LTS: Qua khảo sát thực tế, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra những môn học mà học sinh trung học phổ thông chán ghét nhất hiện nay và những nguyên nhân cụ thể.
Theo thầy, 3 môn học sinh không có hứng thú nhất là Tiếng Anh, Ngữ văn và Lịch sử.
Qua đó, thầy nhấn mạnh đến việc cần chú trọng khắc phục những hạn chế của các môn học trên để việc đổi mới giáo dục được hiệu quả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đến nay, chương trình, sách giáo khoa cải cách và phân ban ở bậc phổ thông đã có trên chục năm được triển khai, thực hiện đại trà trên phạm vi toàn quốc.
So với chương trình, sách giáo khoa trước đó thì chương trình, sách giáo khoa hiện hành có nhiều ưu điểm vượt trội về mọi phương diện.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, chương trình, một số nội dung, môn học bộc lộ không ít nhược điểm, bất cập, xa lạ với tâm lý lứa tuổi học trò, thậm chí thiếu chuẩn xác khiến học sinh phổ thông chán nản, sợ hãi thật sự.
Học sinh đang chán học môn gì nhất? (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi xin điểm tên những nội dung, môn học và nêu rõ nguyên nhân mà học sinh phổ thông có tâm lý trên.
1. Ngoại ngữ Tiếng Anh, một môn học quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông, được học từ lớp 3 đến lớp 12, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nhà nước, ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh đã dành nhiều quan tâm, đầu tư về kinh phí, công sức, thời gian cho môn học này.
Thế nhưng, nhiều em ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông học không được môn này, rất chán nản, sợ hãi khi đến tiết dạy của thầy, cô giáo tiếng Anh (có em tìm cách cúp cua, trốn học).
Do đó, điểm kiểm tra, điểm thi học kỳ nhiều em toàn điểm yếu, điểm kém; số học sinh phải thi lại, ở lại lớp môn Tiếng Anh tại nhiều trường luôn cao nhất.
Kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây và thi trung học phổ thông quốc gia 3 năm nay của môn tiếng Anh bao giờ cũng ở vị trí thấp nhất so với các môn thi khác, đa số là điểm 2, điểm 3, điểm 4.
Ngoài việc bản thân nhiều học sinh Việt Nam học yếu, học dốt môn Ngoại ngữ, còn có các lý do căn bản khác.
Đó là trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học.
Đó là cách dạy và kiểm tra thi cử môn Ngoại ngữ tiếng Anh còn lạc hậu, phiến diện, nghiêng nặng về phần viết, về ngữ pháp nên thường bất lực, gặp khó khi áp dụng trong thực tiễn, giao tiếp, nghe, nói với người nước ngoài, người thạo ngoại ngữ.
2. Tiếng Việt, Ngữ văn vừa là môn học công cụ vừa môn khoa học nhân văn, học sinh được học tập, rèn luyện từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong các kỳ thi quan trọng ở phổ thông như: tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay, nó là môn thi bắt buộc.
Có thể nói, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, các khối thi, cơ hội ngành nghề, việc làm, thăng tiến của các môn khoa học tự nhiên đang chiếm thế thượng phong thì sự quan tâm của phụ huynh, ý thức học tập của nhiều học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông dành cho môn Ngữ văn đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng.
Học sinh thờ ơ, lười biếng, chán nản với môn Ngữ văn không còn là hiện tượng hiếm gặp.
Có người có lý khi cho rằng tình trạng học sinh thời nay “quay lưng” lại với môn học này là do một bộ phận thầy, cô giáo dạy Văn nguội lạnh cảm xúc, toàn thợ dạy, chậm đổi mới, cải tiến về phương pháp để lôi cuốn, thu hút các em.
Song nhìn nhận cho khách quan thì một số phần, nội dung trong chương trình, sách giáo khoa môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng là “thủ phạm” khiến học sinh mệt mỏi, càng chán học văn.
Phần văn học trung đại Việt Nam ở lớp 8, 9 và nhất là lớp 10, cùng Thơ Đường thuộc văn học nước ngoài, với cách nghĩ, cách cảm của người xưa và dùng nhiều ngữ liệu cổ.
Mặc dù sách giáo khoa có phần chú thích, giáo viên giảng kỹ nhưng thật sự xa lạ, khó hiểu, khó cảm nhận đối với các em đang sống trong môi trường, ngôn ngữ hiện đại ngày nay.
3. Địa lý và Lịch sử, hai môn xã hội có cơ cấu số tiết giống nhau, nhưng lâu nay, hầu hết học sinh phổ thông hãi nhất, chán nhất là môn Lịch sử.
Có em nói thật: “Em không thể nào “nuốt” nổi nhiều bài học ở bộ môn này, vì có quá nhiều sự kiện, số liệu, ngày tháng năm cần phải nhớ".
Cô giáo Đặng Thị Thanh Nguyệt, giáo viên môn Lịch sử, trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) cho biết:
“Các nhà soạn chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử đã quá tham lam, ôm đồm về việc cung cấp nội dung, kiến thức nên trong dạy - học cả thầy và trò cùng bị “bội thực”.
Trước phản ánh xác đáng của cơ sở, cách đây 6 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giảm tải một số bài, nội dung, việc làm chỉ có tính chất “chữa cháy” tạm thời, về căn nguyên, gốc rễ thì chưa xử lý được.
Thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, môn Lịch sử chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, tình hình học sinh đăng ký bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử, có cải thiện, khả quan hơn.
Nếu thi tự luận như cũ, bắt học sinh “cày chết bỏ” thì không có thí sinh hoặc rất hiếm chọn là đúng rồi. Đừng trách các em".
Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới khi thiết kế nội dung sách giáo khoa cụ thể, chi tiết ở ba môn học tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử để phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018-2019, các nhà biên soạn cần lưu ý và làm sao để học sinh không còn sợ hãi, chán nản nhiều nội dung, bài học ở các môn học đó.
Soạn sách ngoại ngữ tiếng Anh sao cho dễ học, dễ vận dụng, sớm thành thạo được 4 kỹ năng: đọc, viết, nghe, nói.
Thiết kế sách giáo khoa Ngữ văn, lọc bỏ bớt tác phẩm văn học trung đại, thơ Đường hàn lâm, khó tiếp cận, thay thế, bổ sung bằng nhiều bài học, tác phẩm đương đại gần gũi với cuộc sống, văn hóa hôm nay.
Sách giáo khoa môn Lịch sử bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, nội dung từng bài học ngắn gọn, bớt nêu sự kiện, số liệu, tăng những câu chuyện lịch sử chân thực, hấp dẫn.