Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trao đổi đôi điều với các bạn trẻ

08/01/2018 07:25
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Gần đây, tôi được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức đi nói chuyện với các bạn trẻ ở các trường phổ thông trung học nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Gần đây tôi được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cho đi nói chuyện với các bạn trẻ ở các trường phổ thông trung học nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tôi rất cảm động khi hàng nghìn học sinh ngồi ngoài sân trường có thể yên lặng nghe suốt 2-3 giờ liền, có khi trời nắng hay mưa nhỏ các em vẫn che ô để nghe.

Chắc chắn không phải vì tôi có tài cán gì hơn người mà chỉ vì tôi toàn kể chuyện và đối thoại với các em, chứ không thuyết giảng đạo lý như nhiều thầy cô giáo của các em.

Đầu tiên tôi nói tôi đã 80 tuổi và đã có hai stent (thiết bị y học) trong động mạch vành, nghĩa là vừa già, vừa yếu nên mong các em yên lặng lắng nghe.

Các em có thể cười nhưng khi tôi giơ tay lên thì các em sẽ yên lặng trở lại.

Tôi hỏi các em học để làm gì? Các em trả lời : Học để sau này đỡ khổ, học để vào đại học, học để khỏi phụ công cha mẹ, thầy cô… 

Tôi nói hiện nay nhiều nhà giáo dục nói rằng : “Học để trở thành con người tự do”.

Kiến thức các em đang học là quan trọng nhưng đâu có đủ để vận hành vào cuộc sống.

Đó là những kiến thức cơ bản theo ta suốt cuộc đời cho nên đừng coi nhẹ bất kỳ một môn học nào.

Những năm tháng hạnh phúc nhất chính là những năm tháng được ngồi dưới mái trường.

Nhưng học tập chính là để có thể đủ tâm thức và bản lĩnh để tự do tư tưởng. Đó là những tư tưởng mà mình tự tin là chính xác chứ không phải là a dua theo người khác.

Ta đủ tự tin để nói lên thẳng thắn tư tưởng của mình đối với mọi người. 

Ta có thể tự do đón nhận các nhân thức mới mẻ, tiến bộ, có thể tự do lựa chọn mục tiêu của đời mình và đủ dũng cảm vượt qua mọi khó khăn để đạt đến bằng được mục tiêu đó.

Đó là con người tự chịu trách nhiệm và tự làm chủ được cuộc đời mình, con người tự do thấu hiểu và vượt qua được mọi diễn biến, mọi bất hạnh để đạt đến thành công.

Con người có thể tự do kiến tạo nên mọi hạnh phúc của chính mình và góp phần tạo nên hạnh phúc cho những người khác.

Tôi nhắc đến thư Bác Hồ gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám:

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”

Tôi kể về 4 cuộc cách mạng trong công nghiệp trên thế giới, nhất là cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất sôi nổi hiện nay khắp mọi nơi và là cuộc cách mạng lớn nhất từ trước tới nay.

Đó là Trí tuệ nhân tạo (AI), là Vạn vật kết nối (IoT) là Dữ liệu lớn (BD), là Robot thế hệ mới, là ô tô tự tránh nhau, là tủ lạnh có thể báo hết trứng và nhà cung cấp đưa hàng đến bằng những trực thăng nhỏ như đồ chơi…

Mọi sự vật tiến bộ theo hàm số mũ chứ không còn là tốc độ tịnh tiến.

Ví dụ dễ hiểu nhất là chỉ với một phần mềm ưu việt của UBER hay GRAB mà mọi chuyến taxi phải chuyển tới 20% cước phí cho các nhà lập trình ở mãi tận Hà Lan hay Malaysia (!).

Nhưng nếu thế hệ trẻ chúng ta chỉ ngồi yên thì biết đâu Robot sẽ có lúc thay thế cho hàng chục vạn thanh niên ta đang lao động tại các công ty dệt may, công ty giầy dép hay các công ty lắp ráp điện tử…

Làm thế nào để các bạn trẻ Việt Nam có thể trở thành những công dân toàn cầu như mục tiêu được đề ra của Liên đoàn thanh niên thế giới (IYF).

Các bạn trẻ nên nhớ kiến thức được học dưới mái trường hôm nay chỉ là từ một ông thầy.

Ông thầy thứ hai chính là bản thân mỗi bạn trẻ. Các bạn không tự giác ngộ, tự hành động thì không bao giờ có thể tự tiến bộ.

Ông thầy thứ ba chính là các bạn của mình. Nên nhớ câu nói của Khổng Tử:

Ba người cùng đi ắt có người là thầy ta. Hãy chọn điều thiện mà học, còn điều bất thiện thì nên sửa đổi"

Ông thầy thứ tư là thần tượng của chính mình. Con người có thể có tới 8 trí thông minh khác nhau, cho nên thần tượng có thể là Ngô Bảo Châu, có thể là Ánh Viên, cũng có thể là Đặng Thái Sơn…

Còn ông thầy thứ năm không thể thiếu mọi lúc mọi nơi chính là Ông GOOGLE. Đó là kho tàng kiến thức vô tận, là một thư viện đa ngôn ngữ vô cùng đồ sộ.

Tôi kể câu chuyện vui về bà mẹ chồng đùng đùng bỏ về quê chỉ vì con dâu nghi mình ăn cắp (!) mà thực ra chỉ do cô ấy luôn cáu kỉnh vì “mất WIFI!”, thậm chí còn dọa bà bằng cách lẩm bẩm “MẤT MẠNG” (!).

Tôi tặng các bạn trẻ cuốn “Từ vựng tiếng Anh tối thiểu” và nêu kinh nghiệm tự học ngoại ngữ của bản thân mình.

Tuy không có điều kiện như các bạn trẻ ngày nay nhưng tôi đã tự học để sử dụng được 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Hoa.

Tôi kể về lòng ham thích nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ ở đơn vị của tôi, một đơn vị lớn dần lên theo thời gian:

Từ Phòng nghiên cứu chuyên đề Vi sinh vật học, đến Trung tâm Vi sinh vật học ứng dụng, rồi đến Trung tâm Công nghệ sinh học và cuối cùng là một Viện nghiên cứu quốc gia về Vi sinh vật và Công nghệ sinh học.

Tôi tặng các bạn trẻ cuốn Công nghệ nuôi trồng nấm (tái bản lần thứ 5) và khuyên các bạn ai cũng có thể làm giàu bằng nghề trồng nấm ăn hay nấm dược liệu.

Tôi công khai E-mail của mình và hứa trả lời mọi câu hỏi của các em về khoa học Sự sống và các thắc mắc thông thường.

Tôi hỏi những em nào sẽ thi vào Đại học? Cả một rừng cánh tay giơ lên (!).

Tôi khuyên em nào thật sự có năng khiếu hãy nên dự thi Đại học, vì thiếu gì những con đường để phát triển tài năng và thành đạt.

Đấy là chưa kể đến trên 200 nghìn cử nhân, kỹ sư đang chưa tìm được việc làm và không ít em đang khoác áo xanh lá cây trong cương vị lái “Grab bike” (!).

Tôi kể về các tỷ phú đã được nêu gương trong Chương trình “Sinh ra từ làng” mà tôi có vinh dự tham gia Ban cố vấn.

Đó là những ông Vua không ngai như Vua bơ Trịnh Xuân Mười, Vua quả có múi không hạt Lê Văn Xê, Vua máy cuộn rơm rạ Phan Tấn Bện, Vua cá chép giòn Nguyễn Thế Phước;

Vua Sầu riêng Nguyễn Ngọc Trung, Vua nấm Vân Chi Nguyễn Trường Giang, Vua tảo xoắn tươi Lê Phạm Tân, Vua phong lan Phạm Văn Đoan, Vua hồ tiêu Nguyễn Thanh Tịnh, Vua cao su Trịnh Đình Cây;

Vua đánh bắt xa bờ Nguyễn Văn Ái, Vua gà Nguyễn Thị Thêu, Vua ếch Nguyễn Văn Nữa… và còn biết bao Vua tỷ phú nữa trên khắp mọi miền đất nước.

Tôi kể thêm về những tấm gương vượt khó như em sinh viên ngoại ngữ Lê Thị Thắm ở Thanh Hoá.

Nhà nghèo lại hoàn toàn không có hai cánh tay từ khi mới sinh ra vậy mà từng được giải thưởng về …chữ đẹp (!).

Ngoài viết và đánh máy tính bằng chân em còn thêu thùa rất đẹp và sắp lên năm thứ ba đại học.

Rồi em Trần Hồng Giang ở Nam Định, tuy liệt cả tứ chi nhưng đã từ chối số tiền viện trợ của đoàn chúng tôi, vì nói rằng:

“Tuy em tàn tật nhưng thu nhập của em còn đang cao hơn một thanh niên trong làng” (!).

Mặc dầu chưa bước chân đến trường bao giờ và chỉ đánh máy tính bằng nửa cái đũa ngậm ở miệng nhưng em đã là tác giả của ba cuốn tiểu thuyết và khá nhiều tập thơ, hơn nữa còn làm biên tập tiếng Anh cho một nhà xuất bản (!).

Tôi tự kể về gia đình mình và qua đó nói lên về lòng hiếu học, hiếu thảo.

Tôi kể về những ngày tháng cùng đồng đội tham gia cứu chữa thương binh trong Chiến dịch Đường Chín-Nam Lào và qua đó nói về việc không chỉ cần hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, các thầy cô giáo của mình mà còn là cần hiếu thảo cả với những bạn trẻ như mình nhưng đã hy sinh thân mình hay một phần cơ thể để các em có cuộc sống yên bình và tươi đẹp hôm nay.

Tôi không răn dạy mà chỉ đọc thơ và kể chuyện cho các em nghe.

Các thầy cô giáo sau này kể lại là học sinh lễ phép hơn hẳn đối với các thầy cô và chăm chỉ hơn hẳn trong học tập.

Đó là niềm vui sướng vô hạn đối với tôi, một thầy giáo đã có trên 60 năm trong nghề.

Tôi khuyên các em nên có một cuốn sổ đẹp và ghi lên đó không chỉ mục tiêu của đời mình mà còn cụ thể hoá bằng mục tiêu của từng năm học, từng giai đoạn và thường xuyên kiểm soát xem mình đã thực hiện được đến đâu.

Tôi khuyên các em còn có thêm cuốn sổ ghi các danh ngôn mà các em đọc được hay từng nghe được.

Đó là cách tu dưỡng nhẹ nhàng nhưng rất có hiệu quả.

Tôi lấy ví dụ về những điều tôi từng ghi trong sổ tay của mình về chuyện "Thế nào là một người thành công?".

Người thành công trước hết phải là người có sự thôi thúc tột cùng nhằm thực hiện bằng được mọi mục tiêu và cũng là những mơ ước cao đẹp nhất của đời mình.

Người thành công là người biết đón nhận thử thách và có ý thức phải làm ngay mọi việc cần làm.

Người thành công là người có quyết tâm học tập suốt đời, không bao giờ hài lòng với bản thân nhưng vẫn phải khác biệt với người khác, khác biệt với chính mình ngày hôm qua, khác biệt chứ không phải là dị biệt.

Người thành công là người biết quản lý cảm xúc, biết chấp nhận rủi ro và biết biến khó khăn thành cơ hội để mạnh mẽ vươn lên thực hiện bằng được mục tiêu cao cả của đời mình.

Người thành công là người luôn đạt thành tích cao nhất trong công việc của mình và giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ.

Người thành công là người luôn sống hạnh phúc trong sự thanh thản, lạc quan, khoẻ mạnh, tự tin và thân ái trong các mối quan hệ, cũng như luôn có những thói quen tốt trong cuộc sống.

Người thành công là người luôn tôn trọng những gì mình đã cam kết. Đó là làm đến cùng những điều mà người khác không thể làm và để có được những điều người khác không thể có…

Tôi luôn nhắc các bạn trẻ: Thành công là một hành trình không có điểm dừng.

Bác Hồ đã từng căn dặn thanh niên: “Học cái tốt thì khó, ví như ta leo núi phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.

Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”.

Việc bồi dưỡng kỹ năng sống là nhiệm vụ thiết thực hiện nay đối với đa số học sinh, sinh viên.

Đó là một đối tượng rất rộng lớn và là chủ nhân ông của đất nước trong một tương lai không xa.

Mong sao nhiều người ở bất kỳ cương vị công tác nào, chỉ miễn là có nhiệt tình với thế hệ trẻ, hãy cùng chúng tôi tham gia vào việc giới thiệu kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong các hoạt động ngoại khoá, nhất là trong việc phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các đợt phát động phong trào “Sách và hành động” trong các trường học.

* Những hình ảnh trong bài do Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cung cấp.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng