Ngày 12/10/2017, Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà ra Văn bản số 576/TB-UBND “Thông báo kết quả đơn phản ánh” của cô Phan Thị Cẩm (thôn Đông Chau, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) về những sai phạm của cô Hoàng Thị Thành - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụ Lộc…
Theo đó, ngày 21/9/2017, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà đã ban hành Quyết định số 3075/QĐ-UBND thành lập đoàn xác minh nội dung đơn thư.
Đến ngày 6/10/2017, đoàn xác minh đã có kết quả xác minh các nội dung sai phạm của cô Hoàng Thị Thành.
Văn bản thông báo kết quả xác minh. Ảnh: Lê Văn Vỵ |
Nhưng đáng tiếc là một số nội dung xác minh không minh bạch, gây bức xúc cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và phụ huynh học sinh.
- Ở nội dung thứ 1: “Cô Hoàng Thị Thành khi mua thịt lợn, thịt me cho bữa ăn bán trú năm học 2016-2017 giá hợp đồng thịt lợn là 90.000 đồng/kg nhưng cô Thành tự ý tăng giá lên 110.000 đồng/kg;
Giá hợp đồng thịt me là 220.000 đồng/kg nhưng cô Thành tự ý tăng giá lên 260.000 đồng/kg”.
Nội dung này được Tổ công tác xác minh như sau:
“Qua kiểm tra hồ sơ, làm việc với ông Đinh Văn Oánh cũng như các tổ chức cá nhân có liên quan vấn đề xác minh thông tin, thu thập hồ sơ, tài liệu, xác minh giá thị trường, kết luận:
Việc phản ánh cô Hoàng Thị Thành khi mua thịt lợn, thịt me cho bữa ăn bán trú năm học 2016-2017 tự ý tăng (giữa giá thực tế và giá nhập vào) để lấy phần chênh lệch là không đúng.
Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung hợp đồng và thực tế triển khai (đối chiếu với giá thị trường với đơn vị cùng ký hợp đồng nhập thịt với ông Đinh Văn Oánh),
Giá thịt lợn, thịt me nhà trường mua cao hơn giá thị trường và các đơn vị khác cùng lấy thịt từ ông Đinh Văn Oánh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ huynh.
Trách nhiệm này thuộc về Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụ Lộc”.
Nhìn vào kết quả xác minh của Tổ công tác, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy đây là kết quả không thể tin cậy vì thiếu khách quan, bất nhất, bởi vì vừa mới khẳng định:
“Việc phản ánh cô Hoàng Thị Thành khi mua thịt lợn, thịt me cho bữa ăn bán trú năm học 2016-2017 tự ý tăng (giữa giá thực tế và giá nhập vào) để lấy phần chênh lệch là không đúng”;
Sau đó, lại bất ngờ đưa ra xác nhận trái ngược là cô Hoàng Thị Thành hoàn toàn sai trái khi:
“Mua cao hơn giá thị trường và các đơn vị khác cùng lấy thịt từ ông Đinh Văn Oánh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ huynh.
Trách nhiệm này thuộc về Hiệu trưởng trường mầm non Thụ Lộc”.
Phụ huynh trường Thụ Lộc kéo đến gặp Hiệu trưởng để đòi tiền |
Làm quan thanh tra, mà cán cân công lý chao đảo lệch lạc như thế này làm sao có thể “cầm cân, nẩy mực” cho xã hội được? Làm sao nhân dân có thể tin cậy được?
Thưa ông thanh tra! Chúng tôi xin hỏi ông mấy điều:
Một cô Hiệu trưởng Thành tự ý nâng giá thịt lên “không để lấy phần chênh lệch” thì để làm gì thưa ông?
Hành vi nâng giá thịt cao hơn có phải là “ăn bớt”, "ăn xén" vào bữa ăn của các cháu từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi không thưa ông?
Sao các ông chỉ nhìn thấy “ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ huynh” mà không thương các cháu bị ăn chặn khẩu phần (bữa ăn chính 12 ngàn đồng, bữa ăn phụ 3 ngàn đồng) lấy gì mà lớn, lấy gì mà khỏe để: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?
Ông thanh tra có biết không, sau khi đọc kết luận của ông, phụ huynh vô cùng bức xúc (có người phẫn nộ) cho rằng hành vi đó là “tội ác” không xứng đáng là cô giáo đứng trên bục giảng chứ nói gì đến làm hiệu trưởng?
Ông thanh tra có biết phụ huynh Trường Mầm non Thụ Lộc đều là những nông dân nghèo.
Xin quý ông về thôn Thanh Hòa tìm đến nhà chị Trịnh Thị Hường và anh Phan Khắc Thảo.
Ngôi nhà cho 6 người ở lợp bằng 24 tấm fibrô ximăng.
Chị Hường với 4 con nhỏ, chỉ trông chờ đồng tiền làm thuê tại lò mổ của chồng.
Nhà chị Hường có 3 cháu Phan Thị Thanh (5 tuổi), Phan Thị Như Quỳnh (3 tuổi) và Phan Khắc Tuấn (trên 1 tuổi) đều học ở Trường Mầm non Thụ Lộc.
Chị Trịnh Thị Hường với đàn con nhỏ trong túp nhà lợp 24 tấm lợp xi măng cho gia đình 6 người ở. Ảnh: Văn Lê |
Số tiền người cha kiếm được may ra chỉ để đóng tiền ăn bán trú cho ba cháu.
Thế mà còn bị hiệu trưởng “nâng giá thịt lên” thế thì không phẫn uất sao được?
Chúng tôi cũng không hiểu tại sao các ông chỉ thấy “trách nhiệm” mà không thấy biểu hiện của lương tâm, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng!?
- Ở nội dung thứ 4: “Tiền làm chứng chỉ cho học sinh năm học 2016-2017 còn dư 6 triệu đồng;
Tiền mua tài liệu học tập cho các cháu năm học 2016-2017 còn dư 49 triệu đồng; tiền nước năm học 2016-2017 còn dư 14.510.000 đồng;
Toàn bộ số tiền dư nói trên, cuối năm học tổng kết cô Thành thông báo không có khoản dư”.
“Qua kiểm tra hồ sơ thu, chi kết luận:
Việc phản ánh dư tiền làm chứng chỉ cho học sinh năm học 2016-2017; tiền mua tài liệu học tập cho các cháu năm học 2016-2017; tiền nước năm học 2016-2017 là đúng.
Nhưng số liệu phản ánh chưa chính xác, cụ thể: thu tiền làm chứng chỉ cho học sinh còn dư 5.621.000 đồng;
Mua tài liệu học tập cho các cháu còn dư 33.467.000 đồng; tiền nước uống còn dư 9.950.000 đồng.
Tổng số tiền còn dư lại là 49.038.000 đồng.
Tại thời điểm phát sinh đơn (ngày 08/5/2017, đơn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo) nhà trường chưa kết thúc năm học nên chưa thể kiểm kê tài chính và công bố các số liệu kiểm kê”.
Xôn xao hiệu trưởng vay “nóng” ngân hàng trả nợ phụ huynh |
Cô Phan Thị Cẩm, người ký đơn cùng với phụ huynh khiếu kiện lên Sở Giáo dục và Đào tạo xác nhận:
“Tôi đang có lá đơn trong tay và phong bì, công văn do ông Hồ Sóng Hồng- Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh gửi về đây làm bằng chứng (ảnh minh họa).
Ngày 17/7/2017, tôi gửi đơn đến thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 18/7 thanh tra nhận được.
Và sau đó trong tháng 7, ông Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo gửi Thông báo cho tôi đã gửi đơn khiếu kiện của tôi về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà để được giải quyết theo luật định.
Sao ở đây lại nói thời điểm phát sinh đơn là ngày 8/5/2017. Đơn do tôi thảo, tôi ký, phụ huynh ký, tôi biết thời điểm đó chứ, sao tổ xác minh lại nói linh tinh như vậy?”
Văn bản do ông Hồ Sóng Hồng - Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh gửi cô Cẩm (ảnh do cô Cẩm cung cấp) |
Thật ra ở đây “Tổ xác minh không nói linh tinh” mà đưa ra mốc thời gian như vậy nhằm che chắn cho cô Hiệu trưởng một cách rất có tính toán.
Cứ cho là thời điểm phát sinh đơn là 8/5, chưa kết thúc năm học, chưa kiểm kê tài chính, nhưng 28/5 kết thúc và sau đó rất lâu cũng chẳng thấy Hiệu trưởng quyết định thanh tra nhà trường “kiểm kê tài chính và công bố số liệu kiểm kê”.
Đây là thông tin xác nhận từ nhiều giáo viên, công nhân của Trường Mầm non Thụ Lộc.
Tại các cơ sở trường học hiện nay có nguồn tài chính nhà nước cấp (thực hiện theo năm tài chính) và nguồn xã hội hóa được vận động từ các lực lượng xã hội trong đó có nguồn thu từ phụ huynh.
Nguồn từ phụ huynh được thu vào tháng 9 (sau khai giảng) và quyết toán sau khi kết thúc năm học.
Khó tìm được Hiệu trưởng cho Trường Thụ Lộc |
Theo thông tin từ phụ huynh học sinh, kết thúc năm học 2016-2017, Hiệu trưởng nhà trường không hề có động thái công bố công khai thu chi tài chính từ nguồn thu từ phụ huynh trước toàn thể phụ huynh.
Vậy thì thưa ông thanh tra, ngày 8/5 hay 28/5 liệu có ý nghĩa gì?
Theo cô Võ Thị Huệ khoảng giữa tháng 6, Hiệu trưởng Thành họp hội trưởng hội phụ huynh các lớp và thông báo tiền dư thừa trong đó bao gồm tiền trường (gồm ba khoản: tiền tài liệu, tiền vệ sinh, tiền nước) và tiền bán trú.
Tổng tiền dư thừa khoảng 80 triệu đồng.
Những tưởng tiền dư thừa này sẽ được quyết toán trả ngay cho phụ huynh, nhưng trớ trêu thay, số tiền này chỉ dư thừa trên giấy tờ, còn thực tế đã chi hết nên trong thủ quỹ không còn tiền mặt.
Số tiền ấy không biết chi cho những hạng mục nào? Số tiền chi cho nhà trường bao nhiêu, cho cá nhân bao nhiêu không ai được biết.
Vì thế, mãi đến tháng 10 (khi đã bước sang năm học mới một tháng) trường rơi vào tình trạng nợ chồng nợ.
Nợ năm trước chưa trả được, lại tiếp tục ký nợ để hoạt động bán trú được triển khai.
Sai trái nối tiếp sai trái, Hiệu trưởng lại nghĩ ra kế sách mới là vay tiền ngân hàng để “trám” vào lỗ hổng tài chính do tọa chi (mà chúng tôi đã phản ánh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam) và trả tiền nợ cho phụ huynh.
Cuộc họp công bố kết quả xác minh tại Trường Mầm non Thụ Lộc. Ảnh: Cô Phan Thị Cẩm cung cấp. |
Cho đến thời điểm hiện nay, công tác chi trả cho phụ huynh vẫn chưa dứt điểm.
Chị Trịnh Thị Hường, ông Lê Huy Khương chưa nhận được tiền trường dư năm trước vẫn tiếp tục đến trường đòi nợ.
Và phụ huynh học sinh năm học 2016-2017 còn có số tiền dư ra do nâng giá thịt lợn, thịt me chưa có kế hoạch chi trả đang ngóng chờ động thái từ Hiệu trưởng.
Thế thì, mốc thời gian ngày 8/5 chẳng thể là “áo giáp” vạn năng che đỡ cho sai phạm của Hiệu trưởng Thành.
Khi làm việc thiếu minh bạch và thiếu cái tâm trong sáng, công minh thì không vướng vào điều này thì cũng vướng vào điều nọ là tất yếu, thưa ông thanh tra.
Đến đây cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh và nhân dân xã Phù Lưu đã biết được ai là người đứng đằng sau để cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Thành lộng hành!?
Mục đích của thanh tra là giúp cơ sở ổn định tình hình, giải quyết dứt điểm những khiếu kiện, những bất đồng, tìm được tiếng nói đồng thuận vốn động lực cho sự phát triển.
Nhưng do những kết luận thiếu xác đáng của tổ công tác thanh tra, nên sau khi có Thông báo số 576 /TB-UBND của Ủy ban nhân huyện Lộc Hà, tình hình tại Trường Mầm non Thụ Lộc lại bất ổn hơn.
Giáo viên, công nhân viên mất niềm tin vào lãnh đạo, nhân dân bức xúc, phụ huynh tiếp tục làm đơn khiếu kiện gửi lên cấp trên…