Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông để lấy ý kiến xã hội, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại hội thảo, góp ý cho dự thảo, Giáo sư Ngô Việt Trung - Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Toán khẳng định: “Tôi có cảm giác bản dự thảo bị ám ảnh bởi Nghị quyết, chính sách nên đặt ra nhiều tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính”.
Giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng, chương trình đã đặt ra những nội dung quá tham vọng. Ảnh: Lê Văn. |
Giáo sư Trung nêu ví dụ, theo dự thảo, ở bậc tiểu học có các môn giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu công nghệ, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... khối lượng thời gian dành cho các môn này chiếm tới hơn 1/3 khối lượng giảng dạy.
“Tôi nghĩ rằng, ở bậc tiểu học chỉ là dạy kiến thức sơ đẳng chứ dạy như dự thảo thì ôm đồm quá.
Chúng ta làm thế nào để dạy cho học sinh hoạt động trải nghiệm sáng tạo?
Làm thế nào để có thể đào tạo được giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo?”, ông Trung băn khoăn.
Chúng tôi chóng mặt, học trò thêm gánh nặng vì các môn học mới |
Vị giáo sư này đặt câu hỏi: Liệu điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta có thể làm được điều này không?
Làm thế nào để có được hoạt động trải nghiệm sáng tạo?
Cũng theo giáo sư Trung, việc định hướng chương trình đặt môn giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu, trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý.
Và tại sao chúng ta có thể dạy pháp luật kinh tế ở bậc học này trong khi có thể lồng vào các môn khác?
“Tôi nghĩ, chúng ta bị nhầm lẫn nhiều so với mục tiêu phát triển giáo dục. Có những cái phải làm hoạt động ngoại khóa thực sự. Tôi có xem chương trình ngoại khóa của Singapore. Tôi thấy họ có 4 hoạt động ngoại khóa như nghệ thuật, thể chất...
Họ yêu cầu học sinh phải tham gia một trong 4 ngoại khóa này. Trong khi chúng ta lại yêu cầu rất nhiều môn thế này. Tôi nghĩ rằng đây là tham vọng quá lớn, phi thực tế” – giáo sư Trung nhận định.
Mặt khác, theo giáo sư Ngô Việt Trung hiện đang có một quan niệm sai lầm về chương trình sách giáo khoa hiện nay.
Chương trình giáo dục phổ thông mới và bài toán giáo viên ở cấp Trung học cơ sở |
“Giáo dục phổ thông theo tôi là lĩnh vực ít thay đổi trên toàn thế giới. Vì những kiến thức cần dạy cho học sinh là kiến thức sơ đẳng nhất, cơ bản nhất, phục vụ cho việc hiểu thế giới chứ không phải chạy theo thế giới.
Trong khi chúng ta liên tục thay đổi sách giáo khoa, liên tục thay đổi chương trình. Trong khi chương trình của thế giới thì ổn định tương đối giống nhau” – Giáo sư Ngô Việt Trung thông tin tại hội thảo.
Ông Trung cũng đề xuất cần phải đánh giá lại chất lượng học sinh sau trung học phổ thông. Vì có một thực tế là khả năng tự luận của học sinh hiện nay rất kém. Khả năng học thuộc là chính. Nên khi viết bài luận không thành được vấn đề.
Đồng thời, ông cho rằng nên tham khảo, so sánh các nước khác về thời lượng dạy như thế nào.
Đặc biệt, giáo sư Ngô Việt Trung đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không tiết kiệm, nhập khẩu chương trình của một số nước có nền văn hóa gần với Việt Nam?”.
Giải đáp câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng:
“Có thể nhập khẩu sách giáo khoa, ví dụ như sách ngoại ngữ, nhưng nhập khẩu chương trình thì khó.
Vì chương trình của họ thay đổi 5-10 năm/lần, khi đó mình cũng phải thay đổi theo và sách giáo khoa cũng phải thay đổi”.
Mời bạn đọc góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng cầu ý kiến từ nay đến 29/4/2017. Mọi ý kiến độc giả gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn |