Giàn khoan 981: Bài toán được chuẩn bị từ lâu của Trung Quốc

02/06/2014 06:59
PGS.TS Phạm Quý Thọ
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ để đưa được giàn khoan lớn với trị giá trên tỷ USD, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị từ lâu, vấn đề chỉ là thời điểm Trung Quốc lựa chọn.

Đưa ra những lý giải cho việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm quyền chủ quyền biển đảo Việt Nam lúc này, những mâu thuẫn, khó khăn của kinh tế Trung Quốc…, một trong những nội dung bài viết dưới đây của PGS.TS Phạm Quý Thọ - Trưởng Khoa chính sách Công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: Việt Nam đang đứng trước thách thức nhưng đang có những lựa chọn để biến nó thành cơ hội độc lập kinh tế và phát triển đất nước! (Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả):

Phát triển nóng, Trung Quốc "khát" tài nguyên

Như chúng ta đã biết Trung Quốc từ nền kinh tế mới nổi nhưng chỉ qua gần 2 thập kỷ, kinh tế nước này vượt Nhật Bản vươn lên đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ về tốc độ tăng trưởng. Trong một thập kỷ Trung Quốc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 9 – 10%/ năm. Tăng trưởng nóng mang lại vị thế rất lớn cho kinh tế Trung Quốc nhưng cũng bộc lộ hạn chế, yếu điểm của nền kinh tế thiếu chiều sâu, đặt ra bài toán buộc Chính phủ Trung Quốc phải tìm lời giải.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Trưởng Khoa chính sách Công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) (Ảnh H.Lực).
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Trưởng Khoa chính sách Công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) (Ảnh H.Lực).

Tăng trưởng, phát triển nóng kinh tế trong thời gian dài khiến hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn. Trước hết, Trung Quốc đang ‘khát’ nguyên, nhiên liệu năng lượng trầm trọng. Khác với nền kinh tế đạt trình độ khoa học kỹ thuật cao, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế công nghiệp nặng, công nghệ chế biến, ở đó để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất với tốc độ tăng trưởng nhanh cần sử dụng một lượng lớn nguyên liệu, năng lượng. 

Năm 2000, Trung Quốc chỉ tiêu thụ bằng một nửa năng lượng so với Mỹ. 9 năm sau, năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất và là nước nhập khẩu năng lượng đứng đầu thế giới. Hiện nay, mỗi ngày Trung Quốc phải nhập khẩu khoảng gần 7 triệu thùng dầu… Bài toán lúc này là Trung Quốc phải tìm mọi phương cách để có năng lượng như dầu mỏ, than đám, điện… 

Không phải bỗng nhiên chúng ta thấy những năm qua Trung Quốc thực hiện hàng loạt dự án xây dựng nhà máy thủy điện lớn, hay đặt quan hệ mua bán dầu mỏ với vùng Trung Đông, Nga. Và mới đây nhất Trung Quốc đang vươn tầm ảnh hưởng đến châu Phi, vùng “lục địa đen” chứa nguồn khoáng sản, dầu mỏ năng lượng hàng đầu thế giới. Riêng với Biển Đông, bên cạnh chiến lược chính trị, Trung Quốc cũng nhằm đến trữ lượng dầu mỏ nằm sâu dưới lòng đại dương. 

Hậu quả trực tiếp của tăng trưởng nóng là vấn đề ô nhiễm môi trường, Trung Quốc được mệnh danh “công xưởng thế giới”, thỏa mãn tức thì với nhu cầu hàng hóa xuất khẩu, buộc phải tăng năng lực sản xuất, mà môi trường đã đẩy xuống hàng thứ yếu. Bởi vậy, vấn đề chất thải công nghiệp, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường sinh thái, không khí, nguồn nước…đang trầm trọng, cản trở phát triển bền vững kinh tế của nước này.

Tiếp đến là sự yếu kém trong hệ thống tài chính ngân hàng. Nợ xấu trong các ngân hàng tăng cao do tỷ lệ đầu tư lớn vào bất động sản trong các thành phố đẩy giá lên cao trong thời gian dài và đang buộc phải cắt giảm. Hơn nữa là nợ của các địa phương. Để đạt được tốc độ tăng trưởng ‘thần kỳ’, trong những năm qua, nhiều địa phương đã phải huy động vốn để đầu tư và hậu quả là gánh nặng nợ nần chồng chất. 

Tổng nợ của các chính quyền địa phương tính đến cuối năm 2013 đã tăng lên mức 10.900 tỷ NDT (tương đương 1.800 tỷ USD), và có thể sẽ tăng lên 17.900 tỷ NDT nếu các khoản bảo lãnh được tính đến, tương đương với 1/3 GDP Trung Quốc. Ngoài ra, việc nới lỏng chính sách tiền tệ và điều kiện vay tín dụng, khuyến khích tiêu dùng nội địa làm sức đẩy tăng trưởng cũng không mang lại hiệu quả mong muốn và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh đồng bộ trong hệ thống tài chính ngân hàng.

Ngoài những khó khăn về kinh tế nêu trên, tăng trưởng nhanh trong những thập kỷ qua đã tạo những áp lực lớn đến các vấn đề xã hội. Trước hết, phải kể đến vấn đề di dân, đô thị hóa.

Để giải quyết tình trạng thiếu lực lượng lao động ngành công nghiệp, dân cư di chuyển với một tốc độ chóng mặt tới các thành phố lớn tạo nên những quá tải về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường và những vấn đề mới hiện nay cần phải giải quyết, đó là đất đai, hệ thống đăng ký hộ khẩu, quản lý dân cư, việc làm và ngành công nghiệp đô thị, hệ thống dịch vụ công cộng đô thị và chi phí của công dân đô thị mới… Đô thị hóa nhanh gây nên bất hợp lý cơ cấu công nghiệp và nông nghiệp, đất hoang hóa ở nông thôn, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, an sinh xã hội…

Những cải cách thể chế hiện nay ở Trung Quốc diễn ra quyết liệt đang làm bộc lộ những yếu kém trong quản trị nhà nước, phân quyền trung ương – địa phương, lợi ích nhóm, tham nhũng... Đặc biệt năm qua chưa khi nào trong lịch sử Trung Quốc, giới lãnh đạo bị phanh phui về tội tham nhũng một cách mạnh mẽ, qua trường hợp của Bạch Lai Hy, Chu Vĩnh Khang... Thêm vào đó là vấn đề ly khai của vùng Tây Tạng, với những vụ ‘khủng bố’ nghiêm trọng trên nhiều vùng đất nước, cũng là những thách thức lớn với giới lãnh đạo hiện nay.

Giữa bộn bề vấn đề đối nội cần giải quyết, phải chăng nhà cầm quyền Trung Quốc ‘khôn khéo’ hướng dư luận nước này theo luận điệu vô lý “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

Tại sao Trung Quốc chọn thời điểm này?

Những hạn chế trong phát triển nóng của kinh tế Trung Quốc bộc lộ từ lâu, luận điệu “Đường lưỡi bò”cũng như hành vi xâm phạm chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc đã diễn ra thời gian dài. Vậy tại sao lúc này Trung Quốc lại quyết định đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam?.

Trước hết phải khẳng định rằng để đưa được một giàn khoan lớn với trị giá trên 1 tỷ USD, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị từ lâu, vấn đề chỉ là thời điểm Trung Quốc lựa chọn mà thôi.

Nói về thời điểm tháng 5 vừa qua là thời điểm “nhạy cảm”, vấn đề nhạy cảm ở đây là việc thế giới đang hướng sự quan tâm tới tình hình tại Ukraine. Theo tôi, Trung Quốc nhìn vào phản ứng của Mỹ và châu Âu sau khi Crimea sáp nhập Nga để từ đó đưa ra quyết định có nên đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam hay không?.

Hành động Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam là thời điểm đã được tính toán kỹ. Như vậy, mục đích kinh tế để tìm kiếm dầu mỏ trong vùng biển nước sâu, mà theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành dầu khi là rất khó khăn, thậm chí là không có, chỉ là cái cớ để Trung Quốc triển khai âm mưu xâm chiếm biển Đông bằng ‘đường lưỡi bò chin đoạn’, đồng thời thực hiện ‘phép thử’ chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ trong tình hình mới, và dư luận thế giới theo luận điệu vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Vấn đề đặt ra lúc này là Việt Nam chúng ta phải làm gì? Phải khẳng định việc lựa chọn con đường đầu tranh hòa bình là đúng đắn, trong đó sự ủng hộ của dư luận quốc tế là rất cần thiết. 

Nhưng quốc tế giúp gì cho ta một cách thiết thực hay không lại phụ thuộc vào cách xử lý vấn đề của Việt Nam. Thực sự thời gian qua, nhiều nước lên tiếng ủng hộ Việt Nam, điều đó cần thiết trên bình diện ngoại giao, nhưng để giải quyết vấn đề lúc này phải từ chính chúng ta. Lúc này chúng ta cần phải có sức mạnh toàn dân, muốn làm được điều này cần phải tiếp tục cải cách thể chế một cách mạnh mẽ, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà đầu tư trong ngoài nước, các thành phần kinh tế, tạo động lực mới cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình và các cá nhân…

Việt Nam đang đứng trước thách thức nhưng đang có những lựa chọn để biến nó thành cơ hội độc lập kinh tế và phát triển đất nước!

PGS.TS Phạm Quý Thọ