Hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước đang tiến hành sáp nhập các trường học. Đây là một bước đi nằm trong chủ trương sáp nhập các thôn, xã, huyện.
Khi tiến hành sáp nhập các trường học sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề. Trong đó, có vấn đề về thừa cán bộ lãnh đạo.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành trao đổi với ông Võ Đức Đại - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Đại cho biết, việc sáp nhập trường tại huyện Can Lộc là thực hiện theo Nghị quyết 96 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, phòng Giáo dục đã tham mưu cho huyện về sáp nhập trường theo đề án sáp nhập xã.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc, Hà Tĩnh trao Quyết định sáp nhập trường tiểu học tại xã Khánh Lộc (ảnh giaoducthoidai.vn). |
Theo đó, huyện Can Lộc sắp tới sẽ nhập 4 xã, Khánh Lộc nhập với Vĩnh Lộc, Song Lộc nhập với Trường Lộc. Hiện đang làm đề án nhập 4 xã trong năm 2019.
Để thực hiện chủ trương trên, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tổ chức sáp nhập 8 trường học trên địa bàn 4 xã này thành 4 trường học.
Theo đó, Trường Tiểu học Khánh Lộc và Trường Tiểu học Vĩnh Lộc sáp nhập thành Trường Tiểu học Khánh Vĩnh;
Trường Tiểu học Phan Kính và Trường Tiểu học Trường Lộc thành Trường Tiểu học Phan Kính;
Trường Mầm non Khánh Lộc và Trường Mầm non Vĩnh Lộc thành Trường Mầm non Khánh Vĩnh;
Trường Mầm non Song Lộc và Trường Mầm non Trường Lộc thành Trường Mầm non Song Trường.
Ông Đại chia sẻ thêm, khi tiến hành sáp nhập trường học thì đội ngũ hội đồng nhà trường tăng lên nên thuận lợi trong sinh hoạt chuyên môn, phân công chuyên môn tốt hơn.
Từ đó, chất lượng đội ngũ chắc chắn được nâng lên đặc biệt là trình độ tay nghề. Chất lượng dạy học chắc chắn các trường sáp nhập phát huy tốt hơn.
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta cần chuyên viên, không cần nhiều lãnh đạo |
Bên cạnh những ưu điểm, thầy Đại cũng cho rằng, việc sáp nhập sẽ khó khăn vì hiện nay sau sáp nhập vẫn phải tổ chức học hai địa điểm dẫn tới khó khăn trong quá trình quản lý dạy học, cơ sở vật chất chưa tập trung.
Bàn về những khó khăn trong sắp xếp cán bộ, ông Đại cho biết, khi sáp nhập thì 2 hiệu trưởng phải chọn một.
Người còn lại, nếu thuyên chuyển được thì tiến hành thuyên chuyển. Còn không, thì làm hiệu phó đến khi nào có điều kiện lại tái nhiệm.
“Do huyện Can Lộc làm công tác tư tưởng trước nên các cán bộ đồng tình với chủ trương của huyện. Nhiều đồng chí hiệu trưởng sẵn sàng nhận làm phó hiệu trưởng” – ông Đại cho biết.
Trước mối lo ngại về chuyện thừa cán bộ quản lý khi sáp nhập trường, vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo này cũng cho rằng: “Một vài cán bộ quản lý thuyên chuyển trường khác, số không thuyên chuyển được chấp nhận thừa tạm thời.
Những năm tới, trong huyện trường nào có hiệu phó, hiệu trưởng nghỉ hưu thì không đề bạt mới mà đưa những hiệu phó này thuyên chuyển đến.
Giải quyết việc thừa cán bộ lãnh đạo khi sáp nhập trường học đòi hỏi phải vài năm sau mới hoàn tất”.
Bàn về hướng xử lý khó khăn khi tồn tại hai điểm trường, ông Đại nêu ý kiến, trước mắt sẽ tồn tại 2 điểm trường nhưng tương lai sẽ cố gắng tổ chức về một địa điểm.
Phương án đối với các trường tiểu học sẽ xây dựng địa điểm mới hoặc chọn một trong hai địa điểm.
Riêng bậc mầm non thì xác định hai địa điểm, vì dạy học mầm non không phức tạp nên việc quản lý chăm sóc không khó khăn như phổ thông.