LTS: Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất khi áp dụng mô hình học mới (VNEN) là diện tích mỗi lớp thiết kế cho 35 học sinh, nhưng sĩ số phổ biến là 50 học sinh/lớp.
Đâu là khác biệt giữa mô hình học mới và mô hình học truyền thống?
Thưa ông, khó khăn trong việc áp dụng dạy và học theo mô hình mới (VNEN) là gì?
Ông Phạm Xuân Tiến: Khó khăn lớn nhất khi triển khai mô hình trường học mới (VNEN) là móc xích giữa sĩ số học sinh/lớp và diện tích phòng học. Diện tích phòng học được thiết kế cho 35 học sinh/lớp, nhưng trên thực tế ở một số trường khu vực nội thành sĩ số khá lớn, từ 45 – 50 học sinh, thậm chí cá biệt có lớp gần 60 học sinh nên gây ra khó khăn cho việc triển khai mô hình học mới.
Đây là khó khăn chung ngay cả khi chưa triển khai mô hình học mới thì học theo hình thức truyền thống cũng vẫn gặp khó khăn này.
Còn đối với giáo viên có thể ban đầu nhận thức chưa đầy đủ, có thể áp dụng chưa thực sự tốt, nhưng dần dần sẽ tốt. Cũng giống như giáo viên trẻ mới ra trường, không phải ai mới dạy những tiết đầu, tháng đầu cũng hay ngay được, mà cần phải có một khoảng thời gian giảng dạy nhất định mới có thể dạy tốt.
Còn đối với cha mẹ học sinh được học mô hình này thì cần dành thêm thời gian cùng hoạt động để giúp cho con em có tăng cường kiến thức thực tế cũng như trải nghiệm cuộc sống ở gia đình và môi trường xung quanh. Điều này vô cùng có lợi cho việc phát triển phẩm chất và năng lực của con trẻ.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. ảnh: Ngọc Quang. |
Như ông vừa nói thì diện tích phòng học nhỏ là một rào cản, vậy điều đó có làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của mô hình học mới?
Ông Phạm Xuân Tiến: Phòng học rộng là một yếu tố cần thiết, tuy nhiên với điều kiện hiện nay dù sĩ số khá lớn nhưng các trường đều tổ chức mô hình này rất tốt.
Thí dụ như Trường Tiểu học Tả Thanh Oai ở huyện Thanh Trì, sĩ số phổ biến là 50 học sinh/lớp, khi kê bàn ghế học theo nhóm cũng vẫn đủ chỗ, nhưng giáo viên sẽ vất vả hơn một chút khi di chuyển, trao đổi bài với học sinh.
Đối với giáo viên dạy theo mô hình mới VNEN thì điều cần nhất là khả năng quan sát để phát hiện vấn đề ở mỗi nhóm và từng cá nhân trong nhóm. Mặc dù giáo viên không phải nói thường xuyên như mô hình lớp học truyền thống, nhưng các thày cô phải quan sát để có thể hỗ trợ tương tác với cá nhân hoặc nhóm. Đây là yếu tố vô cùng cần thiết mà giáo viên phải liên tục phát huy.
Theo xu hướng đổi mới, Hà Nội những năm gần đây đang nỗ lực để giảm sĩ số học sinh trên từng lớp, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp, bởi vì di dân cơ học quá nhanh, điển hình là ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Các khu chung cư mọc lên nhiều dẫn tới tăng dân số nhanh, do đó hạ tầng cơ sở các trường học không đáp ứng kịp.
Tuy nhiên, mặc dù với điều kiện còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng việc tổ chức mô hình học mới đã đạt được nhiều kết quả rất bất ngờ.
Có thể nói mô hình trường học VNEN rất tốt cho tương lai của nền giáo dục, bởi vì với cấp tiểu học thì điều quan trọng nhất là rèn được cho các em phương pháp học tập chủ động, tự tin, hợp tác, chia sẻ, kỹ năng sống tốt.
Qua kiểm tra thực tế tại các trường đang áp dụng mô hình học mới, chúng tôi rất vui mừng vì học sinh rất tự tin khi giao tiếp, chủ động nêu quan điểm trong học tập, biết tôn trọng lắng nghe ý kiến của bạn.
Đây là điều khác biệt rất rõ giữa mô hình học mới và mô hình truyền thống, và chính các phụ huynh là những người sẽ trực tiếp thẩm định, đánh giá, chứ nếu không tốt mà chúng tôi nói tốt thì cũng không được.
Cũng có ý kiến cho rằng, học theo mô hình này vẫn còn có học sinh yếu. Tôi xin chia sẻ rằng, học theo mô hình nào thì cũng có học sinh giỏi, khá, trung bình và còn học sinh yếu.
Nhưng với mô hình này thì kể cả những học sinh yếu cũng buộc phải tương tác với nhóm, được bộc lộ quan điểm của mình. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát để so sánh giữa cách dạy-học theo mô hình truyền thống với mô hình mới thì kết quả cho thấy mô hình học mới giảm số phần trăm học sinh yếu rất rõ rệt.
Với Hà Nội khi áp dụng mô hình dạy học mới, chúng tôi chỉ đạo ở các tiết tự học có hướng dẫn thì tùy theo tình hình của từng lớp, giáo viên chủ động có thể sắp xếp lại nhóm có cùng trình độ.
Đối với nhóm học sinh có khả năng hoàn thành nhanh nhiệm vụ, giáo viên giao thêm nhiệm vụ khác, để tạo điều kiện phát triển tối đa khả năng tư duy của học sinh.
Đối với nhóm thực hiện nhiệm vụ còn chậm, giáo viên tăng cường quan tâm tư vấn, hướng dẫn kịp thời để học sinh hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng cơ bản.
Chính vì vậy, việc áp dụng mô hình học mới tại Hà Nội vừa nâng cao được chất lượng đại trà, đồng thời cũng tăng cường được chất lượng mũi nhọn.
Người Việt Nam mình thường thiếu kỹ năng và cũng thiếu tự tin khi trình bày một vấn đề gì đó trước đám đông. Phương pháp học mới giúp học sinh rất tự tin, các em được hướng dẫn học cá nhân, rồi thảo luận ở nhóm nhỏ sau đó là ra nhóm lớn, hình thành thói quen luôn luôn mong muốn trình bày quan điểm của mình trước mọi người và đồng thời chấp nhận ý kiến phản biện của bạn bè.
Phương pháp dạy và học mới cũng giúp học sinh chủ động đọc, thảo luận mục tiêu bài học trong nhóm và thảo luận trước lớp. Khi kết thúc tiết học ngoài cá nhân tự đánh giá sẽ có đánh giá xem nhóm, lớp đã đạt được mục tiêu chưa? Qua đó, học sinh nắm rất chắc kiến thức.
Từng bị phụ huynh phản đối, Sở Giáo dục nói gì?
Có bao giờ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận được những ý kiến phản đối của phụ huynh về mô hình học mới không?
Ông Phạm Xuân Tiến: Có chứ! Thí dụ khi triển khai mô hình học mới tại Trường Tiểu học Tứ Liên (quận Tây Hồ) có khá nhiều phụ huynh phản đối, với một số lý do sau:
Thứ nhất, ngồi học theo nhóm khiến các cháu có thể bị cong vẹo cột sống; Thứ hai là các cháu ngồi học nhóm có thể nói chuyện riêng; Thứ ba học theo phương pháp mới khiến phụ huynh mất thêm nhiều thời gian trao đổi với giáo viên và con em mình; Thứ tư là lo lắng cách học này khiến các cháu giỏi khó phát huy.
Tôi đã trực tiếp đối thoại với các phụ huynh 2 giờ đồng hồ liên tục để giải đáp các thắc mắc.
Giáo dục đang bội thực với thử nghiệm nhiều phương pháp dạy học mới |
Thứ nhất, đây là mô hình các em tự học cá nhân, học theo nhóm, cho nên các em rất ít khi phải quay lên bảng.
Tuy vậy, để đảm bảo về tâm sinh lý học sinh chúng tôi vẫn rất chỉ đạo yêu cầu các lớp phải đổi chỗ ngồi cho học sinh hàng ngày trong nhóm, chứ không sắp xếp các em ngồi cố định.
Đối với vị trí các nhóm thì 1 tháng cũng phải đổi chỗ 1 lần. Tôi cũng xin chia sẻ rằng, mô hình học nhóm đã được áp dụng ở rất nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Singapore… Việt Nam không phải nơi thử nghiệm mà là đang học tập lại cách làm tốt của họ mà thôi.
Thứ hai, việc học tập theo mô hình mới giúp các em tư duy nhiều hơn và khi tư duy thì các em sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Tôi nghĩ điều đấy không chỉ có lợi cho trẻ mà còn giúp bố mẹ và các con gắn kết nhiều hơn.
Thứ ba là khi các con học nhóm để tiện cho việc trao đổi, thảo luận nhóm và luôn có nhóm trưởng phụ trách nên không thể nói chuyện riêng dễ dàng như lo lắng của phụ huynh. Bên cạnh đó, còn có sự quản lý của các giáo viên.
Thứ tư với các học sinh học tốt thì giáo viên vẫn có thể cho các em bài tập nâng cao để tạo sự hứng khởi, kiến thức của nhân loại là vô tận nên chúng ta không cần phải lo lắng các cháu giỏi không phát huy được khả năng.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng các cuộc thử nghiệm thường chỉ thực hiện trong một phạm vi hẹp, sau đó đánh giá tổng kết rồi mới quyết định có triển khai rộng hay không. Tuy nhiên, dự án này dù chưa có tổng kết đánh giá mà Hà Nội đã có hơn 100 trường triển khai, như vậy có vội vàng không?
Ông Phạm Xuân Tiến: Ban đầu chỉ có Trường Tiểu học Tả Thanh Oai được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm nơi thí điểm tại Hà Nội. Cho tới nay đã có 114 trường tiểu học trên toàn địa bàn 30 quận huyện của Hà Nội áp dụng mô hình này.
Hàng năm, chúng tôi đều có tổng kết đánh giá, những trường tự nguyện áp dụng mô hình mới họ đã được mắt thấy, tai nghe, tự thẩm định và thống nhất với phụ huynh, còn Sở Giáo dục chỉ làm công tác định hướng thông tin, trao đổi, chứ không bắt ép trường nào phải làm.
Đầu tiên, chúng tôi tổ chức chuyên đề mời lãnh đạo quản lý giáo dục các quận huyện đến nghe, trao đổi, thảo luận, đưa ra các vấn đề. Sau đó nơi nào đăng ký, Sở Giáo dục tiếp tục tổ chức cho giáo viên đến quan sát mô hình học mới, rồi mới tiến hành tập huấn. Toàn bộ kinh phí tập huấn đều do Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục hỗ trợ.
Chúng tôi tin rằng, việc áp dụng ở 114 trường tiểu học là không hề vội vàng, bởi vì chỉ thay đổi phương pháp dạy và học, chứ không thay đổi chương trình, không thay đổi chuẩn kiến thức.
Việc thay đổi này nhằm giúp học sinh nâng cao các kỹ năng trong quá trình học tập, thí dụ đó là kỹ năng tự học, kỹ năng tương tác, kỹ năng làm việc nhóm… đó là những điểm yếu của học sinh Việt Nam nhiều năm nay.
Trân trọng cảm ơn ông!