Yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng trong năm 2017.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu, TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ quan điểm, cần phải hướng thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu – đó chính là sức mạnh trong tương lai của đất nước.
Trong hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” vào tháng 1/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định rằng, sẽ khai tử các trường đại học không đạt chuẩn. Ông có suy nghĩ gì trước thông điệp này của Bộ trưởng?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết tâm này của Bộ trưởng. Nếu không kiên quyết thì chúng ta không thể có một nền giáo dục tiên tiến; chất lường đào tạo kém thì làm sao mà có sản phẩm tốt được, làm sao mà đưa đất nước phát triển được.
Cũng xin chia sẻ là trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm của Đại học Nguyễn Trãi với nhiều trường đại học nước ngoài, tôi rất buồn khi có chuyên gia nước ngoài nhận định, học sinh và sinh viên của Việt Nam thông minh, nhưng nền giáo dục thì chậm đổi mới.
Cụ thể là rất nhiều trường đại học dựa dẫm vào ngân sách nhà nước và cái mác trường công nhiều năm qua, đào tạo ra hàng loạt sản phẩm lỗi không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhưng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm gì cả.
Liên quan tới thông điệp khai tử các trường đại học không đạt chuẩn, trước đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo tuyển sinh 2017, trong đó nêu vấn đề bỏ điểm sàn vào đại học – một hướng tư duy mới, tích cực và nhận được nhiều ủng hộ.
Tất nhiên bên cạnh đó còn có những lo lắng, liệu có xảy ra tình trạng một số trường vơ vét thí sinh nhưng vẫn đào tạo hời hợt như thời gian vừa qua không? Thực ra, lo lắng ấy cũng không thừa. Nhưng chúng ta phải có lựa chọn, chứ không phải vì lo lắng rồi không thay đổi gì cả.
Tôi cho rằng, việc Bộ đưa ra dự thảo như vậy cũng đã có sự cân nhắc, tính toán ở nhiều khía cạnh. Đối với các trường, từ giờ phải công bố tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm hàng năm để các thí sinh có thông tin lựa chọn.
TS.Nguyễn Tiến Luận ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phải siết chặt chất lượng đào tạo đại học. ảnh: Ngọc Quang. |
Thứ hai là quá trình tự chủ ở các trường công lập đang được đẩy mạnh, điều đó buộc các trường phải tự nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ ba là Bộ Giáo dục cũng sẽ chú trọng tới kiểm định chất lượng giáo dục. Đó là nội dung mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định trong một buổi làm việc với Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam vào tháng 8/2016.
Thứ tư là sau một thời gian ồ ạt vào đại học nhưng rồi thất nghiệp thì bây giờ các gia đình, các thí sinh đã có những lựa chọn thực tế hơn.
Trước đây, mác trường công lập luôn có lợi thế, nhưng bây giờ không phải vậy. Thí sinh nộp hồ sơ có quyền đặt ra câu hỏi: Vì sao học trường này mà không phải trường khác? Thí sinh cũng dễ dàng tìm hiểu và so sánh ngành đào tạo, mô hình đào tạo, và đặc biệt là cam kết của các trường đối với thí sinh.
Vấn đề lớn nhất của giáo dục đại học nhiều năm qua chính là đào tạo không gắn với nhu cầu thị trường. Để thoát khỏi tình trạng này, theo ông cần phải làm gì?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Theo tôi, song song với việc siết chặt đào tạo đại học, nâng cao chất lượng đầu ra của cử nhân thì phải làm tốt công tác phân luồng. Khi làm tốt phân luồng, một phần học sinh đi vào học nghề, vào Cao đẳng, sớm có việc làm để ổn định cuộc sống.
Còn đối với các thí sinh muốn vào đại học thì nên tạo điều kiện tối đa cho đầu vào dễ dàng. Nhưng dứt khoát đầu ra phải thật chặt chẽ. Thời gian vừa rồi, vào đại học nhiều quá, nhưng tốt nghiệp rồi lại thất nghiệp, nhiều em phải trở lại học trung cấp để tìm việc làm.
Giáo sư Trần Hồng Quân: “Phải xóa bao cấp để tránh ỉ lại” |
Nhiều em tốt nghiệp vài năm mà vẫn thất nghiệp, đó không đơn thuần là vì ngành ấy đang có nhiều lao động, mà vì kỹ năng yếu quá.
Nếu năng lực chuyên môn tốt, cộng thêm kỹ năng mềm tốt, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ thì đâu có thiếu gì việc làm.
Đối với Trường Đại học Nguyễn Trãi, chúng tôi kiên trì đào tạo theo hướng ứng dụng, tức là giảm đi tối đa thời lượng học lý thuyết, tập trung phần lớn vào thực hành.
Đầu tiên, chúng tôi phải làm công tác thay đổi nhận thức, tư duy cho các thí sinh. Vì đa phần các em tốt nghiệp THPT cũng chưa hình dung được công việc mình làm khi học ngành nghề ấy là gì.
Thế nên chúng tôi vừa kết hợp dạy các em về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, dạy về kiến thức văn hóa... đồng thời đưa các em xuống các doanh nghiệp để có cái nhìn thực tế về những vị trí việc làm trong tương lai khi tốt nghiệp.
Sau đó, chúng tôi sẽ trực tiếp trao đổi với các tân sinh viên, cho các em thực hiện các bài test, qua đó có đánh giá thêm về năng lực cá nhân của từng em, để đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn ngành học.
Thí dụ như cũng là học ngành tài chính – ngân hàng, nhưng có nhiều vị trí làm việc khác nhau. Thí dụ như học ngành “Quan hệ công chúng” nhưng cũng có nhiều vị trí việc làm khác nhau.
Ngoài ra, những đặc điểm về bản thân, điều kiện của gia đình cũng sẽ là một phần yếu tố lựa chọn ngành học để có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình. Điều quan trọng là chúng tôi luôn cố gắng giúp các em tránh chọn nhầm ngành học không phù hợp với mình.
Đối với chương trình đào tạo, chúng tôi dành tới 70% thời lượng cho thực hành, trải nghiệm các vị trí việc làm tại doanh nghiệp; chỉ có 30% thời lượng cho học lý thuyết.
Tuy nhiên, ngay cả học lý thuyết cũng không theo lối kinh viện xưa cũ, mà là lý thuyết gắn với thực tiễn ngay.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, chúng tôi đã tuyên bố cam kết, ít nhất hơn 90% sinh viên tìm thấy việc làm ưng ý sau khi tốt nghiệp. Cũng đã có những ý kiến bày tỏ lo ngại, liệu nhà trường có làm được không?
Chúng tôi khẳng định điều đó là sự thật, bởi vì giáo án giảng dạy không phải do chúng tôi bịa ra, không dạy lý thuyết sáo rỗng mà là sự kết hợp với rất nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau.
Những kỹ năng cần thiết cho một cử nhân. ảnh: Ngọc Quang. |
Thứ hai, ngoài học chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị đầy đủ kỹ năng mềm, công nghệ thông tin và yêu cầu học ít nhất một ngoại ngữ là bắt buộc.
Chúng tôi sẽ rất chặt chẽ trong khâu đánh giá tốt nghiệp đối với từng sinh viên và quyết tâm này nhận được sự phản hồi rất tích cực từ các phụ huynh. Họ đều mong muốn nhà trường khắt khe trong đào tạo, giúp cho con em họ có được nền tảng kiến thức tuyệt vời, khi đã tốt nghiệp thì hoàn toàn tự tin nộp hồ ứng tuyển vào các doanh nghiệp lớn.
Trên thực tế, Trường Đại học Nguyễn Trãi đà đào tạo được nhiều sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hàng nghìn đô la.
Bên cạnh đó, do nhà trường đã đặt liên kết với 300 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy ngay trong quá trình các em đi thực tập thì doanh nghiệp đã có đánh giá và tuyển dụng.
Ở chiều ngược lại, chúng tôi luôn kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Tức là doanh nghiệp cần gì ở một tân cử nhân thì chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được.
Tôi có lời khuyên dành cho các bạn trẻ là trước khi quyết định chọn học ngành nào, ở trường nào, các bạn phải tìm hiểu thật kỹ để có sự so sánh, phải có sự tham khảo của những người có kinh nghiệm, đặc biệt là sự minh bạch và cam kết ở ngôi trường các bạn dự định học.
Đó mới chỉ là câu chuyện của thị trường lao động Việt Nam, còn chuyện đào tạo ra công dân toàn cầu thì sao, thưa ông?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Đào tạo ra công dân toàn cầu, đó chính là sức mạnh của Việt Nam. Chúng ta đều biết mọi thứ đều phải bắt đầu từ giáo dục mà ra, cho nên trong một thế giới phẳng, thanh niên Việt Nam phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi để hòa nhập với thế giới một cách nhanh nhất.
Trước khi thành lập Trường Đại học Nguyễn Trãi nhiều năm, vào năm 1996, tôi đã bắt đầu tổ chức công tác du học, đưa khoảng 20 nghìn học sinh ra nước ngoài, học tập ở nhiều trường đại học trên thế giới.
Thế nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuận lợi để chu cấp cho con cái học tập ở nước ngoài. Có vô vàn khó khăn phát sinh khi các em học tập xa nhà và chi phí vô cùng tốn kém. Từ đó, tôi nảy ra suy nghĩ tại sao Việt Nam không thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế và thực hiện mục tiêu xuất khẩu giáo dục tại chỗ.
Trong xu hướng hợp tác của thế kỷ XXI, Việt Nam không chỉ hội nhập về kinh tế, văn hóa, mà giáo dục cũng là mục tiêu hết sức quan trọng - đó là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa hội nhập.
Vì vậy, nếu thực sự cải cách được nền giáo dục, đặc biệt là xây dựng được một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế thì không chỉ thu hút sinh viên Việt Nam, mà còn hút sinh viên của cả khu vực; giải quyết được hai vấn đề rất lớn:
Thứ nhất, hạn chế tình trạng hàng tỷ USD liên tục theo chân du học sinh chảy ra nước ngoài. Với khả năng hiện nay của Việt Nam, không thể có được những trường như Harvard hay Cambridge, nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được những trường tốt nhất Đông Nam Á.
Chỉ cần tính 20.000 học sinh mà tôi đã làm thủ tục đi du học, mỗi sinh viên chi phí vào khoảng 20.000USD học phí cho 4 năm (chưa tính tiền sinh hoạt phí) thì cũng đã có 400 triệu USD đổ ra nước ngoài.
Nếu tính tổng cộng số học sinh của Việt Nam đi du học từ sau giải phóng tới nay, con số này lên tới 100 lần, như vậy chí ít cũng phải có vài chục tỷ USD đổ ra nước ngoài theo các du học sinh.
Điều đáng tiếc là sau khi học xong, đa phần các du học sinh đều tìm cơ hội ở lại chứ không về Việt Nam.
Như vậy, vấn đề chảy máu chất xám xảy ra với Việt Nam từ nhiều năm trước và cũng không thể có cách nào hạn chế nếu nền kinh tế nội địa không bứt lên, nếu khoa học công nghệ nội địa không thực sự có những chính sách bứt phá.
Thứ hai, khi quyết tâm xây dựng những trường đại học có đẳng cấp quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các quốc gia có nền giáo dục mạnh tiên tiến nhất thế giới, thu hút được các chuyên gia hàng đầu.
Từ đó, Việt Nam sẽ xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động trong nước, mà hoàn toàn có thể tạo nên những dấu ấn trên thị trường Đông Nam Á và xa hơn là toàn châu Á.
Vì vậy, chỉ khi nào Việt Nam thực sự xây dựng được một trường đại học đẳng cấp quốc tế, đáp ứng được yêu cầu du học tại chỗ thì mới thực sự chủ động, hội nhập trong giáo dục, chủ động được nguồn nhân lực trình độ cao.
Khi đó, Việt Nam là thực sự là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, có nền khoa học – công nghệ hiện đại, thực sự là mắt xích quan trọng trên bản đồ kinh tế thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!