Ngày 16/8/2017, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông cho biết:
"Ở các nước phát triển, chu kỳ đổi mới chương trình thường vào khoảng 10 năm. Nhưng thời gian gần đây có những quốc gia chỉ 5-7 năm đã thay đổi chương trình 1 lần." [1]
Thực chất, Tổng chủ biên chỉ nhắc lại lời Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong buổi họp báo phân bua, giải thích về các khoản chi 34 nghìn tỷ ngày 17/4/2014, con số Bộ trưởng Phạm Vũ Luận buộc phải bác bỏ trên VTV chỉ 4 ngày sau đó trước sự phản đối của dư luận.
Ông Nguyễn Vinh Hiển nói:
"Do phát triển nhanh khoa học công nghệ nên chu trình sách giáo khoa của thế giới bị rút ngắn, trước thường là 10 năm, nay chỉ còn 5-7 năm đã thay chương trình sách giáo khoa." [2]
Năm 2014 để bảo vệ đề án 34 nghìn tỷ đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khi đó nói rằng, các nước tiên tiến cứ 5-7 năm thay chương trình, sách giáo khoa một lần. Ảnh chụp màn hình clip thầy Hiển trả lời phỏng vấn VTV. |
Cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lẫn Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển đều không chỉ ra được "quốc gia tiên tiến" nào cứ 5-7 năm lại bỏ ra cả mấy chục triệu USD để thay chương trình, sách giáo khoa như Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm.
Và khi đọc lại những phản biện của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lúc chưa làm Tổng chủ biên với thông tin "các nước tiên tiến cứ 5-7 năm lại thay chương trình, sách giáo khoa", chúng tôi nhận thấy có gì đó rất không ổn.
Báo Tiền Phong dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng:
Thông tin này chắc chắn sẽ làm nhiều người lo lắng, vì một đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm (từ nay đến 2022) với rất nhiều công sức và chi phí như đề án này mà chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 5 – 6 năm thì rất lãng phí.
“Một nước còn nghèo như nước ta khó có thể liên tục thay đổi chương trình, sách giáo khoa như vậy.
Theo tôi, đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế chương trình, sách giáo khoa mới thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này”. [3]
Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa |
Bình luận này được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa sau năm 2015 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức trung tuần tháng 3/2014.
Nếu thầy Thuyết còn nhớ, thì cũng tại hội nghị này, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Châu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phải thốt lên:
“Không rõ thông tin đó lấy từ nguồn nào. Đây chỉ là cá biệt của một nước hoặc đối với chương trình của một vài môn học chứ nhất quyết không phải là xu thế chung của thế giới.
Một chương trình chưa thực sự trải nghiệm qua ít nhất một vòng cho cả hệ thống 12 năm, mới chỉ được nửa hệ thống (5 - 6 năm) đã thay đổi, đó là chuyện cực kì vô lý”.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng đặt câu hỏi với thày Thuyết:
"Xin Tổng chủ biên cho biết, dự kiến chương trình giáo dục phổ thông sẽ được sử dụng ổn định trong bao nhiêu năm mà không phải làm lại, cho tương xứng với khoản đầu tư ít nhất 80 triệu USD từ ngân sách, chưa kể kinh phí đào tạo giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình, sách giáo khoa mới?"
Tuổi thọ của chương trình, sách giáo khoa mới thì Tổng chủ biên không trả lời được con số chính xác, thậm chí dù chỉ là con số ước đoán. Còn về kinh phí thì ông ví von:
Toàn bộ kinh phí chi cho việc xây dựng chương trình tổng thể và các chương trình môn học là 6.414.900 USD (145 tỷ đồng), chiếm 8% tổng kinh phí dự án.
"Số tiền này tương đương kinh phí làm 630 mét đường bộ cao tốc Bắc Nam hoặc 182 mét đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa ở Hà Nội." [1]
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với truyền thông về chương trình mới trên cương vị Tổng chủ biên, ảnh: Báo Tin Tức. |
Chúng tôi không rõ ẩn ý của việc Giáo sư so sánh kinh phí làm chương trình với kinh phí làm 182 mét đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa có hàm ý gì, và không tiện suy diễn ý thầy như vậy là ít hay nhiều.
Nhưng có 2 sự thật cần được nêu ra đây.
Một là, Nghị quyết 88/2014/QH13 duyệt Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, phần kinh phí xây dựng và thẩm định chương trình tổng thể và các chương trình môn học chỉ có 55,2 tỷ đồng theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Con số này chỉ nhỉnh hơn chút xíu so với 1/3 số tiền mà Giáo sư nhắc đến.
Hai là, làm đường đắt hay rẻ, tốt hay xấu thì người dân vẫn có con đường để đi, tức là ít nhiều vẫn còn được hưởng lợi.
Nhưng chương trình, sách giáo khoa mà làm ẩu, xào xáo lại sách cũ thành sách mới, thì Dân tộc này lại bỏ lỡ một cơ hội. Thiệt hại không chỉ đo bằng tiền.
Ngày 2/11/2012, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với Báo Infonet:
Tổng chủ biên dùng "chuyện ngược đời" để giải thích sự thay đổi quan điểm |
"Từ khi tôi tham gia Quốc hội đến nay, chưa thấy trường hợp nào tự nguyện từ chức."
"Một số vị không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai sót rất lớn vẫn không chịu từ chức, dù đại biểu Quốc hội đã gợi ý đến nơi đến chốn.
Có thể vì đặt sĩ diện cá nhân cao hơn trách nhiệm với công việc, đất nước, với nhân dân. Nhưng cũng có thể vì chức tước gắn chặt với bổng lộc".
"Qua truyền hình, tôi đặc biệt ấn tượng với các vị lãnh đạo chính quyền và công ty ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nếu có lỗi, họ thường xin lỗi rất đàng hoàng, thậm chí còn cúi thấp đầu để xin lỗi.
Ở phương Tây cũng vậy: Người có lỗi phải chân thành nhận lỗi. Đó là biểu hiện trình độ văn hóa cao.
Nước ta vẫn tự hào là một nước ngàn năm văn hiến, nhưng không hiểu sao việc nhận lỗi khó thế.
Phổ biến nhất là làm ngơ. Thứ hai là đổ lỗi. Ngành này đổ lỗi cho ngành kia. Hết cách thì đổ cho cơ chế. Đổ cả cho Quốc hội (vì Quốc hội ban hành luật). Thậm chí đổ … cho Trời, cho Dân." [9]
Phải thừa nhận rằng trong bài phỏng vấn này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rất bộc trực, thẳng thắn, và đây có lẽ cũng là một trong những điều làm nên tên tuổi của ông trên nghị trường.
Nhưng không hiểu sao khi đảm nhiệm vị trí Tổng chủ biên, trước những câu hỏi trực diện, thẳng thắn, cụ thể liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm mà Giáo sư đảm nhiệm thì thầy lại trả lời cho qua chuyện, hoặc im lặng?
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực? |
Những câu hỏi rất cụ thể, rõ ràng và nằm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm Tổng chủ biên mà chúng tôi nêu ra với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đến bây giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời, dù nó liên quan đến tiền đồ giáo dục.
Như thế phải chăng Giáo sư đang làm ngơ?
Trước khi làm Tổng chủ biên thì Giáo sư cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sản xuất sách giáo khoa là vô lý, thầy ví như Bộ Công thương trực tiếp sản xuất máy cày, Bộ Y tế trực tiếp khám chữa bệnh ngoài da.
Nhưng rồi chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lại tiên phong giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cái việc ông từng phản đối vì "vô lý" ấy.
Và giải thích cho sự thay đổi đột ngột này, ông lấy lý do Nghị quyết 88/2014/QH13 quy định thế. Nhưng ngay cả nghị quyết này, Giáo sư cũng đã từng phản đối khi còn chưa làm Tổng chủ biên.
Ông gọi quy trình ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 là "chuyện ngược đời", nay lại dùng nó để giải thích cho sự thay đổi thái độ quan điểm của mình về mặt chuyên môn, như vậy có phải Giáo sư đang đổ lỗi?
Hết cách thì đổ cho cơ chế. Đổ cả cho Quốc hội (vì Quốc hội ban hành luật).
Lý giải về hiện tượng từ khi tham gia Quốc hội đến giờ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chưa thấy ai từ chức, ông cho rằng:
"Nhưng có một lý do quan trọng khác chỉ người trong cuộc mới hiểu cặn kẽ, đó là sợ mất bổng lộc."
Điều Giáo sư gọi là "chỉ người trong cuộc mới hiểu cặn kẽ" làm người viết bất giác nhớ đến câu hỏi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển năm 2003 mà đến nay không ai đưa ra câu trả lời:
“Việc chuyên gia trong các dự án giáo dục được trả 12.000-15.000 USD/tháng/người (tương đương 200 triệu đồng) trong khi lương tháng của một công chức bình thường chỉ khoảng 1 triệu đồng, Bộ trưởng có biết?
Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lý dự án chứ không quản lý giáo dục, đúng không?” [5]
Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa |
Trong bài viết "Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức" mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết viết, đăng trên Tia Sáng, thầy đã tổng kết đặc điểm thứ 6 của trí thức là "thường khảng khái và tự trọng".
Thầy dẫn lời người xưa đã khái quát phẩm hạnh này thành nguyên tắc sống: "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất".
(Nghĩa là: giàu sang không làm hư hỏng, nghèo khó không khiến đổi lòng, quyền uy không khuất phục nổi). [6]
Nay không hiểu quý thầy vì lẽ gì mà không dám lên tiếng bảo vệ sự thật, lẽ phải, thanh danh của chính mình?
Chúng tôi vẫn luôn hy vọng nhận được câu trả lời chân thành, thẳng thắn và trách nhiệm từ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, vẫn tin tưởng vào những gì Giáo sư đã chia sẻ với Báo Infonet hay báo An ninh Thủ đô.
Thực sự báo cáo của VEPIC mà ông Ngô Trần Ái ký, gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra một vấn đề nghiêm trọng.
Nó không chỉ thách thức uy tín, tính liêm chính của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn và 43 vị khác trong Ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được cho là đã đầu quân cho VEPIC khi thực hiện nhiệm vụ của Bộ cũng như Ngân hàng Thế giới.
Mà chuyện này còn ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục nước nhà, là manh mối của các nhóm lợi ích.
Nếu chọn đứng về phía Nhân dân, mong Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và quý thầy có tên trong danh sách tác giả sách giáo khoa của VEPIC hãy lên tiếng, đừng "phớt lờ hay đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho Quốc hội".
Nguồn:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-Thuyet-tra-loi-ve-tuoi-tho-chuong-trinh-moi-sach-Cong-nghe-giao-duc-post179001.gd
[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-giao-duc-giai-thich-cac-khoan-chi-34-000-ty-dong-170912.html
[3]https://www.tienphong.vn/giao-duc/doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-ngheo-ma-hoang-684887.tpo
[4]http://infonet.vn/gs-nguyen-minh-thuyet-tu-khi-toi-tham-gia-qh-den-nay-chua-thay-truong-hop-nao-tu-nguyen-tu-chuc-post33433.info
[5]https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-minh-hien-giai-trinh-hay-bien-minh-8844.htm
[6]http://tiasang.com.vn/-dien-dan/tri-thuc-va-mot-vai-dac-diem-cua-tri-thuc-3338