LTS: Chốn pháp đình những tưởng chỉ có những bản án nghiêm khắc đầy tính răn đe hay sự khô khốc của những hành vi tội lỗi mà còn cả sự cảm thông, những giọt nước mắt đầy chia sẻ của người chứng kiến.
Viết tiếp những câu chuyện cảm động ấy, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả loạt bài của tác giả Hà Dung, người từng có nhiều năm làm trong ngành tòa án.
Câu chuyện về cô giáo ấy cứ khiến tôi day dứt mãi. Pháp luật không cho phép ai ngụy biện lý do để phạm tội, họ phải chịu hình phạt tương thích với hành vi sai trái của mình.
Nhưng rồi hoàn cảnh đẩy đưa đến con đường phạm tội của cô giáo ấy cứ khiến những người làm công tác tố tụng suy nghĩ mãi.
Đau đớn rời bục giảng
Sáu năm ròng bôn ba ở đất Sài Gòn nhưng mức lương của cô giáo tiểu học không giúp cô thực hiện nổi lời hứa “con học giỏi mẹ sẽ mua máy tính xách tay làm quà cho con”. Để rồi, trong cơn túng bấn, cô giáo đã làm liều và rồi đứng trước vành móng ngựa.
Hình ảnh người mẹ vật lộn với cuộc sống mưu sinh để mong nuôi nấng các con nên người. Ảnh minh họa (ảnh: internet) |
22 tuổi (năm 1994) cô giáo Lan tốt nghiệp trường cao đẳng và về trường làng giảng dạy rồi lập gia đình ngay sau đó.
Những mong cuộc sống ổn định bên chồng và những đứa con ngoan. Nhưng nào ngờ, người chồng rượu chè bên tha, chửi mắng đánh đập. Sau nhiều lần nhẫn nhịn cô đành phải quyết định ly hôn.
Sau khi ly hôn, cô Lan bồng bế hai con về nhà mẹ đẻ sinh sống. “Nhiều đêm ôm con nghe con hỏi: ‘mẹ ơi sao ba không đi cùng mẹ con mình’ mà tôi ứa nước mắt”.
Vì một phút bốc đồng mà bốn sinh viên phải từ giã giảng đường |
Thương con phải chịu cảnh gia đình chia lìa cô giáo đã phải thay chồng làm bổn phận người cha và dồn mọi tình thương cho các con.
Nhưng tai họa cứ liên tiếp trút lên đầu bằng những lời chửi rủa, mỉa mai của người làng.
Tin đồn, “cô giáo bị chồng bỏ” khiến nhiều người dèm pha khiến cô không đủ tự tin đứng trên bục giảng.
Nhiều lần cô Lan đứng trên bục giảng nhưng nghe tiếng học trò xì xào, “mẹ tao nói cô giáo hư bị chồng bỏ”.
Rồi những phụ huynh tới xin chuyển lớp cho con vì không muốn con học với “cô giáo hư” khiến cô buồn bã.
Và rồi cô đành dứt áo tha phương vào Sài Gòn lập nghiệp với mong ước bù đắp mọi tổn thương, thiếu thốn cho con.
Một phút lầm lỡ
Năm 2005, cô Lan “cập bến” Sài Gòn lập nghiệp. Do trước đó cô có nhiều thành tích, giấy khen giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sỹ thi đua cấp thành phố… nên nhanh chóng được ký hợp đồng tại một trường tiểu học quốc tế.
Nhưng rồi mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng chỉ giúp cô giáo xoay sở tiền ăn, nhà trọ và sinh hoạt nơi mảnh đất Sài Thành vốn đắt đỏ.
Ngoài giờ lên lớp, cô Lan tranh thủ đi làm gia sư vào ban đêm kiếm thêm thu nhập gửi về nuôi con. Nhưng vẫn không đủ trang trải và phụ cấp nuôi con.
Rồi một buổi tối, sau khi nhận điện thoại của cô con gái (học lớp 9) khoe vừa được giấy khen và chuẩn bị đi thi học sinh giỏi chị vừa mừng vừa tủi.
Nhớ lại lời hứa: “con học giỏi mẹ mua máy tính làm quà cho con…” nhưng cả “gia tài” của cô lúc ấy chỉ còn vẻn vẹn mấy đồng bạc lẻ.
Trong một phút xao lòng, không kiềm chế được những ý nghĩ đen tối đang nhen nhóm trong đầu, cô Lan đã mang chiếc máy tính xách tay của Hải (một sinh viên ở trọ cùng phòng) đi giấu.
Phát hiện mất máy tính, Hải gọi điện thoại hỏi cô Lan có mượn máy sử dụng không nhưng cô không nghe điện thoại.
Sau một hồi lục tìm, Hải đã ra trình báo công an. Khi bị công an triệu tập, cô Lan khai nhận toàn bộ hành vi.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, cô giáo ấy đã không thể lý giải tại sao mình hành động như vậy mà chỉ biết khóc:
“Tôi làm mẹ, có nghề nghiệp nhưng không nuôi nổi con cái mình. Khi con còn nhỏ, tôi không có tiền để chúng được uống sữa, được mua những món đồ chơi mà chúng thích.
Nay con lớn, tôi hứa sẽ tặng con một chiếc máy tính xách tay nếu nó học giỏi. Nhưng nay con đã học lớp 9 mà tôi vẫn chưa thựa hiện lời hứa…”. Nói tới đó cô Lan bật khóc rồi níu chặt vành móng ngựa.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, hội đồng xét xử đã tuyên phạt cô Lan mức án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản.
Phiên tòa kết thúc, cô ôm chặt chị gái của mình khóc nức nở “chị ơi em không dám về quê nữa rồi”.
Câu nói rất thật của cô giáo khiến nhiều người đớn đau, chua xót. Nhưng tôi tin người mẹ suốt đời vì con đó sẽ được đền đáp. Và sau này lớn lên, các con chị sẽ hiểu được nỗi lòng cao cả của một người mẹ.
Đã nhiều năm trôi qua sau phiên tòa ngày hôm ấy, tôi tất bật với công việc và những lần di chuyển công tác, chỗ ở nên không còn biết được nhiều thông tin về chị.
Hy vọng rằng, sau lần vấp ngã ấy, chị vẫn mạnh mẽ đứng lên để làm điểm tựa cho hai người con.
Tên nhân vật đã được thay đổi, bài viết là kinh nghiệm, kỷ niệm ghi lại của tác giả.