LTS: Trước ngưỡng cửa của những đổi mới trong giáo dục, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về những lời căn dặn của bác Tô (tên gọi khác của Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Trong đó, nhiều lời nhắn nhủ của bác Tô vẫn còn rất ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay và cũng là điều mà đa số nhân dân mong đợi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và lãnh đạo nhà nước lúc nào bác Tô cũng quan tâm hết sức mình đến sự nghiệp nâng cao dân trí và đào tạo nhân tài.
Ngày 20/3/1955, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I trên cương vị người đứng đầu chính phủ, bác Tô đã phân tích phải thống nhất và củng cố ngành phổ thông, chú trọng phát triển các lớp trên của trung học (cấp II); đặc biệt chú trọng phát triển ngành chuyên nghiệp và đại học.
Chúng ta phải mở rộng cơ sở rèn luyện cán bộ cần thiết cho công cuộc khôi phục và kiến thiết. Chúng ta phải chú trọng cán bộ công nông.
Ngay từ ngày ấy Bác Tô đã nghĩ đến đại học quốc gia. Bác gợi ý: “Chúng ta phải xây dựng trường đại học Hà Nội thành nơi đào tạo nhân tài của nước nhà”.
Ngày 12/4/1961 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa II, bác Tô lại nhấn mạnh:
“Nhiệm vụ cơ bản và bức thiết nhất là ra sức bồi dưỡng, đào tạo trong một thời gian không lâu một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề, số lượng đủ, chất lượng tốt, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa và có hiểu biết về kỹ thuật, về nghiệp vụ”.
Trong việc này cần chú trọng cán bộ cho công nghiệp và hợp tác xã. Đồng thời phải ra sức làm tốt hơn, nhanh hơn việc nâng cao trình độ văn hoá cho cán bộ, cho nhân dân lao động, phổ biến rộng rãi những hiểu biết cần thiết về kỹ thuật sản xuất và xây dựng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Không chỉ bằng lời nói, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 114/TTg (tháng 3/1957) với nội dung:
“Các cấp chính quyền phải lãnh đạo thực hiện kế hoạch thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hoá ở địa phương...
Phải giữ vững đội ngũ cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ, không nên thay đổi công tác, cần miễn giảm dân công cho họ, bồi dưỡng họ về năng lực, tinh thần và vật chất.”
Sau chỉ thị này 7 tháng, Thủ tướng đã mở cuộc vận động tổng tiến công giặc dốt, lấy tên là Chiến dịch Điện Biên Phủ diệt dốt.
Nhờ quyết tâm của nhân dân cả nước mà trong 3 năm 1956-1958 ở miền Bắc đã có đến 2,16 triệu người thoát nạn mù chữ.
Sau khi hoàn thành công cuộc xoá mù chữ các tỉnh ở miền Bắc đã đẩy mạnh hoạt động bổ túc văn hóa.
Nếu như năm học 1957-1958 mới có 3.000 người tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp I, 174 người tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp II thì đến năm học 1959-1960 con số này đã tăng lên đến 27.300 và 1.474 người.
Ngày 8/4/1965 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá III, trước âm mưu mở rộng chiến tranh của giặc Mỹ, bác Tô đã động viên nhân dân:
“Nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu là một sự thúc đẩy, một sự cổ vũ mạnh mẽ đối với các ngành kinh tế quốc dân, cũng như đối với các ngành văn hoá, giáo dục, y tế, văn nghệ.
Tất cả các ngành, các cấp đều phải đẩy mạnh hoạt động với tốc độ nhanh hơn, khí thế mạnh hơn và phải đạt những tiến bộ rõ rệt hơn".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng mặc dầu trong muôn ngàn khó khăn của công cuộc chống Mỹ cứu nước sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn nhanh chóng phát triển, xã nào cũng có trường cấp I, rất nhiều xã có trường cấp II, các huyện đều có một hay vài trường cấp III.
Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục (GDVN) - Chất lượng chủ yếu được tạo nên từ cơ sở đào tạo. Tự chủ đại học là việc quan trọng cần tiếp tục triển khai thực hiện. |
Các trường đại học đi sơ tán về nông thôn, miền núi, nhưng vẫn đảm bảo duy trì đầy đủ chương trình học tập lý thuyết và thực hành.
Chúng ta vẫn tiếp tục cử đi đào tạo hàng chục nghìn cán bộ tại Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu anh em.
Tháng 5/1968, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá III, bác Tô đã phấn khởi thông báo: “Sống và chiến đấu hằng ngày giữa bom đạn của địch, nhân dân ta càng tỏ ra ham học hơn bao giờ hết...
Số học sinh và sinh viên của chúng ta tăng lên không ngừng, nhà trường của chúng ta đi sát thực tế; mở ra những triển vọng mới của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn liền học với làm".
Ngày 20/2/1973, tại kỳ họp đặc biệt của Quốc hội khoá IV, sau khi phân tích thắng lợi vĩ đại của việc ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, bác Tô đã sớm đề xuất nhiệm vụ:
Phải có kế hoạch đào tạo một đội ngũ cán bộ có chất lượng cho sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước.
Ngày 2/9/1975 sau chiến thắng lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tại lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 30, bác Tô đã nhắc đến thành tựu giáo dục ở miền Bắc:
“Chúng ta đã ra sức phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa... Chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi, nhất là trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và đại học”.
Một mặt bác Tô luôn luôn cổ vũ các thành tựu trong giáo dục, nhưng mặt khác bác rất nghiêm khắc đối với những bất cập, nhất là những sai lầm, khuyết điểm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Chính bác Tô là người đề ra yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học.
Về vai trò của người thầy, bác Tô đã rất nhiều lần phân tích cặn kẽ về trách nhiệm thiêng liêng và vai trò vẻ vang nhưng cực kỳ khó nhọc của người thầy.
Ngày 20/11/1984, nói chuyện nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, bác Tô đã khẳng định:
“Phải có đội ngũ giáo viên giỏi thì mới có chất lượng giáo dục cao... Nhân dân ta có truyền thống tôn trọng và đề cao nghề dạy học. Các thầy giáo, cô giáo hãy xứng đáng với vị trí cao quý của nghề mình...
Cần có chính sách để tuyển được học sinh giỏi, có phẩm chất tốt vào các trường sư phạm... Một việc nữa cần giải quyết là tiêu chuẩn hóa giáo viên.
Chương trình mới đã tính đến cơ sở vật chất, đãi ngộ nhà giáo chưa? (GDVN) - Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường, chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là một vấn đề cốt lõi để chương trình mới thành công. |
Nước ta trước đây có nhiều hệ sư phạm, nay cần phấn đấu để sau một thời gian các giáo viên đều đạt tiêu chuẩn đào tạo đã quy định, tiến tới chỗ giáo viên cấp I phải có trình độ cao đẳng rồi trình độ đại học, giáo viên cấp II và cấp III phải qua Đại học Sư phạm...
Ngành giáo dục và từng nhà trường phải xem việc cải thiện đời sống giáo viên, nhất là cải thiện điều kiện ăn, ở của giáo viên là yêu cầu quan trọng bậc nhất để bảo đảm dạy tốt, là một vấn đề thời sự nóng hổi có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết mọi vấn đề của sự nghiệp giáo dục”.
Về thực trạng của học sinh bác Tô đã có nhiều tâm sự hết sức tâm huyết: “Tại sao học sinh của mình mới 11-12 tuổi mà bận suốt ngày, bận hơn cả tôi nữa kia!
Mình còn có thì giờ nghỉ ngơi một tý, nhưng học sinh thì không có thì giờ nghỉ ngơi. Cô giáo bắt nó giờ này làm việc này giờ kia làm việc kia. Nó phải làm đủ thứ. Các đồng chí phải coi lại”.
Bác Tô đánh giá: “Thế hệ thanh niên của chúng ta, những người hiện đang học ở trường phổ thông, trường đại học và trung học chuyên nghiệp, là những con người đẹp đẽ, là vốn quý nhất của chúng ta...
Thế hệ thanh niên này thật quý báu, đáng tin cậy và đầy hi vọng”.
Bác Tô mong muốn: “Giáo dục phổ thông, ngay ở trường phổ thông cơ sở, bằng cả việc giảng dạy nội khoá và cả hoạt động ngoại khoá, phải đạt đến kết quả làm cho người học sinh biết mình sống trong một huyện, một tỉnh, một thế giới và một vũ trụ như thế nào, quá khứ, hiện tại và tương lai của loài người và của dân tộc ra sao, bản thân con người mình là như thế nào và mình phải làm gì để cống hiến xứng đáng cho nhân dân, cho đất nước”.
Bác Tô căn dặn học sinh, sinh viên: “Cái học được trong nhà trường phổ thông và đại học chưa nhiều lắm đâu.
Nhưng nếu người thanh niên biết dùng vốn đó để tiến lên thì có thể sẽ trở thành những nhà bác học. Chúng ta muốn thanh niên ta trở thành những bác hoc, nhiều chừng nào tốt chừng ấy”.
Về trường, về lớp bác Tô rất băn khoăn: “Ta đòi hỏi trò phải ham học, phải lễ phép, phải kính trọng cô giáo và thầy giáo, phải có đạo đức của người học trò;
Tác giả (bên trái) trong một lần gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
Ta đòi hỏi giáo viên dạy phải ra dạy, học trò học phải ra học mà để cho trường lớp như hiện nay thì khó lắm.
Vấn đề ánh sáng vô cùng quan trọng. Về mùa đông, ánh sáng ở nhiều lớp học không tốt. Điều này có hậu quả nghiêm trọng đối với đôi mắt của các cháu.
Vì vậy nơi nào chưa đủ ánh sáng thì phải kịp thời tìm biện pháp để có thêm ánh sáng cho các lớp học.
Vấn đề bàn ghế cũng không phải là việc nhỏ. Đến thăm lớp học của các cháu chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hiện tượng đáng phàn nàn: lớp học chưa đủ rộng, lại chưa đủ bàn ghế, hàng 50-60 cháu ngồi chen nhau...
Rõ ràng không thể coi nhẹ tình trạng này!
Ngồi chật thì không thể học tốt được. Đó là những việc rất thiết thực,không có gì cao xa, nếu ta giải quyết không tốt sẽ có nhiều hậu quả xấu...
Nhiều địa phương có ý định làm cho trường học là nơi đẹp nhất của địa phương mình. Đó là ý nghĩ quý lắm.
Một cán bộ phụ trách ở địa phương mà làm cho mọi người nhận thức được rằng trường học là nơi đẹp nhất của địa phương thì quý lắm, rất quý. Cần từng bước thực hiện cho được ý nghĩ quý hóa đó”.
Về giáo dục đại học bác Tô tỏ ra hết mực quan tâm, lo lắng. Bác gợi ý: “Ngay như ở Mỹ, các trường đại học của nó cũng gắn với lao động sản xuất chặt chẽ lắm.
Các trường đại học ký hợp đồng với các xí nghiệp lớn để nghiên cứu, nghiên cứu những cái gì đem lại cho nó nhiều lợi nhuận. Không phải chỉ về khoa học, về kỹ thuật, mà cả về kinh tế, về ngoại giao nữa”.
Chương trình mới khắc phục nhược điểm của chương trình hiện hành thế nào? (GDVN) - Bàn luận của thầy giáo Trần Xuân Trà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Thúy, tỉnh Nam Định. |
Về sử dụng cán bộ trẻ bác Tô đề xuất: “Học sinh mới ra trường dầu có bằng cấp gì cao bao nhiêu đi nữa cũng phải tham gia lao động sản xuất, để tự nó học hỏi thêm, tự nó xác định được sự hiểu biết của nó,và cũng từ đó mà làm cho tài năng được nảy nở.
Đứng về mặt xã hội, điều quan trọng nhất là dùng học sinh tốt nghiệp vào việc có ích lợi, dùng nó vào việc mà mình đã bỏ tiền, bỏ gạo ra để đào tạo và nó đã bỏ sức ra để học tập, chứ không nên để ở cơ quan làm công việc hành chính”.
Về các thiếu sót trong giáo dục đại học bác Tô tận tình chỉ bảo:
“Trước mắt, để bắt đầu thực sự chỉnh đốn nền giáo dục đại học nước ta, cần khắc phục cho được những sai lệch nổi cộm dưới đây: Chấm dứt việc mua bằng, mua chức, bán điểm.
Mọi người chúng ta đều biết, có người biết rất rõ, từ đó rất buồn phiền và đau khổ, bởi những hư hỏng về tính trong sạch, lành mạnh của nền giáo dục nước ta trong cả hệ thống, từ cơ quan cao nhất cho đến những đơn vị nhỏ nhất.
Đây là sự mua bán đủ kiểu, đủ cách, dưới nhiều dạng rất khác nhau: mua bằng, mua chức, mua điểm; thậm chí có nơi người ta kháo nhau chỉ cần mấy chục triệu đồng thì có bằng tiến sĩ, mười mấy triệu là có bằng cử nhân”.