Lương thầy dạy nghề chỉ 2-3 triệu/tháng thì ai muốn dạy!

21/04/2018 06:50
Thùy Linh
(GDVN) - Câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh thích học nghề hơn học đại học? Với câu hỏi này, Tiến sĩ Khánh cho rằng phải thông qua cơ chế chính sách.

Khi nói đến sự quan tâm của xã hội đến giáo dục nghề nghiệp, tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp” diễn ra ngày 20/4, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) thông tin: 

Giáo dục nghề nghiệp có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển quốc gia.

Trong quy hoạch và chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giáo dục nghề nghiệp sẽ có quy mô 80-90% nhân lực qua đào tạo, đóng vai trò là một trong các nhân tố quyết định để thực hiện thành công đột phá chiến lược về nhân lực cho phát triển đất nước. 

Tuy nhiên cũng theo ông Dũng, xã hội và trên phương tiện thông tin đại chúng nhiều thông tin về giáo dục nghề nghiệp chưa đến với đông đảo các bậc phụ huynh, các học sinh;

Tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn thấy đưa tin thường xuyên; nhiều trường nghề trong nhiều năm khó tuyển sinh; nhiều người, nhiều nơi còn chưa tin tưởng giáo dục nghề nghiệp …

Nói về nguyên nhân, ông Dũng xác định có nhiều lý do. Trong đó có lý do tâm lý khách quan, nhiều gia đình học sinh vẫn trọng đại học không thích giáo dục nghề nghiệp …; 

Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan do công tác truyền thông chưa chất lượng, hiệu quả khiến cho giáo dục nghề nghiệp không đến được với đông đảo xã hội. 

Đây cũng là ý kiến của bà Joanna Wood - Tham tán giáo dục và khoa học, Đại sứ quán Australia. 

Bà Joanna Wood cho hay, giáo dục nghề nghiệp hiện đang có những cơ hội để phát triển. (Ảnh: Thùy Linh)
Bà Joanna Wood cho hay, giáo dục nghề nghiệp hiện đang có những cơ hội để phát triển. (Ảnh: Thùy Linh)

Bà Joanna Wood cho rằng, giáo dục đại học có chỗ đứng riêng, theo tiến trình tự nhiên từ tiểu học, trung học đến đại học. Nhiều người vì quan niệm đó mà không lựa chọn giáo dục đào tạo nghề là sự lựa chọn đầu tiên. Vì thế cần có thời gian để thay đổi nhận thức của mọi người. 

Đặc biệt, bà Joanna Wood cho hay, giáo dục nghề nghiệp hiện đang có những cơ hội để phát triển. Doanh nghiệp đang hướng đến giáo dục đào tạo nghề. Các nghiên cứu khẳng định giáo dục đào tạo nghề mang lại con đường sự nghiệp đáng mơ ước… 

Do đó, việc quảng bá về nghề và kỹ năng cần được chú trọng, từ đó, bà Joanna Wood gợi ý, đã đến lúc Việt Nam cần tuyên truyền giáo dục đào tạo nghề là con đường dẫn tới sự nghiệp ổn định với mức lương khá;

Không đơn thuần chỉ là một nghề, nó mang lại những lựa chọn công việc đa dạng mà bạn có thể chưa nghĩ tới; cho phép bạn có kỹ năng và kinh nghiệm thực tế để bạn sẵn sàng cho việc làm…

Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng trong sự phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện nay đó là công tác tuyển sinh của các trường nghề. 

Để các phụ huynh, học sinh biết nhiều hơn với các trường nghề, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội góp ý, chúng ta cần tuyên truyền rộng và sâu cho các phụ huynh, các học sinh về cơ hội học tập, làm ở đâu và cơ hội thăng tiến trong tương lại như thế nào, mức thu nhập ra sao… 

Câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh thích học nghề hơn học đại học? 

Với câu hỏi này, Tiến sĩ Khánh cho rằng phải thông qua cơ chế chính sách. Chính người dạy nghề hiện cũng gặp rất nhiều thiệt thòi. Lương thầy dạy chỉ 2-3 triệu/tháng thì ai muốn dạy trong khi doanh nghiệp trả tới 15-16 triệu/tháng? 
 
Trong khi phụ huynh ai chẳng muốn con mình được thành danh, có mức lương ổn định?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho rằng, câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh thích học nghề hơn học đại học? (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho rằng, câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh thích học nghề hơn học đại học? (Ảnh: Thùy Linh)

“Hơn hết các cơ sở đào tạo phải tự chủ động tuyên truyền tuyển sinh về ngành nghề, đối tượng của mình.

Đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo. Điều quan trọng là ra trường phải có việc làm thì người học mới vào. Khi các trường thực hiện tốt, chất lượng tốt thì chính các em học viên lại chính là cầu nối tuyên truyền cho nhà trường…” - ông Khánh gợi ý. 
 

Thùy Linh