Ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc họp và ra quyết định tạm dừng triển khai trên diện rộng mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong khi chỉ hơn hai tuần nữa các em bắt đầu tựu trường (từ 1/8-25/8), khai giảng vào 5/9 (theo quy định của Bộ GD&ĐT) và đã lập kế hoạch, triển khai một số nội dung VNEN thì quyết định dừng mô hình này của lãnh đạo tỉnh đã khiến các trường phải “rốt ráo” điều chỉnh lại mọi thứ.
Triệu tập gấp các cuộc họp bàn phương án dạy mới
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Theo Bộ GD&ĐT: “Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm". Mô hình trường này triển khai tại một số cấp học ở Hà Tĩnh từ năm học 2012-2013. Hiện tại có 129/260 trường tiểu học, 32/150 trường THCS, 15/44 trường THPT áp dụng. |
Sau cuộc họp ngày18/07/2016, một số Phòng GD&ĐT, huyện, thị Hà Tĩnh đã chủ động triển khai họp đội ngũ cốt cán và thông báo quyết định dừng triển khai mô hình học của Chủ tịch tỉnh.
Chiều ngày 18/07, ngay sau cuộc họp buổi sáng, Phòng GD&ĐT Hồng Lĩnh đã tổ chức họp cán bộ cốt cán gồm Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Trung học cơ sở và Tiểu học.
“Nội dung cuộc họp nhằm thông báo đến đội ngũ cán bộ quyết định của Chủ tịch tỉnh, bàn cách giải quyết khó khăn cho nhà trường và giáo viên khi tạm dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN.
Cảm nhận được những vướng mắc từ phía phụ huynh, học sinh nên chúng tôi cũng đang tập trung thông tin giải đáp những thắc mắc để chuẩn bị tốt mọi điều kiện nhằm triển khai năm học mới 2016-2017” - thầy Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh cho biết.
Đã chi tiền tỷ mua sách
Một trong những khó khăn cần tháo gỡ sau quyết định đưa ra của Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là bàn cách giải quyết số sách giáo khoa đã đặt mua.
Được biết, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đăng ký, đặt mua sách giáo khoa qua kênh của ngành hoặc trực tiếp qua Công ty thiết bị trường học.
Số tiền đặt mua sách giáo khoa cho 100% học sinh học theo VNEN ước tính lên tới hàng tỷ đồng.
Trước vấn đề này, 15h ngày 18/07, Sở GD&ĐT đã có thông báo đề nghị các trường chủ động giải quyết số sách mà các phòng GD&ĐT đặt mua cho các trường.
"VNEN là vay nợ"(GDVN) - Đã từng nghe ở Hà Tĩnh, ôm nợ để làm trường chuẩn Quốc gia và bây giờ chứng kiến vay nợ để triển khai mô hình trường học mới VNEN. |
Trong nội dung thông báo gửi đến huyện Đức Thọ viết như sau:
“Kính gửi Hiệu trưởng các trường Tiểu học, theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, đề nghị các trường đã nhận sách trường học mới (THM) đóng gói trả lại cho Công ty.
Cụ thể 19 trường năm nay mới triển khai mô hình THM trả hết các tài liệu, sách giáo khoa.
Các trường Tiểu học Trường Sơn, Đức Lập, Đức Lạc, Đức La, Đức Thành, Đức Yên trả lại sách lớp 2.
Các trường Trung Lễ, Đức Nhân, Yên Hồ trả lại sách lớp 2 và lớp 5”.
Nhận được thông báo này, cô Nguyễn Thị Hoài Th. (cán bộ thư viện một trường ở Đức Thọ) than vãn: “Khổ lắm! Sách vừa mới nhận về trường chưa kịp phát giờ lại phải mang lên phòng trả”.
Một số quyển sách giáo khoa lớp 2 theo mô hình VNEN (Ảnh nguồn: tuoitre.vn). |
Nhưng trả được còn may mắn, một số trường trực tiếp mua qua Công ty thiết bị sách trường học rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười.
“Đêm hôm qua (18/07) tôi nhận được nhiều tin nhắn của phụ huynh học sinh phản ánh về việc bây giờ không học nữa thì giải quyết sách giáo khoa cho con em phụ huynh ra sao.
Tôi kiểm tra thì được biết Trường Tiểu học Thị trấn Hương Khê đã mua hơn 80 triệu tiền sách, cô giáo chủ nhiệm đã nhận và đã bọc giấy bóng sách nên Công ty thiết bị sách trường học không chịu nhận lại.
Chúng tôi đang nghiên cứu để tìm cách giải quyết!” - một cán bộ là lãnh đạo Phòng GD&ĐT tỉnh Hương Khê cho biết.
Tại huyện Hương Sơn, ông Đào Duy Sỹ - Trưởng phòng GD&ĐT cũng cho hay: “Ở đây, tất cả các trường đã đặt mua sách giáo khoa mới nhưng sách vẫn chưa về nên lãnh đạo phòng sẽ đặt vấn đề với nhà sách, không biết họ có thông cảm xử lý cho không?”.
Trong chương trình học áp dụng VNEN, một Hiệu trưởng trường tiểu học cho biết: “Chỉ những môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội là cải cách mới còn những môn như Thủ công, Mỹ Thuật, Âm nhạc, Đạo đức, Tiếng Anh vẫn học theo sách truyền thống”, cho nên, phụ huynh vừa phải mua sách mới, vừa mua sách cũ.
Sách VNEN không có bán, thư viện không có cho mượn, mất sách là thảm họa(GDVN) - Nói thật là, không có sách giáo khoa thì về nhà học hành kiểu gì. Lo lắng quá nên tôi nhờ thầy, cô mua hộ sách đó nhưng thầy cô bảo không có để mua. |
Một bộ sách giáo khoa lớp 2 trọn bộ có giá 318.000 đồng; trong đó phần sách VNEN là 160.000 đồng.
Bộ sách lớp 3 trọn bộ 448.000 đồng, trong đó sách VNEN là 172.000 đồng.
Bộ sách lớp 4 trọn bộ 610.000 đồng, trong đó sách VNEN là 249.200 đồng.
Như vậy, đối với phụ huynh, khi sắm đủ một bộ sách giáo khoa lớp 4 chẳng hạn đã tương đương mất gần 1 tạ thóc!
Thầy giáo Đoàn Minh Kh. cho biết: “Hiện phụ huynh và học sinh có con em đang theo học VNEN có tâm lý rất bất an.
Khi một chương trình mới bỗng dưng dừng lại sẽ khiến phụ huynh, học sinh cảm thấy nghi ngại, vì vậy chúng tôi đang cố gắng làm tốt công tác truyên truyền để góp phần làm an lòng phụ huynh, học sinh”.
Tại trường Tiểu học thị trấn Hương Khê, các giáo viên chưa biết giải quyết vấn đề sách như thế nào! (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Để tiếp tục duy trì và phát triển giáo dục, trước mắt tỉnh Hà Tĩnh cần ổn định tình hình, làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để làm cho phụ huynh, học sinh an tâm, tự tin bước vào năm học mới 2016-2017.