Hiệu phó của nhiều trường đang nhờ giáo viên lên lớp hộ

03/03/2017 09:10
Đỗ Quyên
(GDVN) - Trong thực tế, ai đã lên Phó Hiệu trưởng cũng đồng nghĩa với việc “chẳng bao giờ dạy một tiết thao giảng, chẳng bao giờ bị ai đó dự giờ”.

LTS: Để sâu sát tình hình tại trường học, Ban giám hiệu cũng cần phải tham gia dạy thao giảng.

Đặc biệt, với vai trò là một Phó Hiệu trưởng – người chỉ đạo về mặt chuyên môn tại nhà trường thì càng cần thực hiện tốt việc này.

Cô giáo Đỗ Quyên cho rằng cần có quy định rõ ràng và nghiêm túc, tránh tình trạng các Phó Hiệu trưởng nhờ vả giáo viên dạy giúp như tại một số trường hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong Điều lệ trường học lại quy định Ban giám hiệu các trường học ngoài việc làm công tác quản lý nhà trường, hàng tuần phải đứng lớp vài tiết dạy và tham gia vào các khối lớp để cùng sinh hoạt chuyên môn. 

Việc này giúp cho Ban giám hiệu mà đặc biệt là Phó Hiệu trưởng các trường nắm chắc các phương pháp dạy học, trình độ học sinh hay việc ứng dụng các phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học mới để chỉ đạo giáo viên thực hiện.

Không chỉ vậy, mà việc này còn giúp các Phó Hiệu trưởng nắm rõ tình hình chuyên môn của trường mình để kịp thời chấn chỉnh một cách phù hợp.

Cần có quy định về việc Phó Hiệu trưởng đứng lớp bao nhiêu tiết một năm. (Ảnh minh họa từ sggp.org.vn)
Cần có quy định về việc Phó Hiệu trưởng đứng lớp bao nhiêu tiết một năm. (Ảnh minh họa từ sggp.org.vn)

Theo quy định, Phó Hiệu trưởng một tuần dạy 4 tiết, Hiệu trưởng dạy 2 tiết.

Ngoài một số địa phương thực hiện nghiêm túc việc này vẫn còn không ít nơi Ban Giám hiệu không lên lớp dạy mà nhờ các tổ trưởng hoặc giáo viên của chính lớp ấy dạy giúp (điển hình ở quận Bình Tân, Vĩnh Long mà báo chí đã phản ánh). 

Hàng tháng, các khối lớp đều sinh hoạt chuyên môn 2 lần, giáo viên thường thay phiên nhau thao giảng để đồng nghiệp mình dự giờ, góp ý rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. 

Vài tháng, giáo viên phải lên tiết trường (gọi là hội giảng) để giáo viên toàn trường dự. Chưa nói đến những tiết thao giảng cụm trường (vài ba trường cùng dự một tiết) để học hỏi lẫn nhau…

Có thể nói, một năm, mỗi giáo viên phải có gần chục tiết thao giảng, hội giảng, thanh tra…thế nhưng Phó Hiệu trưởng là người phụ trách chuyên môn một trường lại không bao giờ dạy thao giảng bất cứ một tiết nào. 

Hiệu phó của nhiều trường đang nhờ giáo viên lên lớp hộ ảnh 2

Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường

Nhiều giáo viên cũng nói: “Phó Hiệu trưởng là người phụ trách chuyên môn một trường, người luôn được đi học, đi tiếp cận những phương pháp dạy học mới, luôn đi thanh kiểm tra các trường bạn nên sẽ có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.  

Lẽ ra phải đem những lợi thế ấy thể hiện bằng những tiết dạy thực tế để giáo viên toàn trường dự mà học hỏi. Thế nhưng chẳng có Phó Hiệu trưởng nào làm được việc này, đây cũng là một điều thật uổng phí”. 

Trong thực tế, ai đã lên Phó Hiệu trưởng cũng đồng nghĩa với việc “chẳng bao giờ dạy một tiết thao giảng, chẳng bao giờ bị ai đó dự giờ”.

Vì không có quy định cụ thể Phó Hiệu trưởng phải dạy thao giảng một năm bao nhiêu tiết nên họ tự cho mình cái quyền không cần dạy mà luôn có quyền đi dự giờ, đi kiểm tra giáo viên bất kể lúc nào mình thích.

Thế rồi, nhiều giáo viên đang dạy, họ bất ngờ cầm sổ vào xin dự giờ và góp ý (không ít Phó Hiệu trưởng dùng cách này để thị uy giáo viên hoặc để diệt những ai không cùng phe cánh). 

Khổ nỗi, Phó Hiệu trưởng giỏi, có kinh nghiệm còn đỡ, không ít người lên Phó Hiệu trưởng cũng nhờ “ăn may”, nhờ “cơ chế” hay nhờ một “sức mạnh” nào đó nên chuyên môn họ nắm cũng hời hợt đôi khi thua cả giáo viên. 

Hiệu phó của nhiều trường đang nhờ giáo viên lên lớp hộ ảnh 3

"Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ"

Chưa nói đến từ khi lên Phó Hiệu trưởng không phải dạy để ai đó dự giờ, kiểm tra nên kinh nghiệm giảng dạy thực tế cũng ít dần đi hoặc do không phải dạy trước giáo viên không ít Phó Hiệu trưởng lơ là trong việc đầu tư chuyên môn của mình. 

Bởi vậy, nhiều góp ý của những Phó Hiệu trưởng như thế, giáo viên phải nghe nhưng nhiều người không phục vì thiếu đi tính thực tế.

Để tránh tình trạng “tự mãn”, luôn trau dồi chuyên môn, nâng cao năng lực giảng dạy cũng như phát huy những thế mạnh của mình cho giáo viên học hỏi cũng cần phải có quy định để Phó Hiệu trưởng - người chỉ đạo chuyên môn của trường học có tiết thao giảng, hội giảng toàn trường như các giáo viên khác.

Đỗ Quyên