này. Ngoài cái ơn sâu đã trả "nóng", người xin sẽ ngầm trả qua việc ủng hộ, nỗ lực làm việc và khi cần thì giữ im lặng trực tiếp hoặc gián tiếp trong các cuộc hội nghị, trong cơ quan hay ngoài đời.
Theo chính sách cán bộ của ta hiện nay, thủ trưởng nào đã nhậm chức, ít nhất nếu không bị luật pháp soi thấu thì cũng tại vị được hai khóa 10 năm rồi mới bị chuyển nơi khác.
Quyền uy và thu nhập cao ngất một vùng giang sơn cơ quan nhà nước giao; thế lực như cơn đại phong, như sóng kình Đông Hải.
Thế nên, cha truyền con nối, cháu nối làm quan; nhiều người nhẫn tâm và trơ trẽn ký quyết định cho ngay người thân của mình, con mình!
Người ta rỉ ai nhau, cho dù đúng sai thì còn phải bàn rằng không có đầu tư nào lãi hơn chính trị. Từ con số không, họ chỉ cần thời gian ngắn thành tỉ phú đô la. Đại dịch chạy chức, chạy quyền trở thành nguy cơ cho chế độ và nhân cách con người.
Nhu cầu chuyển vị trí chức vụ và nơi công tác thì đâu cũng có và rất chính đáng, rất nhân văn của người lao động.
Người ta xem xét và giải quyết cũng rất thấu tình đạt lí và cũng rất nhân văn, rất trách nhiệm với hầu hết các nguyện vọng.
Hoặc mau chóng hoặc đứng đợi cơ hội, những đơn xin kia sẽ được như nguyện vọng tùy theo dòng chữ ghi chèn thêm và các thứ đi kèm khác.
Một yêu cầu bắt buộc, khi xin chuyển vị trí công việc và nơi công tác mới, trong đơn xin phải có ý kiến của người tiếp nhận và sử dụng.
Để xin được chữ “đồng ý, nhất trí”, mỗi người phải vận hết nội công và ngoại lực, giống vào trận đánh lớn, có chiến thuật, chiến lược, có quân sư giỏi và có bài bản kế sách chi tiết từng bước, từng việc.
Hàng chục năm tại vị, người đứng đầu không biết đã ghi bao nhiêu chữ đồng ý cho bao nhiêu lá đơn xin của đồng nghiệp giải quyết các việc nhỏ việc lớn.
Số người được giúp đỡ, được giải quyết sẽ nhiều dần, chiếm phần lớn trong mỗi cơ quan.
Bí truyền lãnh đạo khôn khéo, trừ việc quá sức hay nguy hiểm, các vị đều vận dụng linh hoạt để thỏa mãn nguyện vọng anh chị em tạo nên sự đoàn kết, sự thống nhất.
Lãnh đạo giỏi, thâm niên có thể đoán chính xác số người ủng hộ, người phản đối như thần bài đoán quân bài trên tay người chơi đối diện.
Có người lầm nghĩ không ký tên ghi tên sẽ không sếp nào biết được tác giả mà không hiểu rằng, chỉ cần thủ thuật bé tí, nhặt hết số phiếu ủng hộ, số còn lại chống đối, so chữ viết là lộ mặt ngay.
Cũng có người ngộ hiểu, các sếp sợ nhân viên, hiệu trưởng nhà trường sợ giáo viên mà không biết rằng thân phận họ mỏng manh dễ vỡ dễ bị thổi bay hoặc bị xử kín, dìm cho chìm dần.
Trong cơ quan hành chính công, trong trường học, sau mỗi năm, sự tự do, dân chủ phát biểu và bày tỏ ý kiến, mặc dù được các lãnh đạo khuyến khích, rất khó thực hành.
Việc đó diễn ra như một thủ tục xã giao, hình thức chiếu lệ. Trừ người cán bộ, viên chức nào có gậy chống lưng, còn không ai dám đấu tranh hay nói ra những sự thật tiêu cực hay phản biện trái chủ trương, kế hoạch của lãnh đạo.
Những người xin được chữ cũng nhiều hơn số người không xin được. Các cuộc biểu quyết sếp rất linh hoạt vận dụng cách thức tiến hành, ví như để số phiếu cao nhất và loại người chống, chọn cách bầu phiếu giơ tay và sếp giơ trước…
Xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chặn đứng nhóm lợi ích đang tàn phá nền kinh tế |
Thực tế, trong cơ quan hành chính công, mỗi người lao động có cách ứng xử riêng phù hợp với cảnh ngộ.
Nhiều khi nói lên quan điểm và sự thật không những không bảo vệ được mình, trái lại, còn rước họa vào thân.
Nhưng im lặng chỉ cho mình phút giây an toàn chứ chưa chắc đã bảo vệ được mình trước chiến thuật “mềm nắn, rắn buông”.
Mỗi sự im lặng lại có ý nghĩa và giá trị trong từng cảnh huống giao tiếp. Im lặng là vàng, là đồng ý, là phản đối, là khôn ngoan, là gian dối, là tội ác…
Sự im lặng của người nhà nước lợi ít hại nhiều. Theo mục đích, người ta im lặng theo nhiều cách. Im lặng không có nghĩa là sợ không dám nói, không dám đấu tranh.
Kiểu thường thấy nhất là im lặng để trả ơn người đứng đầu đã giúp đỡ giải quyết công việc đề đạt. Sự im lặng ngầm ủng hộ sếp, để được bảo hộ và tạo cơ hội thăng tiến.
Im lặng đổi lấy bình yên cho mình và người khác; im lặng để cảm thông và thấu hiểu…
Có cách im lặng không lợi không hại mà chỉ để giữ trọn danh dự và nhân cách con người và thực hành những điều đã hứa, đã nói trong những lá đơn xin.
Người giữ im lặng không thèm nói lại, không thèm đáp lại những kẻ đê tiện và thấp hèn, tham lam và ác độc, những kẻ coi thường luật pháp và bọn người đạo đức giả.
Luật pháp nước ta đã bảo hộ quyền im lặng nhưng không có nghĩa là phải im lặng trong tất cả mọi việc, trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong cơ quan nhà nước bảo hộ.
Im lặng trong nhiều trường hợp là đồng lõa với tội ác và tiếp tay cho tội phạm. Sự thờ ơ, vô cảm của khá đông người dân Việt Nam với cái xấu, cái ác đang hoành hành hiện nay bắt đầu từ sự im lặng!
Hiểu đúng và biết cách im lặng thích hợp có thể sẽ giúp chúng ta đạt hạnh phúc lâu bền! Nghệ thuật sống giữ im lặng chính là thứ con người hiện đại nên học và thực hành.