Chờ cấp trên
Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về quy định bỏ thi tuyển lớp 6 áp dụng từ năm nay. Một số trường trọng điểm ở Hà Nội cho rằng, đây là một quy định mới và tất nhiên lần đầu áp dụng sẽ không tránh được những lo lắng.
Trong những ngày qua, tòa soạn nhận được những ý kiến bày tỏ lo lắng từ người nhà học sinh có con năm nay lên lớp 6. Chị Thu Hà (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, đã nhiều năm nay con chị thường xuyên học ôn chỉ để với mục đích thi đậu vào trường THCS Amsterdam.
Tuy nhiên, khi nhận được thông tin không thi tuyển lớp 6, chị cũng như nhiều phụ huynh khác lo lắng: “3 năm nay tôi định hướng cho cho đi học thêm kiến thức văn, toán để thi vào trường Amsterdam, giờ biết được thông tin này tiếc bao nhiêu công sức, tiền của. Đến bây giờ cũng chưa biết được cách thức tuyển sinh như thế nào”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet. |
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số lãnh đạo trường trọng điểm tại Hà Nội cho biết, hiện giờ các trường đang xúc tiến gấp để gửi phương án lên Sở GD&ĐT Hà Nội, sau đó Sở quyết định phương án nào sẽ áp dụng cho từng trường.
Thầy Dương Văn Tiến- Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho hay, hiện tại trường đang rơi vào thế khó khăn, thi thì không dám thi vì đó là quy định.
Tuy nhiên, hiện tại với chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội trung tuần tháng 4 này các trường sẽ phải trình phương án, phương án của nhà trường cơ bản có thể sẽ xét học bạ học sinh.
Thầy Tiến cho rằng, những đổi mới đầu tiên thì thường gây xáo trộn, khó khăn bước đầu. Đặc biệt là những trường trọng điểm có lượng học sinh dự thi đông như Đoàn Thị Điểm, Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành đều loay hoay tìm phương án.
Theo thầy Tiến, như mọi năm trường được chỉ tiêu tuyển 240 học sinh, trong khi đó lượng hồ sơ luôn luôn gấp 10 lần số đó. Với quy định như năm không tổ chức thi tuyển văn hóa, trong khi chỉ tiêu vẫn như vậy và lượng hồ sơ liên tục tăng đó là một thực tế khó khăn.
Loay hoay tìm phương án tuyển sinh đầu cấp
(GDVN) - Với những đổi mới tuyển sinh đầu cấp như năm nay, tại Hà Nội một số trường THCS ngoài công lập đang lên phương án tuyển sinh phù hợp.
Thầy Nguyễn Kim Xuân, hiệu trưởng Trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội) cho biết, hiện tại trường đang rơi vào tình trạng “bí” phương án, vẫn đang chờ ý kiến cấp trên, vẫn chưa có thông tin chính thức.
“Trường THCS Thực Nghiệm không phải chỉ tuyển sinh trên địa bàn mà lấy trên toàn địa bàn TP Hà Nội, giờ phương án tuyển như thế nào thì vẫn cần xin ý kiến cấp trên, từ cách thức tuyển đầu vào như thế nào để không bỏ sót các em giỏi” thầy Xuân cho biết.
Đối với các trường THCS theo hình thức phân tuyến, do đó không có xét hay thi tuyển mà lấy theo tiêu chuẩn địa phương, bà NguyễnThanh Hà, hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (Hà Nội) cho biết, việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 cũng không ảnh hưởng tới quá trình tuyển chọn đầu vào.
Trong khi đó, phương án dự kiến của Trường THCS Lương Thế Vinh sẽ là khảo sát trình độ nhận thức học sinh.
Thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường cho hay, có thể sắp tới trường sẽ tiến hành khảo có tính chất trắc nghiệm để kiểm tra nhận thức của các em học sinh về tất cả mọi lĩnh vực, gồm: gia đình, xã hội, nhận biết, áp dụng, IQ...
Thầy Cương bật mí hệ thống câu hỏi sẽ ở dạng dành cho tất cả lứa tuổi mà học sinh cấp 2 có thể biết, thậm chí có một số câu hỏi chưa cần học đến lớp 5 vẫn có thể trả lời nếu nhận thức của các em khá tốt.
“Mẫu câu hỏi của khảo sát này có thể hình dung đơn giản giống như mẫu và hệ thống câu hỏi ở chương trình “Ai là triệu phú”, đầu sẽ là những câu hỏi dễ nhất, sau đó sẽ nâng dần độ khó ở những câu hỏi sau” thầy Cương cho biết.
Theo lãnh đạo nhà trường, trường sẽ cố gắng để làm thế nào phù hợp với lứa tuổi của học sinh, nhận thức vùng miền,… Các đáp án sẽ linh động nhưng vẫn có barem cụ thể để đảm bảo công bằng cho học sinh.
Trong khi đó, trường THCS Amsterdam cũng dự kiến phương án tuyển sinh lớp 6 không qua thi tuyển sẽ là tập trung vào việc phát hiện năng lực của học sinh theo các dạng thông minh.
Đây là một dạng bài test, bài test này không đo lường khối lượng kiến thức của học sinh tiểu học được nhận, mà tập trung vào việc đánh giá năng lực trong quá trình sử dụng kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống để biến thành năng lực của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, các phương án trên của các trường vẫn đang trong quá trình trình Sở GD&ĐT xem xét để có phương án cuối cùng trong thời gian tới.
Phương án sẽ do địa phương quyết định
Cũng liên quan tới quy định này, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói trong buổi tập huấn tuyển sinh đầu cấp gần đây rằng, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang yêu cầu tất cả các trường ở Hà Nội tuyển sinh vào lớp 6 có lượng hồ sơ đăng ký lớn so với chỉ tiêu tuyển sinh phải có phương án gửi về Sở vào ngày 14/4.
Trò "học tài thi phận" hay do cách chấm thi của thầy?
(GDVN) - Nếu các giám khảo không tìm được tiếng nói chung trong cách đánh giá, chấm điểm thì dễ dẫn đến sự chênh lệch điểm số của các thí sinh.
Đến ngày 16/4, Sở sẽ yêu cầu các trường THCS chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6 để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét.
Cũng theo ông Đại, để có phương án tuyển sinh khả thi, hiệu quả, an toàn trên toàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ mời các nhà khoa học, các nhà giáo, quản lý giáo dục đánh giá cũng như dư luận xã hội đóng góp ý kiến.
“Những trường THCS có lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh sẽ phải trình phương án tuyển sinh lên Sở GD&ĐT Hà Nội và các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt rồi mới được tiến hành thực hiện” ông Đại cho biết.
Trong khi đó, nói về quy định bỏ thi lớp 6, các trường “đẻ” ra quy định các bài test như kiểm tra năng lực học sinh, IQ, EQ…Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, quy định cấm thi tuyển lớp 6 được áp dụng cho tất cả các trường, bao gồm cả công lập và ngoài công lập. Việc này nhằm bảo đảm giáo dục toàn diện, khắc phục việc dạy học quá tải ở tiểu học.
Tuy nhiên, địa phương sẽ quyết phương án. “Bộ không hướng dẫn cụ thể trong công văn. Việc lựa chọn hình thức thế nào là do nhà trường xây dựng, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền của địa phương quyết định” Thứ trưởng Hiển cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, để chọn được học sinh giỏi thì có nhiều cách đánh giá. Tuy nhiên, phải thống nhất làm sao việc tuyển sinh không được chọn em này mà bỏ em kia trên một địa bàn để đảm bảo phổ cập giáo dục.