LTS: Ngày nay, học trò phải tham gia quá nhiều kỳ thi trong khi nhiệm vụ chính của các em là học tập.
Cô giáo Thuận Phương phản ánh những áp lực mà học sinh phải chịu đựng để cố gắng mang về những danh hiệu thành tích cho nhà trường, cho địa phương.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Học trò thời nay bị nhiều áp lực đè nặng, áp lực từ gia đình với việc kì vọng của không ít phụ huynh. Áp lực từ thầy cô, từ nhà trường để mang danh hiệu về làm đẹp các bản thành tích.
Những cuộc thi được tổ chức theo ngành dọc như (Phòng, Sở) tổ chức đã thấy mệt mỏi, căng thẳng.
Các xã phường nơi trường học trực thuộc cũng thường lấy các em học sinh ra làm phương tiện để đạt được những mục tiêu phấn đấu của phường xã đề ra.
Chưa bao giờ giáo viên và học sinh lại phải chịu cảnh áp lực thi thố từ nhiều phía đến như thế.
Những cuộc thi do ngành tổ chức
Hàng năm, ngoài nhiệm vụ học tập, học sinh phải tham gia rất nhiều các cuộc thi do ngành giáo dục địa phương tổ chức.
Có thể kể đến những cuộc thi đình đám như thi Violympic Toán; Anh Văn; Giải học sinh giỏi truyền thống; Thi vở sạch chữ đẹp; Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật; Nét cọ tuổi thơ; Giao thông thông minh; Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; Thi giải toán trên máy tính cầm tay...
Hãy để các cuộc thi là sân chơi bổ ích tạo hứng thú cho học sinh. (Ảnh: Báo Infonet) |
Một số hội thi huy động sự chung sức của nhiều cá nhân như Giao lưu tiếng Anh; Thi hùng biện tiếng Anh; Em yêu văn học; Em yêu lịch sử; Kể chuyện Bác Hồ; Thi chỉ huy đội giỏi…
Điều đáng nói là có những cuộc thi, hội thi ấy đều được diễn ra ở vài cấp như cấp trường, cấp thị và cấp tỉnh. Có nghĩa là một cuộc thi hay hội thi ấy học trò phải tham gia thi đến vài ba lần.
Những cuộc thi do địa phương tổ chức
Trường học đóng trên địa bàn nào chịu sự chỉ đạo của địa phương ấy. Bởi vậy, mỗi khi đến dịp kỉ niệm một ngày lễ hay thực hiện một nhiệm vụ nào đó, các xã phường thường nhắm đến những trường học đóng trên địa bàn.
Những hội thi như Thi làm lồng đèn Trung thu; Em yêu lịch sử; Kể chuyện Bác Hồ; Nói không với các tệ nạn xã hội…
Chẳng biết họ có cần thông qua Phòng giáo dục nơi trực tiếp quản lý các trường học hay không, chỉ cần công văn của xã phường gửi về là Ban giám hiệu các trường học lại lo “sốt vó” để ráo riết chuẩn bị.
Nhiều khi họ tổ chức các hội thi ngay thời điểm học sinh đang ôn tập giữa học kì hay ôn tập cuối năm. Dù không bằng lòng nhưng cũng chẳng trường nào dám lên tiếng phản đối.
Thầy trò ngày đêm quay cuồng với các "cuộc chiến" để mang hư danh về cho trường |
Bởi phần nhiều những công văn gửi về trường, xã phường đều khẳng định đó chính là “nhiệm vụ chính trị” nên chẳng trường học nào lại dám không tham gia.
Thế rồi, giáo viên và học sinh cứ vắt chân lên cổ để chạy cho kịp.
Học sinh học 2 buổi/ngày nên chẳng có nhiều thời gian để tập dượt.
Bởi thế, thầy cô toàn “ăn cắp” thời gian học hành của học sinh để tranh thủ luyện tập cho kịp.
Lên trường thay vì giảng dạy và học tập, giáo viên cho những học sinh trong đội năng khiếu nghỉ học và tập dượt hết ngày này qua ngày khác.
Một số em lười học lại vui mừng vì đây là lý do được nghỉ học hợp pháp. Những em chăm học lại tỏ ra tiếc nuối vì đã bị mất những giờ học bổ ích.
Sau hàng tháng trời thầy và trò đều đổ công sức ôn luyện, mọi người hăm hở “đem chuông đi đánh xứ người”.
Nếu may mắn kiếm được vài giải thưởng cùng tờ giấy khen đem về coi như vớt vát được công sức thầy trò đã bỏ ra. Bằng không coi như công sức đã đổ sông đổ biển.
Thi thố nhiều, điều lợi mang đến thì ít nhưng những mất mát lại lớn hơn rất nhiều. Thầy chểnh mảng dạy dỗ, trò mất thời gian học hành.
Chẳng lẽ những nhà làm giáo dục lại không nhận ra một điều chúng ta đang đánh đổi cái đích thực để lấy sự hư danh?