LTS: Gần đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều bài viết của các thầy cô phản ánh việc giáo viên phải làm quá nhiều biểu mẫu, văn bản, giấy tờ.
Tiếp tục chủ đề này, thầy Lê Xuân Chiến cho rằng các giáo viên chủ nhiệm hiện nay đang bị "bội thực" với các loại văn bản, khiến họ bị "hành chính hóa" công việc của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong vai trò là người giáo dục tri thức, nhân cách cho học sinh, các thầy cô giáo phải vất vả, lao tâm khổ tứ rất nhiều.
Thầy cô nào làm công tác chủ nhiệm thì càng vất vả hơn, trăn trở nhiều hơn nữa khi học trò còn nhiều em học yếu, ngỗ ngược, thiếu ý thức rèn luyện.
Đã thế, các thầy cô chủ nhiệm còn bị một cái khổ khác “bao vây”, đó là văn bản, giấy tờ nhiều đến mức “bội thực”!
Giáo viên chủ nhiệm là nơi “hội tụ” của rất nhiều loại văn bản, giấy tờ từ các tổ chức, đoàn thể trong trường đổ dồn về.
Đó là văn bản nội dung sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần, danh sách học sinh chưa hoàn thành các khoản nộp, kế hoạch tổ chức các hoạt động, văn bản chỉ đạo, thông báo, các loại giấy tờ khác như hồ sơ, biểu mẫu thống kê, biên bản, giấy mời...
Giáo viên chủ nhiệm đang "bội thực" với văn bản, giấy tờ. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn) |
Có lẽ giáo viên chủ nhiệm là người tổ chức “hiện thực hóa” các kế hoạch của nhà trường đến học sinh nên họ là đầu mối để các tổ chức, đoàn thể dồn văn bản, giấy tờ đến.
Hết văn bản của Ban giám hiệu đến văn bản của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội khuyến học, Hội chữ thập đỏ, Ban hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Hết giấy tờ, biểu mẫu, thông báo của giáo vụ đến giấy tờ, biểu mẫu, thông báo của Đoàn trường, thủ quỹ, các hội...
Cuối năm giáo viên chủ nhiệm lớp 12 còn nhận và phát hộ nhiều thông báo tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp, dạy nghề của địa phương.
Thầy cô đang vào mùa khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá, phân loại cán bộ |
Vì vậy, cái cặp của giáo viên chủ nhiệm thường nặng trịch và chật cứng, lỉnh kỉnh biết bao nhiêu giấy tờ, văn bản.
Có người cẩn thận sắm riêng một cái kẹp hồ sơ để lưu trữ các loại văn bản, giấy tờ chủ nhiệm.
Thế mà nhiều lúc vẫn bực mình khi lục lọi giấy tờ, vì văn bản, giấy tờ nhiều loại quá, tìm cho ra cái cần tìm - đó không phải là điều dễ dàng, nhanh chóng.
Vấn đề không phải là số lượng văn bản, giấy tờ nhiều hay ít mà là cách quản lý, điều hành trong nhà trường.
"Trăm dâu đổ đầu tằm", tổ chức này, đoàn thể kia hoạt động nhưng rồi cuối cùng dồn về hết cho giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm y như “cái kho” công việc, cứ tống hết vào đó, mặc sao họ hoàn thành thì thôi, không hoàn thành thì bị phê bình, bị quy chụp vào thành phần “chống đối”, thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm với công việc.
Văn bản, giấy tờ nhiều đó là dấu hiệu “hành chính hóa” công tác chủ nhiệm. Nhiệm vụ trọng tâm của giáo viên chủ nhiệm là tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục nhân cách học sinh; phối hợp với phụ huynh uốn nắn, giáo dục học sinh tiến bộ.
Thế mà nhiều khi nhiệm vụ “thập cẩm” không tên lại nhiều hơn, đó là báo cáo, thống kê, nhắc nhở, đôn đốc (công việc và nhiêu khê nhất là tiền).
Làm việc với học sinh có nhiều kênh như chi đoàn, chi hội, đội, nhóm, câu lạc bộ, lớp trưởng, Bí thư chi đoàn, Ban đại diện Cha mẹ học sinh... chứ đâu chỉ qua một kênh duy nhất là giáo viên chủ nhiệm, đổ dồn trách nhiệm về giáo viên chủ nhiệm.
Văn bản, giấy tờ nhiều là dấu hiệu yếu kém trong “cải cách hành chính” (hoặc hoàn toàn không có ý thức về cải cách hành chính).
Nếu lãnh đạo biết triển khai kế hoạch năm học thành kế hoạch từng tháng, từng tuần cụ thể, hợp lý, khả thi thì một văn bản dán ở Phòng Hội đồng là đủ, cần gì phải ban hành và in sao rất nhiều văn bản vụn vặt, nhiêu khê không cần thiết.
Nếu lãnh đạo biết xâu chuỗi công việc của các tổ chức, đoàn thể trong kế hoạch chung nhà trường ở từng quý, từng tháng thì cần gì “đẻ” thêm các “văn bản con”, riêng lẻ của các tổ chức, đoàn thể?
Nhiều trường đến nay đã có những phần mềm quản lý trường học, website, mạng Internet, sóng wifi, kênh nội bộ... sao vẫn ban hành rất nhiều văn bản giấy rắc rối và tốn kém (giấy in, mực in, tiền photocopy) như vậy ?
Giáo viên chủ nhiệm chứ không phải là giáo viên “chịu trách nhiệm”... tất cả mọi việc. Xin đừng đẩy hết việc xuống giáo viên chủ nhiệm với nhiều loại văn bản, giấy tờ nhồi nhét như thế.
Làm việc qua giấy tờ, văn bản nhiều quá dễ dẫn đến sự quan liêu, mệnh lệnh, thiếu thuyết phục, hiệu quả công việc kém.
Được tính 4 tiết/ tuần, nhưng giáo viên chủ nhiệm gánh vác không biết bao nhiêu công việc.
Chế độ không có gì lại dễ gặp “tai bay vạ gió”, nếu ứng xử với lãnh đạo, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh không khéo, thiếu mềm dẻo, linh hoạt.
Đã thế lại còn bị “bội thực” giấy tờ, văn bản, “bội thực” những công việc có tên và không tên...
Ước chi tất cả lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đều từng làm công tác chủ nhiệm, và cứ một vài năm lại “chịu khó” xuống làm giáo viên chủ nhiệm một vài tháng để “xâm nhập thực tế”, hiểu hết nỗi vất vả của giáo viên chủ nhiệm, trong đó có sự nhiêu khê vì “bội thực” văn bản, giấy tờ!