Thầy cô đang vào mùa khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá, phân loại cán bộ

18/04/2017 07:00
Thiên Ấn
(GDVN) - Sự bất nhất, khập khiễng của 2 loại đánh giá, phân loại cán bộ, giáo viên, nhân viên ở ngành giáo dục bao giờ mới không còn tồn tại nữa?

LTS: Cứ chuẩn bị cuối năm học, nhà trường lại bận rộn với công tác tổng kết, xếp loại đánh giá giáo viên và cán bộ.

Theo đó, thầy giáo Thiên Ấn chỉ ra sự bất đồng giữa hai văn bản quy định cách đánh giá mà hầu hết các trường đang áp dụng khiến công việc này trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tất cả cơ sở giáo dục cả nước sắp đến mùa phải phát hành và hướng dẫn các loại biểu mẫu, giấy tờ, hồ sơ cho các tập thể tổ, nhóm, cán bộ, giáo viên, nhân viên để đánh giá, phân loại năm học 2016- 2017. 

Cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục được đánh giá, phân loại dựa vào hai loại văn bản pháp quy, Nghị định 56/2015/NĐ-CP và Thông tư số30/2009/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Việc đánh giá, xếp loại giáo viên đang có sự bất đồng khiến nảy sinh nhiều biểu mẫu, giấy tờ. (Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn)
Việc đánh giá, xếp loại giáo viên đang có sự bất đồng khiến nảy sinh nhiều biểu mẫu, giấy tờ. (Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn)

Biểu mẫu quy định ở Nghị định 56 chỉ có hai loại, một phiếu đánh giá và phân loại công chức, một phiếu đánh giá và phân loại viên chức, trong đó có 4 mục chính: 

Tự đánh giá kết quả công tác, tu dưỡng, rèn luyện của công chức, viên chức; 
Tự đánh giá, phân loại của công chức, viên chức; 
Ý kiến của tập thể đơn vị và lãnh đạo trực tiếp quản lý công chức, viên chức; 
Kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền. 

Còn biểu mẫu quy định tại Thông tư số 30 thì gồm có hàng tá: phiếu giáo viên tự đánh giá; phiếu đánh giá giáo viên của tổ chuyên môn, của Hiệu trưởng; phiếu tổng hợp xếp loại giáo viên của tổ chuyên môn; tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp;

Phiếu Hiệu trưởng tự đánh giá; phiếu giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia đánh giá Hiệu trưởng; tổng hợp kết quả giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia đánh Hiệu trưởng;

Phiếu Phó Hiệu trưởng tự đánh giá; phiếu giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia đánh giá Phó Hiệu trưởng; phiếu Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại Phó Hiệu trưởng;

Tổng hợp kết quả giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia đánh giá Phó Hiệu trưởng. 

Thầy cô đang vào mùa khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá, phân loại cán bộ ảnh 2

Thầy Đỗ Tấn Ngọc ao ước việc đánh giá, xếp hạng giáo viên cũng nhân văn, sư phạm

Theo Thông tư này, mỗi cán bộ, giáo viên phải tự đánh giá qua 6 tiêu chuẩn, với 25 tiêu chí, quy về điểm từ 1 đến 4, tổng điểm được xếp thành 4 mức: xuất sắc, khá, trung bình, kém.

Ngoài ra còn có: biên bản đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ, giáo viên, nhân viên của tổ chuyên môn, của nhà trường; báo cáo tình hình thực hiện việc nhận xét, đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên. 

Chúng tôi liệt kê cụ thể, đầy đủ các loại giấy tờ, biểu mẫu về chuẩn đánh giá nghề nghiệp ở Thông tư 30 ra đây để bạn đọc thấy rằng: hồ sơ, giấy tờ, biểu mẫu của cá nhân cán bộ, giáo viên và đơn vị trường học (chỉ mới 1 loại thôi) mà đã nhiều kinh khủng đến cỡ nào rồi. 

Một tập thể đơn vị nhà trường có hàng chục tổ, nhóm chuyên môn, cùng hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên, bộ phận quản lý lao động, thi đua, khen thưởng từ thời điểm này đến cuối năm học (cuối tháng 5) phải vất vả, bò người ra chuẩn bị, phô tô, phân loại, chỉ dẫn, tổng hợp, sắp xếp số lượng biểu mẫu, giấy tờ “khủng” ấy. 

Có cán bộ quản lý quờ quạng, phát khùng lên khi các tổ, anh, chị, em giáo viên chưa rõ, thiếu biểu mẫu chạy lên hỏi đủ thứ… 

Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đến nay vẫn còn lúng túng, không hiểu đơn vị, cán bộ, giáo viên của mình nên theo cách đánh giá, phân loại nào cho phù hợp, chuẩn nhất.

Bởi, theo Nghị định 56 quy về 4 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành (trên cơ sở định tính); trong khi đó, Thông tư 30 cũng quy về 4 mức như khác về loại: xuất sắc, khá, trung bình và kém (trên cơ sở định lượng).

Thầy cô đang vào mùa khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá, phân loại cán bộ ảnh 3

Học sinh, sinh viên đánh giá giáo viên, tại sao không?

Xét về các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên ở hai quy định nói trên có nhiều điểm khác nhau.

Một bên dùng chung cho tất cả công chức, viên chức nhà nước, một bên có tính chất đặc thù của hoạt động nghề nghiệp nhà giáo.

Nếu quy đổi hai mức thành một mức chung thì xem ra có phần khập khiễng, thiếu đồng nhất, nên hầu hết các đơn vị nhà trường vẫn đánh giá, phân loại và lưu trữ hai loại hồ sơ khác nhau.

Thật oái ăm, có trường hợp cán bộ, giáo viên, theo Nghị định 56 thì được đánh giá, phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, song theo Thông tư 30 thì chỉ còn loại khá (qua thống kê, tổng hợp của tổ, nhà trường).

Sự bất nhất, khập khiễng của 2 loại đánh giá, phân loại cán bộ, giáo viên, nhân viên ở ngành giáo dục bao giờ mới không còn tồn tại nữa? 

Và đến khi nào, nhà trường, cán bộ, giáo viên bớt khổ về chuyện lo giấy tờ, biểu mẫu, báo cáo, biên bản… vào dịp cuối năm học?

Có lẽ, các cấp quản lý nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo mới trả lời được mấy câu hỏi đó?

Thiên Ấn