Giáo sư Phạm Phụ nêu 5 kinh nghiệm quốc tế về vai trò của Hội đồng trường

20/04/2017 07:19
Giáo sư Phạm Phụ
(GDVN) - Quá trình thực hiện tự chủ đại học thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở bộ chủ quản và Hiệu trưởng sang Hội đồng trường.

LTS: Mức độ tự chủ đại học vẫn tồn tại một “phổ” khá rộng giữa các nền giáo dục đại học trên các châu lục (từ Châu Á đến Châu Âu, đến hệ đại học ở Anh Mỹ) cũng như giữa các cơ sở đại học của từng nước (từ nhà nước kiểm soát – State Control ở Cao đẳng cộng đồng, đến nhà nước giám sát – State supervising ở đại học nghiên cứu của Mỹ). 

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế có tính phổ quát mà nền giáo dục đại học Việt nam có thể nghiên cứu, trao đổi để vận dụng trong quá trình hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế cũng như “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục đại học của mình.

Hôm nay, trong bài viết này, Giáo sư Phạm Phụ - Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) tóm tắt 5 kinh nghiệm quốc tế mà theo giáo sư có ý nghĩa then chốt nhất, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của “Hội đồng trường” trong tự chủ đại học. 

Bởi lẽ, giữa “Quản trị đại học với Hội đồng trường” và “Tự chủ đại học” là 2 vế có tính “đánh đổi” giữa quyền lợi và nghĩa vụ. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Kinh nghiệm 1: Mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học nên có một “phổ” khá rộng tùy theo các loại hình và năng lực của các cơ sở đó.

Trên thế giới, hệ đại học Anh Mỹ có mức độ tự chủ đại học cao nhất (sau đó là đến hệ đại học châu Âu và đại học châu Á có mức độ tự chủ thấp nhất, trừ trường hợp của Singapore). 

Tuy vậy, ở Mỹ, mức độ tự chủ đại học cũng có một phổ khá rộng, từ mức nhà nước chỉ giám sát (state supervising) ở các đại học nghiên cứu cho đến mức nhà nước kiểm soát (state control) ở các cao đẳng cộng đồng. 

Giáo sư Phạm Phụ (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Phạm Phụ (Ảnh: Thùy Linh)

Ở Việt Nam, cơ sở đại học rất đa dạng về chủ sở hữu, về năng lực và đặc điểm. Vì vậy nhà nước cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở giáo dục đại học khác nhau.

Kinh nghiệm 2: Có đến 7 nội dung trong tự chủ đại học và thường nhà nước cũng can thiệp với mức độ khác nhau trong các nội dung đó.
    
Có đến 7 nội dung trong tự chủ đại học: 

Một là, nghiên cứu và công bố (R&Pu); 

Hai là, nhân sự (Staff); 

Ba là, chương trình giảng dạy (C&T); 

Bốn là, chuẩn mực học thuật (Ac.S); 

Năm là, sinh viên (Stud); 

Sáu là, quản trị trường (Gov) 

Bảy là, hành chính và tài chính (A&F). 

Trong đó, thường nhà nước cần can thiệp nhiều nhất vào nội dung A&F và Ac.S, như số lượng sinh viên, mức học phí, đóng cửa và sát nhập, kiểm định chất lượng, công nhận Accreditation, kiểm toán tài chính. 

Giáo sư Phạm Phụ nêu 5 kinh nghiệm quốc tế về vai trò của Hội đồng trường ảnh 2

Hội đồng trường ...chạy bằng gì?

Mức độ can thiệp trung bình thường là R&Pu, Stud và C&T, như Chuẩn mực nhập học, Ưu tiên nghiên cứu.

Mức độ can thiệp ít nhất thường là Gov.& Staff như miễn/ bãi nhiệm Staff, Kiểm soát hội đồng khoa học.

Kinh nghiệm 3: Tự chủ đại học và Quản trị đại học với Hội đồng trường là 2 vế có tính “đánh đổi” (trade-off) như giữa quyền lợi và nghĩa vụ.

Trên thế giới ngày nay, loại hình trường đại học rất đa dạng, từ đại học nhà nước (State Univ.), đại học có liên quan đến nhà nước (State Related Univ.), đại học có tài trợ công – vận hành tư (Publicly fund – Privately run), đại học tư có tài trợ của nhà nước (Private State aided Inst.), đại học tư không vì lợi nhuận (Private non-profit), đại học nửa vì lợi nhuận (Private semi for profit), đến đại học vì lợi nhuận (private for profit)… 

Vì vậy quan trọng là “Ai là người quản lý/ vận hành trường” mà không phải “Ai là người sở hữu trường”. 

Và như luôn có vấn đề tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng. Kèm theo đó là vấn đề “chủ sở hữu cộng đồng” hay “chủ sở hữu khuyết danh”. Do đó thường có 2 cơ chế trong một tổ chức: a) Cơ chế Hội đồng và b) Cơ chế thực thi.

Cơ chế Hội đồng chính là Hội đồng trường (bản chất là hội đồng quản trị) và Cơ chế thực thi chính là Ban giám hiệu. 

Giáo sư Phạm Phụ nêu 5 kinh nghiệm quốc tế về vai trò của Hội đồng trường ảnh 3

Phải tìm ra lý do vì sao Hội đồng trường tốt như vậy mà không phát huy hiệu quả?

Hội đồng trường chính là cầu nối với chủ sở hữu cộng đồng. Và cũng vì vậy, người ta thường xem, giao tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội (accountability) là giao cho Hội đồng trường chứ không phải giao cho Hiệu trưởng. 

Nói một cách khác, nhà nước chỉ giao tự chủ đại học cho các cơ sở giáo dục đại học có Hội đồng trường. 

Kinh nghiệm 4
: Chức năng và các mối quan hệ của Hội đồng trường với Hiệu trưởng có ý nghĩa quyết định đến dự thành bại của quản trị cơ sở giáo dục đại học cũng như đảm bảo quyền tự chủ đại học.

Chức năng của Hội đồng trường và cơ chế thực thi có thể phân biệt như ở bảng sau đây: 

Như vậy chức năng cơ bản của Hội đồng trường là Quản trị và tạo ra “Sự thay đổi” (Make a change), còn chức năng cơ bản của cơ chế thực thi là Quản lý nhằm “giữ trong trật tự” (Keep in order). 

Mối quan hệ giữa chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là mối quan hệ đồng cấp hỗ trợ nhau (Supportive peer). Có Hội đồng trường mới có tự chủ nhưng việc hoạt động đúng chức năng của 2 cơ chế này có ý nghĩa có tính quyết định của sự thành bại ở một cơ sở giáo dục đại học.
 
Kinh nghiệm 5. Cần có một Hội đồng trường đúng nghĩa
      
Một Hội đồng trường đúng nghĩa mới có thể đảm bảo quyền tự chủ đại học. Để có một Hội đồng trường đúng nghĩa, cần lưu ý:

- Cơ cấu cần đa dạng, già trẻ, trình độ chuyên môn, tính chất công việc, loại hình nghề nghiệp;

- Cần có thành phần bên ngoài trường lớn hơn thành phần bên trong trường, thành phần bên ngoài thường chiếm 50 – 60% số thành viên của Hội đồng trường;

- Hội đồng trường chỉ ra quyết định trong các kỳ họp, ngoài các kỳ họp, các thành viên Hội đồng trường cũng như chủ tịch Hội đồng trường không can thiệp và ra lệnh đối với Hiệu trưởng cũng như các thành viên khác của nhà trường;

- Hội đồng trường là quan tòa cuối cùng của những mâu thuẫn nội bộ;

- Các thành viên Hội đồng trường cần có Training về chức năng và cách làm việc

Do vậy, quá trình thực hiện tự chủ đại học thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở bộ chủ quản và Hiệu trưởng sang Hội đồng trường. 

Nếu chúng ta không “thể chế hóa” chức năng và các mối quan hệ thì khó lòng mà thực hiện tự chủ đại học.

Giáo sư Phạm Phụ