LTS: Nhân dịp Tết nguyên đán 2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội – ông Lê Quân để lắng nghe những chia sẻ và dự định của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội trong năm 2018.
Phóng viên: Năm 2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chính thức tiếp nhận quản lý Nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Được biết, hiện nay Bộ đang triển khai và sắp tới sẽ làm mạnh đề án quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, thực hiện đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng như phát triển các trường cao đẳng, trung cấp chất lượng cao.
Thưa Thứ trưởng, để cụ thể hóa chủ trương này, Bộ đã chuẩn bị những giải pháp gì? Lộ trình như thế nào?
Thứ trưởng Lê Quân: Năm 2017 được coi là hoàn thiện thể chế và ổn định hệ thống. Toàn bộ các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp đã được ban hành.
Các trường cao đẳng và trung cấp được được chuyển giao quản lý nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã cơ bản ổn định và cơ bản hoàn thành chuyển đổi chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của doanh nghiệp.
Kết quả tuyển sinh và chất lượng đào tạo nghề có nhiều khởi sắc. Rất nhiều trường đã tuyển đạt chỉ tiêu và gấp gần 2 lần so với năm trước.
Năm 2018, ngành Lao động, Thương binh và xã hội xác định nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tháng 1/2018, Bộ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, gồm 18 nhiệm vụ lớn với 50 các nhiệm vụ cụ thể để triển khai các giải pháp đồng bộ từ trung ương đến các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quân tiết lộ, năm 2018, ngành Lao động, Thương binh và xã hội xác định nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. (Ảnh: Cổng thông tin Tổng cục dạy nghề) |
Bên cạnh những giải pháp có tính dài hạn như nâng cao chất lượng giảng viên, thu hút nhà đầu tư tư nhân và xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, ba nhóm giải pháp lớn được tập trung ưu tiên bao gồm:
Thứ nhất, quy hoạch và tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, nhà nước tập trung đầu tư có trọng điểm để có khoảng 100 trường công lập chất lượng cao vào 2020 và khoảng 200 trường vào 2030, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp;
Thực hiện sáp nhập toàn bộ các trung tâm cấp huyện thành một trung tâm dạy nghề duy nhất, và gắn hoạt động các trung tâm cấp huyện với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn; thực hiện sáp nhập và giải thể các trường hoạt động kém hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ cho các trường gắn với phát triển các trường tư thục để tạo ra thị trường dạy nghề cạnh tranh.
Bộ đang trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch toàn quốc; đồng thời đang phối hợp cùng các tỉnh xây dựng và triển khai các đề án tổ chức lại mạng lưới dạy nghề của địa phương.
Tính đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành đề án quy hoạch lại mạng lưới trường nghề.
Những địa phương triển khai nhanh như Hà Nội, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Giang, Đắk Lắk Quảng Ngãi, Huế, Hải Dương, Phú Thọ...
Doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình đào tạo thì 3 bên đều có lợi! |
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp; coi doanh nghiệp là động lực và chìa khóa thành công trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp.
Bộ đã ban hành thông tư 29 cho phép doanh nghiệp tham gia sâu vào giáo dục nghề nghiệp; cho phép doanh nghiệp và trường cùng tuyển sinh và cùng đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ đang xúc tiến hàng loạt chương trình đào tạo theo đặt hàng với các tập đoàn kinh tế trong bốn lĩnh vực sản xuất (Hòa Phát, Trường Hải, VinGroup), thương mại (Central Group, Hiệp hội bán lẻ), du lịch (Mường Thanh, VinGroup), công nghệ thông tin (FPT).
Các tập đoàn tham gia xây dựng chương trình đào tạo, phối hợp tuyển sinh, phụ trách đào tạo thực hành và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp.
Giữa tháng 2/2018, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn các sở và các trường đẩy mạnh hợp tác đào tạo theo đặt hàng với doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng để tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Ảnh: Bộ Lao động thương binh và Xã hội |
Với sự vào cuộc của 63 sở Lao động, Thương binh và xã hội, tháng 3/2018 sẽ triển khai đồng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp và các lễ ký kết hợp đồng đào tạo theo đặt hàng giữa các trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hướng đến, doanh nghiệp và nhà trường cùng thống nhất chương trình đào tạo, cùng tuyển sinh, cùng đào tạo và do đó doanh nghiệp có đủ nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Xu hướng sẽ chuyển từ chọn trường sang chọn nghề và chọn nơi làm việc sau đó mới chọn trường để học. Người học được doanh nghiệp chấp nhận sơ tuyển, sẽ theo học tại trường do doanh nghiệp hợp tác đào tạo. Mô hình này rất thành công tại Đức.
Với nhiều ngành nghề, nếu doanh nghiệp không hợp tác với trường, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong tuyển dụng.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế. Quản lý nhà nước là hoàn thiện thể chế kiến tạo phát triển cho các trường. Nghị định tự chủ sẽ được sớm ban hành sẽ cho phép các trường có nhiều tự chủ, và vận hành đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường giáo dục nghề nghiệp.
Bộ ưu tiên tập trung tăng cường năng lực và kết nối cho các hiệu trưởng và cho các lãnh đạo sở Lao động, Thương binh và xã hội; cũng như tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với các hiệu trưởng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Ưu tiên của cá nhân ông với việc này như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Quân: Chúng tôi sẽ dành toàn bộ thời gian của mình để đồng hành cùng lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các sở Lao động, Thương binh và xã hội, các hiệu trưởng và lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội để cùng nhau triển khai hiệu quả từng nhiệm vụ.
Đổi mới đến được khi cơ chế thông thoáng; nhưng sản phẩm có được đến từ các trường và trung tâm đào tạo. Hệ thống chỉ vận hành tốt khi vai trò và trách nhiệm của từng địa phương được đề cao.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt là nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp là vô cùng quan trọng.
Vậy để thu hút học sinh tham gia vào giáo dục nghề nghiệp thì năm 2018, Bộ Lao động Thương binh và xã hội có chủ trương phân luồng học sinh ngay từ trung học cơ sở như thế nào và xu hướng nghề tới đây sẽ là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Quân: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đang phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án phân luồng.
Phân luồng học sinh hết lớp 9 vào học nghề là ưu tiên của mọi quốc gia. Học hết lớp 12 mới học nghề sẽ lãng phí rất nhiều. Và thực tế chúng ta đang lãng phí khi tỷ lệ học sinh hết lớp 12 không thi đại học chiếm trên 30%.
Phân luồng giúp các em học nghề và học văn hóa song song, có bằng trung cấp và cao đẳng ở tuổi 18, 19 và gia nhập thị trường lao động.
Thứ trưởng Lê Quân trả lời phỏng vấn về đào tạo nhân lực thời 4.0 |
Các em có thể học tiếp đại học nếu có cơ hội việc làm. Như vậy, học tập gắn với sử dụng và xã hội cùng gia đình tiết kiệm chi phí, thời gian.
Phân luồng nếu dựa vào hướng nghiệp của các thầy cô giáo phổ thông có kết quả không cao. Nhiều trường phổ thông hoặc chưa đủ năng lực hướng nghiệp, hoặc vẫn chú trọng học và ôn thi để các em đỗ trung học phổ thông hơn là vào học nghề.
Bên cạnh đó, các trung tâm dạy nghề cấp huyện có năng lực chưa đáp ứng và chưa thu hút được học sinh phân luồng.
Giải pháp trước mắt, Bộ tập trung chỉ đạo phân luồng mạnh tại các địa phương gắn với cung ứng nhân lực cho các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn.
Tại nhiều địa phương, các trường trung cấp và cao đẳng đẩy mạnh hợp tác cùng doanh nghiệp để tuyển và đào tạo các em tốt nghiệp lớp 9. Các em theo học 2-3 năm kết hợp với thực hành tại doanh nghiệp, sau đó có việc làm tại doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định cuộc sống trên quê hương.
Đây chính là ưu thế của dạy nghề dành cho học sinh cơ sở có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Các sở Lao động, Thương binh và xã hội và chính quyền cấp xã sẽ vào cuộc mạnh để truyền thông tới phụ huynh và học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành thông tư để xác định rõ chức năng nhiệm vụ, định mức kinh tế kỹ thuật đầu tư cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Qua đó đầu tư tăng cường năng lực cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện gắn với phân luồng. Các trung tâm cấp huyện sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp để cùng tổ chức tuyển sinh và đào tạo.
Hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó riêng cao đẳng, trung cấp là gần 1.000 cơ sở.
Xin Thứ trưởng cho biết, trong những năm tới, chìa khóa để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng khi thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp là gì?
Thứ trưởng Lê Quân: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cần phát triển thị trường dạy nghề phát triển. Tự chủ và cạnh tranh là động lực cho phát triển.
Thời gian tới, các trường cần liên kết với nhau tạo thành mạng lưới và cùng nhau ứng dụng kinh tế chia sẻ để giảm chi phí đào tạo, giảm đầu tư và quản trị tốt cung ứng nhân lực trên thị trường lao động.
Hiện nay rất đông học sinh có nhu cầu học nghề liên kết với quốc tế để đi làm việc ở nước ngoài. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nhu cầu này và có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?
Thứ trưởng Lê Quân: Học nghề gắn với xuất khẩu lao động là xu thế và là điểm sáng của giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay Bộ đang chỉ đạo gắn chặt dạy nghề và xuất khẩu lao động. Dạy nghề đóng vai trò quan trọng trong hai khâu: đào tạo trước khi đi và đào tạo tiếp tục sau khi lao động về nước.
Nhu cầu hàng năm hiện nay đã hơn 100 ngàn chỉ tiêu xuất khẩu lao động, cơ hội làm việc với thu nhập cao tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, và các nước phát triển khác rất lớn với nhân lực có kỹ năng nghề.
Với rất nhiều các em học sinh, các em nên xác định mục tiêu sớm để không mất thời gian.
Nếu các em học tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức... ngay từ cấp 2 và cấp 3, các em sẽ rút ngắn thời gian khi tham gia học nghề và đi làm việc tại các nước phát triển.
Thay vì học để có tấm bằng cao mà chưa xác định được ra trường làm gì, các em hãy tập trung học ngoại ngữ và học nghề để có việc làm thu nhập cao tại các nước phát triển. Khi trở về nước, các em có thể tiếp tục học liên thông từ một đến hai năm để có bằng cao hơn nếu cần.
Còn ít thời gian nữa là đến kỳ thi quốc gia 2018, từng là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, và giờ là Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ trong việc lựa chọn con được học tập, lập nghiệp không?
Thứ trưởng Lê Quân: Xã hội càng ngày càng chú trọng kỹ năng làm việc thay vì bằng cấp. Trong xã hội phát triển, việc làm cần trình độ đại học chỉ chiếm dưới 20%; còn lại là nhân lực có kỹ năng nghề.
Đại học giúp bạn trả lời câu hỏi tại sao; học nghề giúp bạn trả lời câu hỏi làm như thế nào. Học đại học hay học nghề cũng đều tốt và đều mang đến cơ hội nghề nghiệp tốt cho người có năng lực.
Do đó, các em nên xác định rõ thế mạnh và điều kiện của bản thân để quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho mình.
Năm mới đã đến, qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thứ trường có nhắn nhủ gì tới lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các em học sinh trên cả nước?
Thứ trưởng Lê Quân: Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi tới các trường lời chúc mừng năm mới thành công; chúc cho nhà trường có những cải cách mạnh mẽ thành công để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chúc các em học sinh, sinh viên nhiều sức khỏe và thành công trong cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn ông.