Hãy biết tự bảo vệ mình, bảo vệ trò trước khi quá muộn!

02/12/2016 07:15
Phan Tuyết
(GDVN) - Càng thương học trò, các thầy cô càng nên kiên quyết nói không với nạn "học sinh ngồi nhầm lớp". Đó cũng chính là cách bảo vệ học trò cũng như chính bản thân.

LTS: Tình trạng "học sinh ngồi nhầm lớp", chưa biết đọc biết viết mà vẫn được lên lớp đều đều đang là vấn đề nóng của ngành giáo dục.

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng nếu giáo viên thỏa hiệp, sẵn sàng cho học sinh yếu kém lên lớp thì giáo viên đang tự hại học trò cũng như hại chính bản thân mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thời gian gần đây, Sóc Trăng nổi lên như một điểm nóng về giáo dục khi để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết.

Học sinh này đã được trả về trường tiểu học trước đây em từng theo học để học lại từ đầu.

Quyết mạnh tay thanh trừng nạn "học sinh ngồi nhầm lớp", Sở Giáo dục tỉnh Sóc Trăng tiếp tục cho rà soát tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh, kết quả được thông báo có hơn trăm học sinh đọc, viết yếu.
 
Học sinh được nhà trường tăng cường phụ đạo, bồi dưỡng để bổ sung kiến thức. 

Thương học trò, các thầy cô phải kiên quyết nói không với nạn "học sinh ngôi nhầm lớp". (Ảnh minh họa, nguồn: vov.vn)
Thương học trò, các thầy cô phải kiên quyết nói không với nạn "học sinh ngôi nhầm lớp". (Ảnh minh họa, nguồn: vov.vn)

Mới đây, Báo điện tử Dân Việt đã có bài viết “Học sinh lớp 6 nhưng phải nhìn bảng để… chép chữ”. 

Nội dung bài báo phản ánh 3 học sinh Hồ Thị Thu, Hồ Thị Củ và Hồ Thị Phay (cùng lớp 6A, Trường THCS Thuận, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) không biết viết chữ gì ngoài tên của mình. 

Sự việc bị phanh phui, ban giám hiệu các trường thường nhận lỗi “Do chủ quan, quá tin tưởng giáo viên nên để xảy ra tình trạng ấy” thế là mọi trách nhiệm trực tiếp đổ xuống đầu giáo viên. 

Dù biết có phần oan ức nhưng chẳng thầy cô giáo nào có đủ lý lẽ hay bằng chứng mà “phản cung”. 

Bởi xưa nay, Ban Giám hiệu chỉ đạo việc này làm gì có quyết định hay văn bản nào ngoài lời nói mà (lời nói gió thoảng bay) lấy gì để làm chứng?

Liên quan đến việc học sinh học tới lớp 6 vẫn không biết đọc ở trên, Sở Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã cảnh cáo nhà trường và khiển trách các giáo viên liên quan. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tiến hành kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý trách nhiệm của các cá nhân, giáo viên, nhà trường vi phạm để xảy ra sự việc như báo nêu.

Qua đây cũng nhận thấy giáo viên, nhà trường, gia đình, chính quyền và toàn xã hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với học sinh
”.

Công bằng mà nói, để học sinh không biết đọc, biết viết lên lớp, giáo viên chủ nhiệm cũng không vô can.

Dù những thầy cô giáo này “không thiếu trách nhiệm với học sinh” càng không phải họ “dạy dỗ lơ là chưa phối hợp tốt với phụ huynh…”. 

Hãy biết tự bảo vệ mình, bảo vệ trò trước khi quá muộn! ảnh 2

Quảng Bình xác minh học sinh lớp 3,4,5 mà không biết đọc, viết vẫn được lên lớp

Bởi trong thực tế, những lớp học có một vài học sinh đặc biệt thế này thầy cô phải đổ công sức gấp nhiều lần những giáo viên khác nhưng các em vẫn không thể khá hơn. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như các em chậm phát triển trí tuệ, có những biểu hiện khác với hầu hết những học sinh bình thường nhưng không có giấy xác nhận khuyết tật, hoàn toàn không chịu học hay học trước quên sau…

Khi đã nỗ lực hết mình nhưng các em vẫn không thể đọc, viết được giáo viên hoàn toàn có quyền cho học sinh ở lại lớp. (Cũng có vài trường hợp khi được học lại, những học sinh này tiến bộ hơn nhiều). 

Không có bất cứ thầy cô giáo nào lại muốn cho học sinh yếu kém lên lớp bởi hơn ai hết họ hiểu rằng làm như thế là trút gánh nặng lên chính đồng nghiệp của mình, là trực tiếp hại đời các em. 

Bởi nếu cho các em ở lại lớp việc học của các em sẽ tốt lên rất nhiều. Buộc các em lên lớp coi như đã cướp đi cơ hội học tập của trẻ. 

Bởi kiến thức cũ nắm chưa chắc, kiến thức mới lại quá cao, các em sẽ học đuối dần đến không biết gì nữa. Dẫn đến việc học sinh chán nản và nghỉ học là điều không thể tránh khỏi.

Dù biết vậy, nhưng phần lớn, thầy cô giáo đều thỏa hiệp và cho các em lên lớp mặc dù trong lòng không muốn. 

Vì sao ư? Vì ai cũng sợ việc cho học sinh ở lại lớp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của mình như bị quy chụp “dạy không tốt, chưa quan tâm đến học sinh”. Cá nhân mất danh hiệu thi đua, lớp không được khen thưởng…

Giáo viên cần làm gì để bảo vệ mình?

Trước hiện tượng học sinh không biết đọc, biết viết bị một số trường học trả về yêu cầu học lại từ lớp 1 trong thời gian vừa qua và sự chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho giáo viên của các trường đã ít nhiều làm một số thầy cô giáo giật mình, lo nghĩ. 

Xưa nay, để học sinh yếu kém lên lớp, nhiều giáo viên cứ nói “Do sức ép từ Ban Giám hiệu không thể không nghe”. 

Đó cũng chỉ là lời ngụy biện nếu bản thân từng thầy cô cương quyết, biết gạt bỏ lợi ích cá nhân mình vì lợi ích chung của nhiều học sinh yếu sẽ chẳng ai làm được gì.  

Hãy biết tự bảo vệ mình, bảo vệ trò trước khi quá muộn!

Phan Tuyết