LTS: Trước hình ảnh các bạn sinh viên về quê ăn tết cổ truyền, đoàn tụ cùng gia đình, tác giả Sông Trà đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Còn khoảng hơn 2 tuần nữa, hàng triệu sinh viên của cả nước được nhà trường cho nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. So với học sinh phổ thông thì sinh viên được nghỉ sớm và dài ngày hơn.
Em Huỳnh Thị Dương, quê ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, hiện là sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Khoảng 20 tháng chạp sinh viên tụi em đã được nghỉ Tết Nguyên đán rồi. Em và nhiều bạn lần đầu tiên đi học ngoại tỉnh, xa nhà rất trông mong đến ngày nghỉ, lên xe về quê để được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình.
Vé tàu mẹ đã mua sẵn cho em cả mấy tháng nay. Về nhà, em chủ yếu vui xuân và phụ giúp cha mẹ một số công việc nội trợ như nấu ăn, quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế….”.
Sinh viên về quê ăn tết cổ truyền với gia đình (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Khác với hoàn cảnh của Dương, em Nguyễn Văn Hà ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk sinh viên năm thứ 4 của Trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ:
“3 cái Tết Nguyên đán đi qua thì em về quê ăn tết được 1 năm, còn 2 năm ở lại Đà Nẵng đi làm thêm bán thời gian kiếm thêm thu nhập, vì gia đình khó khăn, cha mẹ đau ốm luôn.
Tết năm nay em được nghỉ trên 20 ngày, em tính làm thêm tại Đà Nẵng một nửa thời gian đó, đến ngày 29, 30 tết mới đón xe về Đăk Lăk ăn tết cùng gia đình”.
Được biết, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh vừa triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo đó, tiếp nối truyền thống những năm trước, năm nay Trung tâm tiếp tục tổ chức chương trình “Chuyến xe mùa xuân” đưa sinh viên khó khăn về quê đón Tết.
Trung tâm phối hợp với một số đơn vị trao tặng 3.000 vé cho cho sinh viên khó khăn về quê đón Tết cùng gia đình.
Các chuyến xe sẽ xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Trung, trong đó chương trình đặc biệt quan tâm, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có hộ khẩu thuộc các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai.
Lễ tiễn sinh viên khó khăn về quê đón Tết sẽ diễn ra ngày 26/1/2019 (ngày 21/12 âm lịch).
Trả lời phóng viên Báo Văn hóa, Ông Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh cho hay:
Cậu sinh viên 2 năm không về quê ăn tết kiếm tiền nuôi người mẹ ung thư |
“Đây là hoạt động đã được Trung tâm khởi xướng và thực hiện thường niên từ năm 2002.
Đến nay, đã có 43.000 sinh viên khó khăn được hỗ trợ về quê đón Tết, điều đó thể hiện nhu cầu rất lớn của sinh viên, cũng như sự nỗ lực của các đơn vị tổ chức và tấm lòng của các đơn vị hỗ trợ”.
Ông Lê Xuân Dũng cho biết thêm, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, rất nhiều sinh viên khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết, ở lại thành phố làm việc bán thời gian kiếm thêm thu nhập.
Để động viên và khích lệ tinh thần sinh viên đón Tết xa nhà, Trung tâm sẽ tổ chức buổi họp mặt sinh viên với nhiều nội dung như: Gặp gỡ bạn bè, giao lưu văn nghệ với các văn nghệ sĩ…
Trong dịp này, Trung tâm sẽ tặng 2.000 phần quà Tết trị giá 700.000 đồng/phần (bao gồm quà tặng, báo xuân và bao lì xì) cho các sinh viên.
Chương trình cũng sẽ diễn ra trong ngày 26/1/2019 tại Nhà văn hóa thanh niên.
Dịp này, Trung tâm sẽ cùng với Thành đoàn và Hội Sinh viên Thành phố thăm và chúc Tết sinh viên đang ở tại các ký túc xá vào ngày 27/1.
Có thể nói, tổ chức Đoàn thanh niên, Hiệp hội thanh niên Việt Nam ở các thành lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng với hàng chục vạn sinh viên như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thường có nhiều các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực các sinh viên ở xa, có hoàn cảnh khó khăn trong khoảng thời gian nghỉ tết, nhất là chương trình tạo việc làm Tết cho sinh viên.
Trường Đại học Hoa Sen tổ chức chuyến xe miễn phí cho sinh viên về quê ăn tết |
Theo dự báo, trước và trong Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm việc bán thời gian tăng cao.
Việc được tuyển dụng nhiều trong dịp Tết như: Thu ngân, nhân viên kho, nhân viên bán hàng, gói quà, chế biến tại siêu thị, phục vụ, phụ bếp, giữ xe nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn uống, nhân viên bảo vệ, giao hàng, phụ việc nhà, dọn vườn, trông coi nhà cửa…
Phần lớn sinh viên về gia đình ăn Tết. Các bạn trẻ làm cho không khí Tết cổ truyền ở quê, ở các địa phương, tỉnh lẻ thêm rộn ràng, tưng bừng, tươi mới trong mọi sự kiện, hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa đêm giao thừa, các lễ hội…
Nhìn chung, đại bộ phận sinh viên có ý thức chấp hành pháp luật tốt. Tuy vậy, vẫn còn một số sinh viên, nhất là nam sinh viên về địa phương ăn chơi quá đà, vi phạm an toàn giao thông, trật tự an ninh, thậm chí vi phạm pháp luật: cờ bạc, cá độ, đánh nhau, tham gia tệ nạn xã hội…khiến các bậc phụ huynh, các cấp chính quyền không khỏi lo lắng, đau đầu…