LTS: Những ngày gần đây khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố quy chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thì trên các diễn đàn lại nóng lên với tranh luận về những điều được và chưa được của kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Với góc nhìn của một người hoạt động trong ngành giáo dục lâu năm, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc mạnh dạn chỉ ra những yếu tố “cốt tử” để kỳ vọng vào một kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 nghiêm túc, công bằng, chất lượng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Đúng như dự kiến, đầu tháng 2 năm 2016, Bộ GD&ĐT công bố quy chế chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Với góc nhìn của người trong cuộc, tôi có vài ý kiến muốn chia sẻ cùng độc giả về khâu ra đề thi, coi thi và chấm thi là các yếu tố “cốt tử” để tạo nên một kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, công bằng, chất lượng.
Về khâu ra đề thi
Theo quy chế, đề thi THPT quốc gia 2016 về cơ bản như năm 2015. Đó là đề thi được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
Và tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng).
Cách ra đề thi như vậy là sát thực với nội dung, chương trình, với những đổi mới, cải tiến về kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.
Kỳ vọng vào kỳ thi THPT quốc gia 2016 nghiêm túc, công bằng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Nói thì dễ, làm mới khó. Bởi lẽ, mấy năm nay, một số đề thi vẫn “còn xa” so với yêu cầu, mong đợi; nặng về nhận biết, thông hiểu; chưa có sự phân hóa tốt…nhất là các đề thi thuộc khối môn tự luận.
Hy vọng sắp tới đây, tinh thần đổi mới cách kiểm tra đánh giá từ Quy chế này sẽ được lãnh đạo Bộ GD&ĐT quán triệt đầy đủ, kỹ lưỡng trong các thành phần, ban soạn thảo và ban phản biện đề trước khi bắt tay vào việc soạn thảo và phản biện đề.
“Sản phẩm” các đề thi đều đạt tốt, đảm bảo mọi tiêu chí đặt ra, vừa được xem là những “thước đo” đáng tin cậy để kiểm định chất lượng dạy học của thầy và trò, vừa có tác dụng tích cực ngược lại đối với quá trình dạy học, những “làn sóng” đổi mới đang định hình.
Về khâu coi thi
Mỗi một địa phương có 2 cụm thi, một cụm thi đại học, một cụm tốt nghiệp THPT. Số lượng cụm thi có nhiều hơn năm ngoái.
Ưu điểm lớn nhất ở chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, đi lại, ăn ở…của con em phụ huynh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 sẽ có nhiều điểm mới(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu kỳ thi phải bảo đảm công bằng, tiết kiệm, giảm áp lực trong việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh. |
Có luồng ý kiến cho rằng nên hợp nhất 2 cụm thi trên từng địa phương thành một, giao hẳn vai trò chủ trì cho các trường Đại học, tách ra thế này khó đồng bộ, công bằng trong khâu coi thi và chấm thi.
Luồng ý kiến khác lại khẳng định, thí sinh ở địa phương nào mà thi ở địa phương đó, dẫn đến thực tế, trong một phòng thi sẽ có những học sinh học cùng lớp, cùng trường, dễ nảy sinh tiêu cực, xem bài của nhau…
Tôi thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT quyết định mỗi địa phương có 2 cụm thi là hướng có lợi cho con em học sinh, đỡ đi xa, đỡ vất vả, tốn kém.
Tách làm hai loại cụm thi như năm trước để mỗi học sinh cân nhắc, lựa chọn vào khả năng, sức lực học tập của bản thân, đồng thời cho thấy vai trò, trách nhiệm của các Sở GD&ĐT cùng tham gia vào nhiệm vụ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Các phòng thi sẽ có những thí sinh cùng trường, cùng lớp, theo tôi cũng không ảnh hưởng gì bởi tiêu cực hay không tiêu cực, xem bài của nhau hay không đều phụ thuộc vào cách tổ chức, triển khai của hội đồng coi thi và đặc biệt thái độ, trách nhiệm, cách ứng xử của các giám thị làm nhiệm vụ.
Thầy cô giáo đều nhận thức tốt, làm việc đúng quy chế thì sao có chuyện học sinh dám xem tài liệu, xem bài nhau trong phòng thi được?
Khâu chấm thi
Theo quy chế tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2015, nhưng tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc Sở GD&ĐT tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi Đại học.
Điểm mới này, Bộ GD&ĐT mong muốn giữa các trường Đại học và các Sở GD&ĐT có sự giám sát lẫn nhau và phối hợp hiệu quả ở khâu coi thi và chấm thi nhằm giảm thiểu tiêu cực và sai sót có thể nảy sinh.
Thi tốt nghiệp chỉ cần “đạt”, còn vào đại học là phải “tuyển”(GDVN) - Đó là hai việc khác nhau của hai kỳ thi với các mục tiêu khác như, do đó không thể lồng chung lại thành một kỳ thi giống như vừa qua. |
Các bài trắc nghiệm khách quan ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ được chấm bằng máy, không có vấn đề gì để quan ngại.
Chấm các môn tự luận, nhất là đề thi có nhiều câu hỏi nhỏ, đề ra dạng câu hỏi mở có nhiều hướng suy nghĩ, trình bày khác nhau…dễ dẫn đến nhầm lẫn, thiếu sót, không đồng bộ giữa các giám khảo chấm.
Do đó, khâu tổ chức chấm thi của các hội đồng chấm thi cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn, thống nhất đáp án, ba-rem điểm…rất cao độ, được “thấm nhuần” trong mọi giám khảo chấm thi.
Yếu tố kỷ luật, chặt chẽ, kỹ lưỡng đến mấy trong chấm thi và việc chọn giáo viên đi chấm thi cũng rất quan trọng.
Nên gửi hướng dẫn, yêu cầu cụ thể về cho các nhà trường, trên cơ sở đó, đơn vị lựa chọn những nhân tố tốt nhất.
Sau mỗi đợt chấm thi, các hội đồng chấm thi nên có bảng nhận xét, đánh giá về tiến độ làm việc…của các giám khảo chấm, để năm sau có thể dựa vào đó để lựa chọn tiếp tục hoặc thay thế những thầy cô tốt hơn.