Thông tin được xác nhận từ cô Phan Thị Cẩm (thôn Đông Châu, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ngày 10/10, bất chấp mưa to gió lớn, cô Hoàng Thị Thành (hiệu trưởng) đã đến Ngân hàng Hợp tác xã Co-op Bank, số 176, đường Xuân Diệu, thành phố Hà Tĩnh để vay tiền.
Ngân hàng Hợp tác xã Co-op Bạnk, số 176, đường Xuân Diệu, thành phố Hà Tĩnh (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Không để một mình đơn lẻ, cô Hoàng Thị Thành còn kéo theo cô Võ Thị Huệ (phó hiệu trưởng), cô Phạm Thị Nga (giáo viên), cô Lê Thị Xoan (tài vụ), tất cả đã thuê taxi cùng đi.
Theo thông tin từ cán bộ ngân hàng Co-op Bank, trong khế ước vay tiền cô Hoàng Thị Thành đứng chủ vay và cô Võ Thị Huệ (Phó hiệu trưởng nhà trường) ký tên vào mục xác nhận của thủ trưởng cơ quan.
Trường hợp cán bộ công nhân viên chức nhà nước có lương vay tiền lãi suất là 0,96%/ tháng.
Có lẽ trường hợp khó “nhạy cảm” này, nên cô hiệu trưởng phải kéo theo cán bộ, giáo viên, công nhân viên vào cuộc để làm chứng là vay cho nhà trường.
Chiều ngày 10/10/2017, cô Thành đã bàn giao cho thủ quỹ 80 triệu đồng và thủ quỹ đã phát cho giáo viên chủ nhiệm để trả cho phụ huynh học sinh lớp 2,3,4 tuổi tổng số tiền là 58 triệu đồng, còn 22 triệu đồng trả cho cô Võ Thị Huệ.
Phụ huynh đến đòi tiền trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Vay tiền trả cho phụ huynh để họ hạ nhiệt sức nóng hàng ngày đến trường đòi, nhưng lại tạo nên làn sóng dư luận rất nóng trong giáo viên, công nhân viên, phụ huynh về công tác quản lý tài chính tùy tiện, bất thường này của hiệu trưởng. Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi:
Thứ nhất: Tiền phụ huynh trực tiếp nộp cho giáo viên chủ nhiệm; giáo viên chủ nhiệm nộp vào quỹ là “tiền tươi”; về nguyên tắc không tiêu thì vẫn còn vậy tại sao trên giấy tờ sổ sách còn dư 80 triệu mà trong quỹ lại không có đồng nào?
Số tiền đó nằm ở đâu? Chẳng lẽ không cánh mà bay? Giáo viên, công nhân viên, phụ huynh muốn biết nguyên nhân vì sao lại xảy ra hiện tượng ấy? Ai là người phải chịu trách nhiệm?
Đáng lẽ ra trước dư luận và nhất là khi Cô Phan Thị Cẩm và phụ huynh học sinh có đơn khiếu kiện về vấn đề bất minh thu chi tài chính của hiệu trưởng Hoàng Thị Thành, thì ban giám hiệu, công đoàn, thanh tra trường Mầm non Thụ Lộc phải thanh tra làm rõ trả lời một cách minh bạch, đằng này lại kéo nhau lên ngân hàng vay tiền để lấp vào chỗ trống bất minh đó!
Phụ huynh trường Thụ Lộc kéo đến gặp Hiệu trưởng để đòi tiền |
“Chẳng khác nào nối giáo cho giặc, khuyến khích cách quản lý tài chính tùy tiện của chủ tài khoản”, một giáo viên bức xúc nói.
“Hàng năm, về phúc lợi chúng tôi chỉ có 2 lần có quà là ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày tết, còn ngày 8/3 hay 20/10 không có gì, vậy số tiền nhà trường chi tiêu những gì mà nợ như chúa chổm vậy không biết?”, một giáo viên khác buồn bã than thở.
Thứ hai: Số tiền 80 triệu vay ngân hàng với lãi suất 0,96%/ tháng, người vay là Hoàng Thị Thành, nhưng ai sẽ trả cả lãi và gốc? Cơ sở nào bắt nhà trường phải trả? Và nhà trường lấy khoản nào để trả?
Được biết trong phần khai tài chính hàng năm ngoài tiền lương để chi trả cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường được nhà nước cấp 1 khoản chi khác. Chẳng lẽ, lấy khoản chi khác trả nợ ngân hàng?
Năm học 2017-2018 mới bắt đầu được khoảng 1 tháng, nhưng 3 tháng nữa sẽ hết năm mà hiệu trưởng - người đứng đầu - chủ tài khoản quản lý nhà trường đã nợ đầm đìa phải vay “nóng” ngân hàng thì đủ biết nhà trường rơi vào tình trạng “con nợ”, “giật gấu vá vai” rất bất ổn.
Thử hỏi có trường nào trên toàn quốc như trường mầm non Thụ Lộc không?
Khi hiệu trưởng biến nhà trường thành “con nợ” thì tình trạng bất ổn, mất đoàn kết, khiếu kiện kéo dài khiến giáo viên, công nhân viên, phụ huynh mất tin, và chính các em học sinh là người phải cam chịu những hậu quả đó là lẽ đương nhiên.
Sau khai giảng một tháng mà học sinh đã 3 lần nghỉ học để nhà trường họp hành làm việc với lãnh đạo xung quanh việc khiếu kiện này.
Sáng ngày 11/10/2011, học sinh lại tiếp tục nghỉ học để đoàn cán bộ huyện và thanh tra thông báo kết quả thanh tra ban đầu.
Sáng 11/10 học sinh lại phải nghỉ học để nhà trường họp với lãnh đạo huyện (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tại cuộc họp, ông Phan Văn Thắm – Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu có ý kiến vụ việc đã lâu, Đảng ủy đã nhiều lần làm việc, nhưng tình hình mất đoàn kết nội bộ vẫn kéo dài.
Để ổn định tình hình, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu đề nghị thuyên chuyển hiệu trưởng, nhưng các vị lãnh đạo huyện có mặt cho rằng chưa có cơ sở để thuyên chuyển hiệu trưởng.
Một hiệu trưởng quản lý một trường mà không đoàn kết được nội bộ, gây bức xúc trong nhân dân, mất niềm tin trong phụ huynh, sai nguyên tắc tài chính đến như vậy mà chưa có cơ sở thì phải tìm cơ sở nào?
Dư luận xã hội bức xúc:“Ai đứng đằng sau chống lưng cho cô hiệu trưởng mầm non Thụ Lộc?”.