Theo Đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng), Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã xác định rõ đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội
Tuy nhiên, thực tế là đầu tư cho phát triển giáo dục thời gian qua được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lại cho thấy đầu tư cho giáo dục chưa thực sự được ưu tiên trong các chương trình, chính sách.
Sau Hiến pháp 2013, sau Nghị quyết 29 của Đảng thì có nhiều đề án được Chính phủ chủ trương xây dựng theo Nghị quyết 44 đến nay vẫn chưa được ban hành như:
Đề án đổi mới cơ chế đầu tư giáo dục; Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục;
Đề án huy động nguồn lực các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2015 – 2020;
Đề án đổi mới chính sách hỗ trợ, chính sách tài chính cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Ông Hùng dẫn thí dụ: “Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi 930 triệu USD ký kết trong thời kỳ 2011 – 2015 trong lĩnh vực giáo dục chỉ bằng 3,35% tổng giá trị ODA và vốn vay đã ký kết, tức là đứng ở hàng thấp nhất trong báo cáo thống kê của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ rõ, một số nhiệm vụ chi cho giáo dục đã được bố trí theo dự toán kinh phí nhưng nhiều năm không thực hiện, không đạt được dự toán như đã giao”.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng đề nghị cần có chính sách cụ thể hơn nữa để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu. ảnh: Trần Tuấn. |
Vì sao lại có tình trạng này? Đại biểu Triệu Thế Hùng đưa ra 3 câu trả lời:
Một là Quốc hội đã dành vốn ngân sách cho giáo dục, nhưng có tiền mà không tiêu được, rất khó khăn trong thực hiện.
Hai là chính sách để đầu tư cho giáo dục chậm được ban hành.
Ba là vốn ODA và các nguồn vốn cho giáo dục không những chưa được ưu tiên hàng đầu mà còn nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng.
Nhà giáo giữ vai trò quan trọng dẫn tới sự thành bại
Theo Đại biểu Hùng, xuất phát từ tình trạng đầu tư cho giáo dục như vậy, cử tri đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét một số đề nghị sau:
Thứ nhất, tình hình nợ công cao đến mức gần trạm trần có ảnh hưởng trực tiếp tới việc cắt giảm đầu tư công, nhưng đề nghị Chính phủ vẫn phải đảm bảo ngân sách 20% và ưu tiên các nguồn đầu tư để triển khai đồng bộ theo yêu cầu của Nghị quyết 29 đã đề ra.
Thứ hai, cần xác định rõ phạm vi và trọng điểm đầu tư, đề nghị quy định rõ đầu tư cho giáo dục là tập trung đầu tư cho các cấp có trình độ đào tạo giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục Đại học và Giáo dục nghề nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và 5 thách thức cho Bộ trưởng Nhạ |
Thứ ba, ưu tiên đầu tư trong giáo dục cần thực hiện đúng theo Hiến pháp 2013 về chính sách học phí, học bổng và các đối tượng chính sách ưu tiên.
Khoản 3 Điều 61 Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài, tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.
Các ưu tiên về chính sách đầu tư cho giáo dục cần phải được bảo đảm công bằng và bình đẳng trong hoạt động giáo dục.
Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai của quốc gia. ảnh: Ngọc Quang. |
Thứ tư, đồng thời với việc ban hành các Nghị quyết của đề án đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong phát triển giáo dục như Nghị quyết số 44 của Chính phủ, đã xác định thì cần sớm ban hành các văn bản quy phạm để quy định rõ ràng việc quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư cho giáo dục.
Cần bảo đảm đầu tư thực sự công khai minh bạch, thực sự làm chuyển biến tình hình giáo dục hiện nay.
Xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục.
Thứ năm, thực chất của giáo dục là hoạt động của dạy và học. Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cần phải đổi mới nhằm nâng cao chất lượng tương tác giữa nhà giáo và người học.
“Nhà giáo giữ một vai trò quan trọng trong sự thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Vì vậy, công tác phát triển đội ngũ giáo dục là khâu đột phá. Cùng với việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo thì Chính phủ cũng cần có những chính sách đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình.
Theo nhu cầu này thì cần nâng dần mức lương và phụ cấp nghề nghiệp của nhà giáo, bảo đảm lương của nhà giáo phải nằm ở mức độ cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp”, ông Hùng đề nghị.
Cũng theo Đại biểu Triệu Thế Hùng, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện miễn học phí đối với giáo dục phổ thông, kể cả đối với một số nước đang phát triển, nước nghèo.
Càng nghèo thì càng phải tính đến chuyện cho trẻ em đi học không mất tiền.
Ở nước ta, cử tri thấy có rất nhiều lý do để miễn giảm học phí cho học sinh phổ thông, bài toán này hoàn toàn có thể giải được, vì chúng ta coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và quyết tâm để giáo dục là quốc sách hàng đầu một cách đúng nghĩa.