Giúp giải tỏa tâm lý trẻ sợ đến trường đầu năm

11/09/2012 15:47
Sau ngày khai giảng, các em học sinh bắt đầu trở lại với quỹ đạo học tập với bài giảng trên lớp và bài tập về nhà. Đây là quãng thời gian mà hầu hết các em học sinh đều cảm thấy căng thẳng. Với những em lần đầu tiên làm quen với ngôi trường mới thì “sốc” bởi mọi quy tắc bị thay đổi, trong khi đó các em khác thì cảm thấy “nuối tiếc” quãng thời gian nghỉ ngơi thư giãn của mùa hè.
Hội chứng "sốc" đầu năm học
Cầm kết quả bài kiểm tra kiến thức đầu năm học của cô con gái học lớp 5, chị T.D không khỏi ngỡ ngàng bởi điểm số thấp hơn so với lực học của con chị. Chị càng bất ngờ hơn khi cô giáo chủ nhiệm cho biết, con gái chị đã bật khóc ở lớp khi nhận bài kiểm tra điểm 6 môn Toán.
Trong khi đó, chị T.H thì cứ mỗi lần vào năm học mới lại phải chỉnh đốn và sốc lại tinh thần học tập cũng như kiến thức cho cô con gái của mình. Chị T.H cho biết, năm nay cháu học lớp 5 nhưng hầu như năm nào, sau ngày khai giảng, kiến thức và tinh thần học tập của cháu cũng bị “khủng hoảng” với những bài làm điểm kém.
Còn chị H.A có cô con gái mới vào lớp 1, sáng nào đi học cũng khóc lóc, kêu khó thở, đau bụng. Sợ con bị bệnh, chị H.A đem con đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sỹ cho biết cháu chị bị “sốc” với môi trường học tập mới.

Với trẻ mới vào lớp 1, tiếp thu kiến thức mới là một trong những thử thách rất lớn đối với các em. Ảnh minh họa
Với trẻ mới vào lớp 1, tiếp thu kiến thức mới là một trong những thử thách rất lớn đối với các em. Ảnh minh họa
Giúp trẻ giảm sốc: Cách nào?
Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Hoa (Viện Tâm lý học), khi vào lớp 1, các em sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện nội quy học tập, khả năng điều khiển tâm lý của bản thân còn kém. Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi này phải làm quen với phương pháp học tập mới, học nhiều môn khác nhau, kể cả những môn các em không thích. Thậm chí, nhiều em còn bị căng thẳng trước khối lượng lớn kiến thức vừa mới, vừa trừu tượng. Bên cạnh đó, với đặc điểm tâm lý của lứa tuổi mới vào lớp 1, khả năng phân tán chú ý ở trẻ còn cao, các em chưa ý thức được rõ giới hạn giữa chơi và học nên gặp nhiều khó khăn trong khi chuyển trạng thái từ hoạt động chơi sang học.
Cô Lê Phạm Phương Lan, giảng viên tâm lý học Trường DDH Nguyễn Huệ cho biết, với trẻ mới vào lớp 1, tiếp thu kiến thức mới là một trong những thử thách rất lớn đối với các em. Và như vậy, vai trò của giáo viên ở lớp học này không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải hướng dẫn các em cụ thể cách lắng nghe bài giảng, cách viết bài theo yêu cầu của giáo viên trên lớp… Đồng thời, giáo viên cũng không được tạo áp lực cho học sinh hay áp đặt các em một cách gò ép mà phải giúp các em làm quen với thời khóa biểu, linh hoạt tạo cho trẻ khoảng thời gian, không gian nghỉ ngơi phù hợp.
Đối với những trường hợp học sinh lớp lớn vẫn bị “sốc” khi vào năm học mới, chuyên gia tâm lý Trung Kiên (Trung tâm Tư vấn tâm lý, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, trạng thái mệt mỏi, uể oải, ngủ gật, không thích đi học… là do nhiều học sinh đã quen nghỉ ngơi thoải mái dịp hè, nên khi đi học chưa bắt nhịp kịp với hoạt động trí óc căng thẳng, khiến trẻ mệt mỏi. Do đó những ngày đầu tiên của năm học mới trẻ dễ bị “sốc” bởi thời khóa biểu nghiêm ngặt, phải ngồi yên nghe thầy cô giảng và buổi tối về phải làm bài tập.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Minh Huệ (Công ty tư vấn Tâm lý trẻ), hội chứng sợ đến trường của học sinh lớp 6 (lớp đầu cấp) là do các em đang ở vào tuổi dậy thì cũng có nhiều thay đổi, lo lắng, lại cộng thêm việc đổi trường, thêm bạn mới, học nhiều khiến các em khó thích nghi hơn.
Chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Hoa cho biết, cha mẹ là người đầu tiên có thể giúp con có một tâm trạng thoải mái khi đến trường. Do đó, phản ứng của cha mẹ ảnh hưởng nhiều tới hứng thú học tập của trẻ. Trong ngày đi học đầu tiên của con, cha mẹ không nên quá quyến luyến  lúc chia tay, nhưng cũng đừng lờ đi cảm xúc của các em. Cha mẹ hãy nói với con rằng chuyện căng thẳng trong ngày đầu đến trường là chuyện bình thường. Hãy động viên các em để cùng chia sẻ những cảm xúc, những điều tốt và xấu ở trường và hãy liên lạc thường xuyên với giáo viên của con. Đừng quên nói với các em rằng tất cả những đứa trẻ khác đều lo sợ khi ngày đầu tiên đến trường.