LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng một trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội.
Thầy Nguyễn Xuân Trường chia sẻ một phương pháp giáo dục mà thầy được biết thông qua một bộ phim truyền hình của nước ngoài.
Bài viết thể hiện sự cầu thị của một nhà giáo trong việc tìm tòi những phương pháp giáo dục tích cực với học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sau khi xem một tình huống trong một bộ phim truyền hình của nước ngoài, tôi mới nhận ra "Tôi chưa xứng đáng là một nhà sư phạm" cho dù tôi làm nghề dạy học và có bằng cử nhân sư phạm.
Tình huống đó nói về một cậu bé 5 tuổi ở nhà với người giúp việc. Trong lúc người giúp việc đang mải dọn dẹp nhà cửa thì cậu bé mang sáp màu ra vẽ những hình thù cậu thích lên bức tường phòng khách.
Sau khi người giúp việc phát hiện liền mắng cậu bé và thu hết số bút màu của cậu bé.
Người giúp việc chờ bố mẹ cậu bé về và nói lại chuyện đó để bố mẹ cậu phạt cậu một trận.
Tranh minh họa trong bài ập đọc "Đẹp mà không đẹp". (Ảnh đăng trên plo.vn) |
Thế rồi mẹ cậu bé cũng về, bà nhẹ nhàng hỏi xem cậu bé vẽ gì. Cậu hồ hởi khoe mẹ về ý tưởng của mình với vẻ rất tự tin. Bà mẹ tấm tắc khen con mình vẽ đẹp rồi làm ra vẻ suy nghĩ.
Thấy vậy cậu bé hỏi sao vậy mẹ? Lúc đó bà mẹ mới từ tốn nói là mẹ thấy con vẽ đẹp quá, mẹ muốn mang gửi bức tranh này đi triển lãm nên đang nghĩ cách làm thế nào để mang đi được.
Cậu bé suy nghĩ một lát rồi chợt reo lên: "Mẹ để con vẽ vào giấy rồi mẹ mang đi nhé!". Bà mẹ mỉm cười xoa đầu con trong khi cậu bé hồ hởi đi tìm giấy và tiếp tục vẽ.
Tôi cam đoan với các bạn nếu tôi với cương vị là bố mẹ ở hoàn ảnh ấy chắc tôi cho con tôi một cái bạt tai, hoặc chí ít cũng là mắng cho một trận rồi.
Còn nếu với cương vị là một giáo viên chắc tôi sẽ nói với con là con vẽ đẹp đấy nhưng đã làm bẩn bức tường giống như một tình huống mẫu được thể hiện trong nội dung bài tập đọc lớp 2 "Đẹp mà không đẹp!" - chương trình giáo dục năm 1981.
Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục |
Xin được nhắc lại về tình huống ở bài tập đọc tôi vừa nói:
Một cậu học trò lớp 2 vẽ một con ngựa lên bức tường vôi sau trường.
Vẽ xong cậu thấy một bác đi qua liền khoe: Bác xem con ngựa cháu vẽ đẹp không?
Bác đó nhìn một lúc rồi nói "Đẹp mà không đẹp" sau đó giải thích cho cậu học trò đẹp là con ngựa vẽ đẹp, còn không đẹp là do bức tường đã bị vẽ bẩn.
Trong hai tình huống này có nét hao hao giống nhau nhưng có một điều khác nhau cơ bản đó là mẹ cậu bé thì giúp cậu bé tự thấy được việc làm sai của mình và cũng tự mình biết nhận ra, hướng tới việc làm đúng.
Còn tình huống sách giáo khoa là bạn học sinh không tự nhận ra việc làm sai của mình và cũng không tự nhận biết, hướng tới việc đúng.
Tôi tự thấy mình không có kiến thức sư phạm bằng một bà mẹ trong tình huống trên. Tôi chưa xứng là một nhà sư phạm!