Nếu dự thảo tuyển sinh 2017 được thông qua, điểm sàn vào đại học duy trì nhiều năm qua sẽ bị loại bỏ. Điều kiện duy nhất để các thí sinh được đăng ký ứng tuyển đại học là tốt nghiệp THPT.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với tư tưởng của dự thảo, nhưng cho rằng việc bỏ điểm sàn phải kèm theo điều kiện và có lộ trình.
GS.Thuyết phân tích: “Điểm sàn là điểm tối thiểu thí sinh phải đạt để vào học đại học, cao đẳng. Trong tuyển sinh, mỗi trường có quyền xác định điểm chuẩn tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đào tạo, thực tế tuyển sinh và yêu cầu về chất lượng của trường mình; nhưng điểm chuẩn không được phép thấp hơn điểm sàn.
Như vậy, có thể nói điểm sàn là yếu tố đảm bảo chất lượng đầu vào và có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng.
Theo kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo “chốt” hôm 28/9/2016, các trường đại học, cao đẳng có thể chọn một trong 3-4 phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tuyển sinh dựa vào kết quả học tập ở THPT.
Trường nào chỉ dựa vào kết quả học tập ở THPT để tuyển sinh thì điểm sàn không còn là điều kiện tuyển sinh nữa và việc bỏ là tất yếu".
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Trường nào vẫn cứ đào tạo hời hợt, yếu kém thì sẽ dần dần không thể tuyển sinh nổi nữa". ảnh: GDVN. |
Nhìn sang các nước phát triển, ta thấy nước nào cũng có hai cách tuyển sinh. Các trường lớn thường tổ chức thi tuyển rất khắt khe, thí sinh phải đạt điểm cao và đáp ứng một số điều kiện khác mới vào được.
Bên cạnh đó, có những trường chỉ yêu cầu người học có bằng tú tài (ở ta gọi là bằng tốt nghiệp THPT) là được ghi danh vào học. Trước đây, ở miền Nam nước ta cũng có những trường như vậy.
Thế nhưng ở cả hai loại trường, không phải cứ vào học rồi hết 4 hay 5 năm là được nhận bằng tốt nghiệp. Quá trình sàng lọc ở các trường đều rất khắt khe, 100 người vào đại học thường chỉ một nửa hoặc hơn một nửa lấy được bằng tốt nghiệp thôi.
Quá trình đào tạo, sàng lọc khắt khe như vậy cho nên khi nhận được bằng tốt nghiệp là các cử nhân hoàn toàn tự tin để tìm việc làm.
GS.Thuyết chia sẻ: “Trước đây, có nhiều học sinh không đỗ trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam, tự bỏ tiền đi nước ngoài học đại học. Sau khi vượt qua được các kỳ thi, lấy được bằng và trở về, các bạn trẻ này làm việc rất tốt. Đấy là nhờ quá trình đào tạo của nhà trường nghiêm túc, có tính sàng lọc cao.”
Nếu các trường đại học của Việt Nam thực sự cải thiện điều kiện đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tính sàng lọc trong đào tạo thì việc bỏ điểm sàn tuyển sinh không đáng ngại, vì đầu vào chỉ là một yếu tố trong đào tạo thôi.
"Sản phẩm giáo dục cũng như hàng hóa, nếu kém không ai dám dùng" |
“Chính vì vậy, về nguyên tắc, tôi ủng hộ việc bỏ điểm sàn vì điều đó phù hợp với quyền tự chủ của các trường đại học.
Tuy nhiên, ở nhiều trường đại học nước ta hiện nay, điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nội dung và phương thức đào tạo còn lạc hậu, tính sàng lọc của quá trình đào tạo gần như không có.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên cho phép những trường đã được kiểm định chất lượng bởi những trung tâm kiểm định có uy tín và đạt kết quả tốt trong kiểm định chất lượng 5 năm gần đây được xác định điểm chuẩn tuyển sinh không phụ thuộc vào điểm sàn.
Các trường còn lại vẫn cần đảm bảo điểm chuẩn tuyển sinh không thấp hơn điểm sàn”, GS.Thuyết nêu quan điểm.
Cần công khai điểm đầu vào của từng trường
Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu giáo dục nhiều năm, GS.Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rất thẳng thắn rằng, trên thực tế, dù Bộ có bỏ điểm sàn, nhiều trường tốp dưới, gồm cả công lập và ngoài công lập cũng không tuyển sinh được hoặc không tuyển sinh được đủ chỉ tiêu.
Những trường không đảm bảo được điều kiện đào tạo tối thiểu, không xây dựng được uy tín, sinh viên sau khi tốt nghiệp cứ thất nghiệp dài dài, thì dù có hạ điểm thấp cũng chẳng có ai vào học.
Học để làm gì? |
“Chúng ta thấy rằng, trên thực tế đã có nhiều sinh viên đang học trường này nhưng rồi lại bỏ hẳn để chuyển sang trường khác.
Bây giờ thanh niên rất thực tế, vì thế trường nào vẫn cứ đào tạo hời hợt, yếu kém thì sẽ dần dần không thể tuyển sinh nổi nữa, nhất là trong thời đại bây giờ thông tin lan truyền rất nhanh”, GS.Thuyết chia sẻ.
Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, để thúc đẩy mạnh hơn nữa chất lượng đào tạo thì các trường đại học phải công khai điểm tuyển đầu vào, để xã hội đánh giá, người học lựa chọn.
Tốt nhất là trang mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm tuyển của từng trường.
“Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các trường phải thống kê và công khai số lượng cử nhân tốt nghiệp hàng năm có tỷ lệ việc làm ra sao.
Nhiều trường đã đáp ứng yêu cầu này. Nhưng cũng cần có cách kiểm tra xem những thông tin đó chính xác, khách quan đến đâu”, GS.Thuyết nêu quan điểm
Cuối cùng, có một vấn đề cần quan tâm là việc bỏ điểm sàn vào đại học sẽ ảnh hưởng đến khả năng tuyển sinh của các trường cao đằng và trung cấp như thế nào.
GS.Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, để tìm ra một giải pháp hài hòa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.