Lãnh đạo trường THPT Như Xuân II chưa trả lại tiền “ăn quỵt” cho giáo viên

26/05/2015 06:20
ĐỨC THIỆN
(GDVN) - Cơ quan chủ quản vẫn chưa có động thái trong việc xử lý vụ lãnh đạo trường THPT Như Xuân II có dấu hiệu “quỵt” tiền thừa giờ của giáo viên.

Một số giáo viên tại trường THPT Như Xuân II tỏ ra bức xúc trước việc Hiệu trưởng, hiệu phó quỵt tiền thừa giờ của giáo viên.

Trước đó, theo phản ánh của một số giáo viên đang công tác tại trường, số tiền thừa giờ của giáo viên được áp dụng

theo cách tính “riêng”, do nhà trường tự đặt ra. Việc chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên chỉ được áp dụng ở mức 70% theo quy định tại thông tư 07/2013. Đồng thời chỉ tính theo mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng.

“Nếu áp dụng đúng theo thông tư 07 trong việc tính tiền thừa giờ cho giáo viên, số tiền thừa giờ tôi phải được nhận (năm học 2013 – 2014) là 19 triệu đồng. Trên thực tế, nhà trường chỉ trả cho giáo viên số tiền thừa giờ ở mức hơn 5 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại bỏ vào túi ai?”, một giáo viên (xin giấu tên) bức xúc cho biết.

Về việc này, ông Lê Bá Long – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc áp dụng cách tính chế độ thừa giờ cho giáo viên là hoàn toàn đúng luật.

“Thông tư nói rất rõ rồi. Ở đây tôi chỉ nói nhà báo nói như vậy là không chính xác. Các đồng chí đọc thông tư cho đến nơi đến chốn, tôi bù giờ, trừ giờ như vậy là đúng”, đoạn ghi âm dẫn lời ông Long cho biết.

Ông Lê Bá Long - Phó hiệu trưởng trường THPT Như Xuân II (ảnh: ĐỨC THIỆN)
Ông Lê Bá Long - Phó hiệu trưởng trường THPT Như Xuân II (ảnh: ĐỨC THIỆN)

Cũng liên quan tới sự việc nói trên, hôm 24/5 trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Nhật Tuấn – Trưởng văn phòng luật sư Phú Vinh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu tính tiền thừa giờ chỉ áp dụng theo mức lương ngạch, bậc hiện hưởng là không đúng theo quy định.

Luật sư Nguyễn Nhật Tuấn viện dẫn: "Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có)".

Căn cứ quy định trên thì tiền lương để tính tiền dạy thêm giờ bao gồm cả các khoản phụ cấp như phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp khu vực nhưng trường chỉ tính theo mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng là không đúng quy định”.

Cũng theo luật sư Tuấn, nếu xác định được đúng đó là những giờ dạy thừa của giáo viên so với định mức thì họ có quyền yêu cầu thanh toán tiền lương làm thêm giờ. Nếu chưa được đảm bảo về mặt quyền lợi, giáo viên có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Cũng theo phản ánh, việc lãnh đạo nhà trường tự ý đưa

Cách tính tiền lương dạy thêm giờ được áp dụng theo khoản 1, Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC như sau:
- Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 1 giờ dạy thêm.
- Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%.
- Tiền lương 1 giờ dạy:
Tiền lương 1 giờ dạy = Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/Định mức giờ dạy trên 1 năm x Số tiền dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần

ra “quy chế” cắt số tiết dạy của giáo viên không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi (đi làm nhiệm vụ theo sự phân công công tác…) là chưa phù hợp.

Về việc này, luật sư Nguyễn Nhật Tuấn cho rằng, theo Khoản 7 điều 3 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định về thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.

Hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi ở đây được hiểu là hoàn thành về số giờ tiêu chuẩn (số giờ định mức) theo quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chứ không phải được coi là giờ dạy thêm.

Như vậy, thời gian giáo viên đi công tác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động thì số tiết này được tính vào giờ dạy định mức của giáo viên. Tức là trong thời gian giáo viên đi công tác theo sự phân công của cấp có thẩm quyền thì giáo viên vẫn được coi là hoàn thành định mức giờ dạy trong thời gian này.

Việc trường THPT Như Xuân II tự ý cắt tiết của giáo viên đi công tác, bù giờ của giáo viên này cho giáo viên kia là chưa đúng theo quy định. Vấn đề nằm ở chỗ, nhà trường cần bố trí hợp lý các tiết dạy cho giáo viên, nhằm đảo bảo quyền lợi cho mỗi người", luật sư Tuấn cho biết.

Trước đó, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng, việc áp dụng thông tư 07 trong việc giải quyết chế độ cho giáo viên nêu trên có phần chưa hợp lý.

“Chế độ cho giáo viên phải được tính toán hợp lý, đầy đủ. Nếu làm không đúng quy định rất dễ gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ giáo viên, đồng thời khó khuyến khích được các thầy cô phát huy hết khả năng, tâm huyết với nghề…”, vị lãnh đạo này nói.

Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua, kể từ thời điểm Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, cơ quan chủ quản vẫn chưa có động thái xác minh, làm rõ sự việc.

ĐỨC THIỆN