Từ 8h-18h ngày 21/8, tại Thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách Khoa Hà Nội) diễn ra ngày hội Toán học mở “Bản giao hưởng số Pi” do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM tổ chức.
Chương trình có sự tham gia của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ hàng đầu như: Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Hà Huy Khoái, Giáo sư Trần Văn Nhung...đã thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh, phụ huynh và các chuyên gia toán học.
Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết: Lựa chọn "Số Pi" làm chủ đề cho ngày hội toán học vì số Pi là đối tượng toán học thú vị.
Được phát hiện từ thời cổ đại, cho tới nay, số Pi vẫn chứa đầy bí ẩn và hấp dẫn trong toán học, tạo nên một bản giao hưởng diệu kỳ.
GS Ngô Bảo Châu nói về phép toán Fermat (Ảnh: T/L) |
Tại đây, các chuyên gia Toán học đã cùng thảo luận về các vấn đề thiết thực của Toán học như thực tiễn giáo dục Toán học ở Việt Nam, những thử nghiệm mới trong giảng dạy Toán học, nên giúp trẻ tiếp cận Toán học như thế nào…
Chương trình còn là cơ hội để phụ huynh có thể trải nghiệm Toán học cùng con, phụ huynh có thể trực tiếp tham vấn ý kiến của chuyên gia Toán học đầu ngành như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Hà Huy Khoái...về các vấn đề liên quan đến Toán học như học Toán thế nào, dạy Toán cho trẻ bằng cách nào…
Đáng chú ý, vào buổi chiều, trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, Giáo sư Ngô Bảo Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã có bài giảng đại chúng liên quan đến lịch sử về định lý cuối cùng của Fermat được các giáo sư, giảng viên toán, sinh viên, học sinh đón nhận nồng nhiệt.
Trong bài giảng của mình Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nêu lịch sử, định nghĩa, quá trình giải phép toán Fermat.
Được biết phép toán này đã tốn không biết bao nhiêu công sức của các nhà toán học chuyên nghiệp và nghiệp dư. Những ví dụ và tính chất phức tạp của nó trong quá trình giải toán.
Chia sẻ về mục đích của ngày hội Toán học mở “Bản giao hưởng số Pi”, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho hay: “Toán học không dễ nhưng không phải quá xa, nếu chúng ta biết cách tiếp cận".
Theo Wikipedia, định lý cuối của Fermat (hay còn gọi là Định lý lớn Fermat) là một trong những định lý nổi tiếng trong lịch sử Toán học. Trong gần 4 thế kỷ, với bao công sức của các nhà toán học định lý vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Cuối cùng nó được Andrew Wiles chứng minh vào năm 1993 sau gần 8 năm ròng nghiên cứu, phát triển từ chứng minh các giả thiết có liên quan. Năm 1995 Wiles mới hoàn tất, công bố chứng minh trọn vẹn định lý này. |