LTS: Quý độc giả đang đọc bài phản ánh thực chất về công tác đánh giá Ban giám hiệu của cô giáo Đỗ Quyên.
Tuy được thực hiện hàng năm với sự tham gia của giáo viên toàn trường nhưng về cơ bản, việc đánh giá Ban giám hiệu vẫn chỉ mang tính hình thức.
Bất cứ giáo viên nào “dám” đưa ra ý kiến thực lòng đều bị Ban giám hiệu truy ra và trù dập.
Vì vậy, vấn đề dân chủ trong trường học vẫn chưa thực sự được phát huy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Theo thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT và thông báo số 630/BGDĐT-NGCBQLGD do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tất cả Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng ở các trường phổ thông sẽ được giáo viên tại các trường đánh giá, xếp loại vào cuối năm học theo hướng dẫn của hai văn bản này.
Kết quả này được xem là một trong các căn cứ để cấp trên công nhận khen thưởng với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.
Bởi thế, mỗi năm một lần, giáo viên toàn trường đều được tập trung lên phòng hội đồng để cùng đánh giá Ban giám hiệu.
Nhiều Hiệu trưởng lạm dụng quyền lực của mình khiến tiếng nói dân chủ không được phát huy. (Ảnh minh họa: Trúc Linh/giaoduc.net.vn) |
Khi đánh giá Hiệu trưởng thì Phó hiệu trưởng chủ trì và ngược lại. Giáo viên sẽ được nghe Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng đọc bản tự đánh giá của mình trước tập thể (kèm theo điểm họ tự chấm cho từng mục).
Giáo viên ngồi nghe và tự cho điểm. Sau phần tự đánh giá, giáo viên trực tiếp góp ý nhưng đa phần là giữ thái độ im lặng.
Phải vài ba lần lên tiếng khuyến khích, một vài cánh tay giơ lên mà chủ yếu là (Chủ tịch công đoàn, các Tổ trưởng hay Đoàn thanh niên) các ý kiến đưa ra cũng chỉ chung chung theo kiểu ca ngợi hết lời.
Nếu ai đó được cho là mạnh dạn lắm cũng chỉ dám nói theo kiểu “vô thưởng vô phạt” rằng “sếp còn hơi nóng tính, còn đôi lúc khắt khe…”.
Ngoài việc nêu ý kiến nhận xét trực tiếp, giáo viên vẫn được quyền ghi nhận xét ưu khuyết điểm của Ban giám hiệu vào phiếu đánh giá nhưng cũng chẳng giáo viên nào đủ can đảm nói thật những suy nghĩ của mình.
Mặc dù trong tờ phiếu có dòng chữ (có thể không kí tên) nhưng một số thành phần hay nịnh nọt, xun xoe họ đã không tiếc lời đưa Ban giám hiệu lên tận “mây xanh” và ngang nhiên kí ghi họ tên của mình trong đấy.
Sau khi nộp phiếu đánh giá, Ban giám hiệu thu phiếu đánh giá của giáo viên và đã lọc ra những tờ phiếu có lời nhận xét chưa vừa lòng để “định dạng chữ viết” dù không kí tên nhưng có thể nhìn chữ viết là nói trúng phóc tờ phiếu này của ai.
Có câu chuyện kể rằng (chuyện thật 100%) vì muốn góp ý với hiệu trưởng nhưng lại không muốn cho sếp biết mình là ai nên một số giáo viên dồn phiếu cho một người viết.
Thế là sau khi cầm những tờ phiếu ấy trên tay, vị hiệu trưởng nọ đã rà soát theo kiểu loại trừ để tìm ra “thủ phạm”.
Có vị hiệu trưởng ấm ức vì mình bị góp ý nhiều nên đã thẳng thừng tuyên bố “Để rồi xem mấy người sống có yên ổn nổi không?” làm ai cũng thấy sợ xanh mặt.
Thế rồi, đến lần góp ý sau chẳng ai còn dám ghi những điều mình nghĩ. Họ nói mất gì lời khen và cùng nhau hào phóng ban phát không ngớt lời hay ý đẹp cho sếp.
Giáo viên im lặng đâu phải vì đồng ý, họ đang tự bảo vệ mình! |
Trong phần xếp loại căn cứ vào những điểm số giáo viên chấm cao chót vót ấy Ban giám hiệu trường học nào cũng được xếp vào loại xuất sắc.
Việc đánh giá kiểu này chẳng mang lại lợi lộc gì, giáo viên không dám nói thật, Ban giám hiệu cũng không thấy được cái sai của mình để điều chỉnh.
Khắc phục những bất cập trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành việc đánh giá xếp loại Ban giám hiệu hàng năm cụ thể hơn như việc giáo viên có quyền đánh giá trên Word, đánh giá ở nhà mà không nhất thiết phải tập trung trên trường.
Những tờ phiếu đánh giá được dán kính, bỏ vào thùng niêm phong gửi lên cấp trên.
Nếu Ban giám hiệu nào không nhận được nhiều sự đồng thuận của giáo viên sẽ không được bổ nhiệm lại. Có như thế, mới hạn chế được việc lạm quyền của một số Ban giám hiệu hiện nay.