LTS: Sau khi bài viết “Phó Hiệu trưởng nhà trường có cần phải thao giảng không?” được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi của các thầy cô giáo.
Chia sẻ quan điểm của mình, cô giáo Phan Tuyết cho rằng Phó Hiệu trưởng cần phải dạy thao giảng, lên chuyên đề nếu muốn chỉ đạo chuyên môn tốt.
Tôn trọng tranh luận đa chiều, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này!
Bài viết “Phó Hiệu trưởng nhà trường có cần phải thao giảng không?” của tác giả Khánh Văn đã có rất nhiều độc giả không đồng tình với cách đặt vấn đề và những lý giải, những dẫn chứng mà tác giả nêu ra.
“Ngoài công việc dạy lớp thì Phó Hiệu trưởng phải thực hiện việc phụ trách chuyên môn của cả trường. Và, dĩ nhiên phải bao quát rất nhiều mảng.
Từ phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu, kiểm tra các chuyên đề, lo xây dựng chuyên đề, duyệt giáo án toàn trường, kiểm tra điểm số...
Ngoài công tác chuyên môn thì công tác phổ cập hiện nay cũng chiếm một lượng lớn thời gian để điều tra, làm số sách, lo báo cáo và đối phó với các đoàn kiểm tra cấp trên.
Rồi, phụ trách các hoạt động ngoài giờ, các tiết ngoại khóa, các cuộc thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh…”.
Muốn chỉ đạo chuyên môn tốt Phó Hiệu trưởng phải dạy thao giảng, lên chuyên đề. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Nhưng trong thực tế thì sao? Những công việc nêu trên cũng được Ban giám hiệu các trường giao xuống cho các tổ chuyên môn đảm nhận hết. Phó Hiệu trưởng cũng chỉ là người kiểm tra sau khi có kết quả.
Ví như tổ chức hoạt động ngoài giờ chào mừng ngày 22/12, các tổ chuyên môn nhận kế hoạch từ Ban giám hiệu, về tổ triển khai đến từng giáo viên.
Ngày thực hiện, Ban giám hiệu là giám khảo chỉ việc ngồi nhận xét và chấm điểm.
Những công việc khác như phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu, kiểm tra các chuyên đề, lo xây dựng chuyên đề, duyệt giáo án toàn trường, kiểm tra điểm số... cũng không chiếm nhiều thời gian.
Phân công giảng dạy chỉ thực hiện đầu năm, đầu các học kì, kiểm tra điểm số giao cho tổ chuyên môn, Phó Hiệu trưởng chỉ kiểm tra xác suất khi các tổ báo lên…
Nói tóm lại, một năm lên thao giảng vài tiết chuyên đề cũng chẳng tốn nhiều thời gian để đến nỗi “không thể dạy được”, chưa nói đến việc nếu trình độ chuyên môn, kĩ năng sư phạm của Phó Hiệu trưởng vững vàng (như yêu cầu) thì việc chuẩn bị một tiết thao giảng chẳng tốn nhiều thời gian.
Để bảo vệ cho quan điểm Phó Hiệu trưởng “không cần thao giảng”, bạn Khánh Duy đã dẫn ra điều lệ trường tiểu học không quy định rõ ràng Phó Hiệu trưởng trường học phải thao giảng phải lên chuyên đề (bằng tiết dạy).
Đành rằng là thế, nhưng đã là người nắm chuyên môn, người chỉ đạo chuyên môn của cả trường học mà xa rời thực tế thì làm sao có thể chỉ đạo chuyên môn sâu sát được.
Chẳng phải ngẫu nhiên lại có quy định Phó Hiệu trưởng ngoài công việc quản lý còn phải đứng lớp giống giáo viên (dạy 4 tiết) cũng đồng nghĩa cần làm tròn trách nhiệm như một giáo viên phải có giáo án, có lịch báo giảng, có thao giảng và có giáo viên dự giờ.
Chưa nói đến việc, Phó Hiệu trưởng thao giảng trước giáo viên sẽ có rất nhiều điểm lợi:
Thứ nhất
Phó Hiệu trưởng luôn là người được tiếp cận các phương pháp dạy học mới, đi học các lớp tập huấn chuyên đề, được đi dự giờ, đi thanh tra nhiều trường học, được làm giám khảo các hội thi giáo viên dạy giỏi… thì ắt hẳn kinh nghiệm trong giảng dạy rất nhiều.
Bởi thế, việc Phó Hiệu trưởng chuyên môn dạy thao giảng giáo viên sẽ học hỏi được rất nhiều.
Bằng tiết dạy cụ thể, Phó Hiệu trưởng sẽ trực tiếp truyền thụ cho giáo viên những kinh nghiệm quý báu của mình có được, học hỏi được nhiều nơi.
Vì sao Phó hiệu trưởng chuyên môn lại không dám dạy thao giảng?(GDVN) - Vì sao phần lớn các Hiệu phó lại sợ phải dạy thao giảng trước giáo viên – việc mà giáo viên vẫn thường dạy ở trường trước biết bao đồng nghiệp? |
Thứ hai
Theo quy định hàng năm Phó Hiệu trưởng phải lên từ 1-2 chuyên đề, còn gì hiệu quả hơn khi tự mình vừa lên chuyên đề bằng lý thuyết, vừa thực hành bằng tiết dạy thử nghiệm.
Thông qua tiết dạy của mình, Phó Hiệu trưởng còn chứng minh cho giáo viên thấy mình “nói được làm được”, nói có cơ sở, có thực tế, những điều đã nói (về phương pháp và kĩ năng dạy học) chắc chắn sẽ làm được nếu chúng ta cố gắng, có quyết tâm…
Từ đó, những thầy cô giáo chưa dạy tốt phải biết phấn đấu và rèn luyện cho tốt…
Khi giáo viên đã tâm phục khẩu phục thì việc thực hiện theo chuyên đề đã đề ra là lẽ đương nhiên.