Là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận và với thời gian được rút ngắn xuống còn 2 tiếng, đề thi môn ngữ Văn sáng nay đã giải quyết được cùng lúc các yêu cầu đặt ra: vừa sức, hay, chạm đến chiều sâu cảm xúc của học sinh và có sự phân loại tốt.
Thí sinh chăm chú làm bài thi. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy, giáo viên Trường trung học phổ thông Chu Văn An - Hà Nội cho biết: đề thi nằm trong chương trình vừa sức với học sinh, tạo cảm hứng và có sự phân hóa với các đối tượng học sinh, phù hợp với kỳ thi.
Ở phần đọc hiểu, đề đã đưa ra trích đoạn có tính thời sự, bám sát được vấn đề nóng hổi với đời sống, với học sinh, đó là lòng trắc ẩn.
Vấn đề này không mới nhưng trích đoạn này hay vì bắt được vào những ví dụ nhỏ, đời thường nhưng không tầm thường.
Từ đó, học sinh nhận ra được lòng tốt và nhân lên trong đời sống những điều tốt đẹp. Phần này rất tường minh, huy động được nhiều kỹ năng của người học và nằm trong phần học chương trình phổ thông.
Ở phần nghị luận xã hội, đề có nẩy ra ý là ý nghĩa của sự thấu cảm, đề tài khá thú vị, thông qua đây học sinh có thể đối thoại với chính mình, với cuộc sống để từ đó nhân lên nỗ lực sống thiện hơn, biết sẻ chia hơn trong cuộc sống.
Ở phần nghị luận văn học, nếu như đọc hiểu nói về thấu cả thì bài thơ Đất Nước là sự thấu cảm thiêng liêng cao cả.
Thấu cảm về tình yêu đất nước, việc phân tách khái niệm đất và nước, giúp học sinh rõ về khái niệm này không có gì xa lạ.
Đây là thành công của đề bài về mạch ngầm trong đề. Trong cuộc sống để làm tốt trách nhiệm, thì cần có sự thấu cảm từ những điều nhỏ nhất, cuộc đời này không chỉ tạo nên từ cái bên ngoài mà còn từ cách sống, cách nghĩ.
Cách hỏi cũng có sự phân loại, tất cả học sinh có thể trình bày được ý kiến của mình, đồng thời bàn luận quan điểm của mình về đất nước. Vận dụng kĩ năng thêm để bàn luận đáp ứng được yêu cầu đề bài.
Để học sinh đạt điểm cao thì không có đề dễ hay khó, có đề vừa sức, có đề kích thích sự sáng tạo, khơi gợi được độ hứng thú cho học sinh, vừa có gì đó quen thuộc, để học sinh bắt tay vào làm ngay. Với đề bài này thì học sinh sẽ có tâm lí tương đối thoải mái để bước vào môn thi sau” cô Thủy nhận định.
Gợi ý giải đề môn ngữ Văn của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia |
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Vân Hạnh - tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường trung học phổ thông dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An cho hay, đây là một đề thi đáp ứng được 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đề theo đúng cấu trúc của đề thi minh họa trước đó của Bộ công bố. Các kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, cô Hạnh cho rằng: cái hay của đề là phân hóa được học sinh. Trong đó, câu 4 yêu cầu thí sinh đưa ra ý kiến lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm chính là câu vận dụng cao của phần đọc hiểu.
Các em phải thể hiện được chính kiến, quan điểm cá nhân và lập luận chặt chẽ, khoa học để bảo vệ quan điểm có của mình trước người đọc.
“Câu làm văn nêu cảm nhận của thí sinh về đoạn trích Đất nước (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) và bình luận quan điểm về đất nước của tác giả là câu vừa để thí sinh thể hiện khả năng cảm thụ văn chương, vừa đề cập đến vấn đề thời sự hiện nay.
Theo đó, đất nước nhân dân là tư tưởng từ rất lâu đời của cha ông ta ngày xưa, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.
“Tóm lại, đề Văn năm nay ra khá vừa sức, những em học trung bình cũng có cái để viết và với những em học lực khá, giỏi cũng có đất để đào sâu, thể hiện năng lực văn chương và khả năng viết lách của mình” cô Hạnh chia sẻ quan điểm.
Cả nhà cùng mãn nguyện vì bài thi Ngữ văn |
Nêu ý kiến của mình về đề Ngữ văn sáng nay, cô giáo Hà Thủy - tổ phó tổ Ngữ Văn, Trường trung học phổ thông Anhxtanh - Hà Nội cho biết: 4 câu hỏi nhỏ trong phần đọc hiểu được chia theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Với ý 1 và ý 2, học sinh dễ dàng lấy được trọn vẹn điểm; ý 3 ở mức độ trung bình; ý 4 hơi khó nhưng học sinh trung bình khá vẫn có thể làm được.
“Nhìn chung so với phần đọc hiểu ở ba đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo tôi đề thi lần này không có sự khác biệt về nội dung và cách hỏi. Câu nghị luận xã hội của phần làm văn chính là sự nối tiếp của phần đọc hiểu, đề cập tới ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Tôi cho rằng, vấn đề này không khó viết với các em học sinh. Bởi lẽ, đây cũng là một trong vấn đề quen thuộc đã được ôn luyện nhiều” cô Thủy cho biết.
Đối với câu 2 nghị luận văn học về một đoạn thơ trích trong bài “Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm). Theo cô Thủy, đoạn thơ được hỏi đôi khi cũng chưa được chú ý phân tích kĩ trong các sách tham khảo bằng các đoạn thơ khác.
Tuy nhiên, cách hỏi của đề thi lần này rất trực tiếp, không đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo của học sinh so với các đề thi minh họa trước đó. Nhìn chung, đây là đề thi cơ bản, không có câu hỏi khó và điểm thi sẽ cao hơn mọi năm.