Lý do nào đang cản trở thành lập Hội đồng trường?

04/04/2017 06:56
Tiến sĩ Lê Trường Tùng
(GDVN) - Hiện chưa được 10% số trường đại học có Hội đồng trường, dù Luật đã ban hành, các Nghị định, Quy định cấp Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở.

LTS: Một trong các khía cạnh dân chủ (và tự chủ) trong xã hội nói chung và trong giáo dục đại học nói riêng chính là cách thức bổ nhiệm (và miễn nhiệm) người đứng đầu. 

Với đại học, nhiều người thường hiểu Hiệu trưởng là người đứng đầu, nắm hầu hết quyền hành trong nhà trường, cũng là do khái niệm Hội đồng trường/Hội đồng quản trị trường đại học còn khá xa lạ với đa số dân chúng. 

Bởi lẽ hiện nay trong khối đại học công lập thì mới chỉ có gần 20 trường có hội đồng trường (theo con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến tháng 3/2017, cả nước có 18 trường công lập có Hội đồng trường).

Vậy lý do nào đã cản trở việc thành lập hội đồng trường theo quy định của pháp luật? 

Trong bài viết này, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT và là thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016- 2021 chỉ rõ thành phần của Hội đồng trường, vai trò của Hội đồng trường trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học, đồng thời chỉ ra những cản trở trong việc thành lập Hội đồng trường hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Hội đồng trường là gì?

Các quy định của Việt Nam hiện nay cho thấy: 

Thứ nhất, Hội đồng trường (đối với trường công lập) hoặc Hội đồng quản trị nhà trường (đối với trường tư thục) được gọi chung là hội đồng trường, có nhiệm vụ đề xuất cơ quan cấp trên bổ nhiệm, công nhận hoặc miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học. 

Như vậy việc các trường đại học chưa có hội đồng trường mà cấp trên vẫn làm thủ tục bổ nhiệm hiệu trưởng là không đúng quy trình.

Thứ hai, Hội đồng trường hoạt động theo nguyên tắc đa số, các nghị quyết của hội đồng trường phải được đa số thành viên thông qua mới có giá trị thực hiện.

Thứ ba, Chủ tịch Hội đồng trường do các thành viên Hội đồng trường bầu theo nguyên tắc đa số, và trong Hội đồng trường, chủ tịch cũng chỉ có 1 phiếu bình đẳng với các thành viên khác.

Hiện cả nước có 18 trường công lập có Hội đồng trường (Ảnh minh họa: Nguồn từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
Hiện cả nước có 18 trường công lập có Hội đồng trường (Ảnh minh họa: Nguồn từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thứ tư, cơ cấu thành viên Hội đồng trường như sau: 

Với trường đại học công lập, thành viên Hội đồng trường gồm:

1- Hiệu trưởng/Các phó hiệu trưởng

2- Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch Công đoàn/Bí thư Đoàn thanh niên

3- Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên

4- Đại diện cơ quan quản lý trực tiếp trường

5- Đại diện giới khoa học/giáo dục/kinh doanh mời từ bên ngoài trường.

Thành phần 1-2 là mặc nhiên được tham gia. Thành phần 3 được các khoa/viện bầu. Thành phần 4-5 theo cơ chế giới thiệu.

Riêng số lượng thành viên loại 5 chiếm ít nhất 20% số thành viên Hội đồng trường. Chủ tịch không kiêm nhiệm Hiệu trưởng.

Còn đối với trường tư thục, Hội đồng trường gồm:

1. Hiệu trưởng

2. Đại diện Đảng, đoàn thể

3. Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên

4. Đại diện chính quyền địa phương

5. Các thành viên do cổ đông bầu

Thành phần 1 là mặc nhiên được tham gia. Thành phần 3, 5 được bầu. Thành phần 2, 4 theo cơ chế giới thiệu. Thông thường các thành viên nhóm 5 chiếm đa số. Chủ tịch có thể kiêm nhiệm Hiệu trưởng.

Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không

Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không

Hội đồng trường được xem là tổ chức quản trị nhà trường, và đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục Đại học 2012, Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014. 

Với các trường đại học, cơ cấu và nhiệm vụ của Hội đồng trường được Thủ tướng quy định trong Điều lệ trường đại học từ năm 2003 (153/2003/QĐ-TTg), nhắc lại năm 2010 (58/2010/QĐ-TTg), và ban hành mới nhất năm 2014 (70/2014/QĐ-TTg).

Từ 2003 đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được 10% số trường có hội đồng trường, dù Luật đã ban hành, các Nghị định, Quy định cấp Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở.

Nếu theo tiến độ này thì chắc 100 năm nữa mới xong được việc thành lập Hội đồng trường.

Nhìn lại quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng của một trường đại học cụ thể gần đây, chẳng hạn Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2016) thì căn cứ để Bộ Giáo dục và  Đào tạo bổ nhiệm là công văn của Thành ủy và Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Quyết định này là không đúng quy trình của Chính phủ bởi căn cứ đầu tiên để bổ nhiệm phải là đề nghị của Hội đồng trường

Điều gì cản trở việc thành lập hội đồng trường?

Theo tôi, điều đầu tiên là tính không nghiêm minh của hệ thống pháp luật, có quy định nhưng không thực hiện cũng không sao. 

Còn nguyên nhân sâu xa hơn là chẳng ai muốn làm việc này: Hiệu trưởng nhà trường không muốn có thêm một tổ chức ngay bên cạnh đứng trên đầu mình. 

Và cơ quan chủ quản cũng không muốn, vì khi có Hội đồng trường thì quyền lực của cơ quan chủ quản với hiệu trưởng, trong đó quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm bị giảm vì phải qua một tầng Hội đồng trường...

Hơn nữa, trong Quy chế bổ nhiệm Hiệu trưởng trường đại học (5099/QĐ-BGDĐT, tháng 11/2012) của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi đã có Luật Giáo dục Đại học cũng không hề nhắc đến vai trò của Hội đồng trường. 

Phải chăng quy định về Hội đồng trường không hợp lý cho nên không chỉ các trường đại học, mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng không muốn thực hiện? 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng