Phát biểu tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ vào ngày 13/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 4 câu hỏi lớn để phát triển đại học tư thục. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt quan tâm tới sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thế mạnh của từng trường.
Trong cuộc trò chuyện với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam khẳng định, tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học. Chỉ khi nào thực sự tự chủ thì các trường đại học mới phát huy được khả năng sáng tạo, nâng cao được chất lượng đào tạo.
Thưa Giáo sư, lý do vì sao phải thúc đẩy tính tự chủ của các trường đại học?
GS.Trần Hồng Quân: Câu chuyện tự chủ đại học không lạ trên thế giới, nhưng chưa quen ở nước ta. Ở các nước thì không có vấn đề nên hay không nên mà tự chủ được coi là một thuộc tính của giáo dục đại học, được quy định thành luật pháp. Vấn đề còn lại là nên tự chú thế nào để có hiệu quả nhất mà thôi.
Còn ở nước ta thì vừa phải tiếp tục thuyết phục nhau là nên thực hiện tự chủ đại học, vừa phải nghiên cứu cách thức tự chủ phù hợp với hoàn cảnh và thể chế chính trị kinh tế của nước ta.
GS.Trần Hồng Quân khẳng định: “Phải xóa bao cấp để tránh ỉ lại”. ảnh: Ngọc Quang. |
Nền giáo dục đại học nước ta được hình thành hoạt động trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, trong một thời gian rất dài cho nên chỉ thành lập các trường công lập, chỉ một cách quản lý tập trung và luôn luôn được bao cấp bằng ngân sách nhà nước, tất cả nhân lực của nhà trường đều thuộc biên chế nhà nước... như là một điều tự nhiên.
Sau khi giải phóng Miền Nam, chúng ta đã xóa các trường tư và cải tạo các trường công giống các trường miền Bắc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng sản xuất được giải phóng mạnh mẽ nhưng các cấu trúc thượng tầng rất chậm được đổi mới.
Riêng với giáo dục đại học vào thập niên tám mươi và đầu thập niên chín mươi của thế kỹ trước cũng đã có một số đổi mới quan trọng.
Những đổi mới này xét cho cùng cũng nhằm tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm tự lập; từng bước giảm bớt quản lý tập trung, giao nhiều quyền cho các trường như quyền quyết định tuyển sinh, quyết định tốt nghiệp và ký bằng tốt nghiệp, quyết định bổ nhiệm trưởng phó phòng, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm khoa, quyết định tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào trong quan hệ quốc tế...
Các quyền và trách nhiệm ấy trước đó đều thuộc Bộ. Hồi ấy việc giao quyền như thế còn rất mới lạ, gọi là phân cấp quản lý, khái niệm tự chủ còn là nhạy cảm.
Nhưng vì sao sau đó câu chuyện tự chủ ở các trường đại học không phát huy được và phải bây giờ phải trở lại vấn đề này, thưa Giáo sư?
GS.Trần Hồng Quân: Sự đổi mới đến đó còn là quá ít, các trường còn chịu nhiều sự ràng buộc và bản thân Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp cũng không đủ quyền tháo gỡ.
Ví dụ về mặt tài chính thì tuy được bao cấp, nhưng phải chi theo các nguyên tắc sử dụng ngân sách nhà nước, hết sức khó khăn và kém hiệu quả.
Về mặt nhân lực thì bị ràng buộc của luật lao động và các quy định về biên chế nhà nước nên hầu như không sàng lọc tối ưu hoá được.
Từ đó mà có nhu cầu phải thành lập loại trường khác có quyền tự chủ cao hơn và tự lập hoàn toàn để có thể tổ chức quản lý một cách có hiệu quả nhất, đó là các trường ngoài công lập.
Đào tạo hầu hết bằng lý thuyết, rất ít trường đại học dám cam kết chất lượng |
Vai trò của các trường này không chỉ và không phải chủ yếu là để thu hút các nguồn lực của xã hội phụ thêm với nhà nước để làm giáo dục, mà quan trong hơn chính là để có được một mô hình quản lý năng động trên cơ sở độ tự chủ.
Từ đó có thể làm đối chứng để đổi mới cách quản lý các trường công lập.
Tuy nhiên, rất tiếc ta hầu như không quan tâm “đãi cát lấy vàng” ở đó mà còn phân biệt đối xử.
Có điều gần như ngẫu nhiên, có một vài trường công lập nhờ các bộ chủ quản có quan niệm đúng, trao quyền tự chủ cao gần như một trường tư, lại có được bộ phận lãnh đạo sáng tạo thì hoạt động hết sức tốt, như trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (giai đoạn trước), Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông (giai đoạn trước).
Riêng hai đại học quốc gia và các các trường đại học quốc tế do có yêu cầu đặc biệt nên cũng được nhận các quy chế đặc biệt với quyền tự chủ cao tạo thuận lợi lớn cho sự phát triển.
Một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng cử nhân thất nghiệp tăng cao là do đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu trầm trọng kỹ năng làm việc. |
Vậy câu chuyện tự chủ lần này được đặt ra như thế nào để có thể thực sự phát huy được tính sáng tạo của các trường đại học, thưa Giáo sư?
GS.Trần Hồng Quân: Với các nhà quản lý, cũng có người rất thật lòng muốn trao quyền tự chủ cho các trường. Thế nhưng không phải ai cũng nhận thức ra rằng tự chủ là điều không thể thiếu để các trường có thể năng động sáng tạo và phát triển, mà lại nghĩ rằng cần phải cầm tay chỉ việc, can thiệp cụ thể, thậm chí nghĩ thay làm thay nhiều tác nghiệp... nhân danh vì trách nhiệm xã hội, để các trường khỏi phạm sai lầm.
Ở đây tôi chưa nói đến động cơ vì lợi ích riêng tư mà cản trở việc giao quyền tự chủ cho các trường.
Còn với các trường thì trường nào bức xúc với sự ràng buộc quá đáng do quản lý tập trung, hạn chế sự sáng tạo thì hoan nghênh việc triển khai thực hiện tự chủ, coi như được giải phóng.
Dạy lơ mơ, học cũng lơ mơ nên mới... thất nghiệp |
Với các trường thiếu tự tin, ngần ngại việc xa rời “bầu sữa bao cấp” của ngân sách nhà nước, ngần ngại bơi trong bối cảnh tự lập thì không hoan nghênh tự chủ, coi đó như là sự buông tay thiếu trách nhiệm của nhà nước.
Họ mong muốn tiếp tục sống trong cơ chế quản lý tập trung như một sự núp bóng an nhàn. Biết rằng còn rất nhiều trường muốn thực hiện tự chủ nhưng hoặc là đang thận trọng hoặc là chưa kịp chuẩn bị đầy đủ.
Thời điểm này có thể coi là đã qua giai đoạn tập trung thuyết phục các nhà quản lý, bây giờ chuyển sang giai đoạn tập trung thuyết phục các cơ sở đào tạo chuẩn bị nhập cuộc thực hiện tự chủ đại học.
Vậy theo Giáo sư, đâu là động lực và nguồn lực để thực hiện thành công tự chủ đối với các trường đại học?
GS.Trần Hồng Quân: Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tạo ra sự trì trệ mang tính phổ biến trong toàn xã hội. Có thể nói đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới mà các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế cũ ấy trong quản lý.
Đó là lý do tự chủ đại học chậm được xác lập. Phải xóa bao cấp để tránh ỉ lại, phải xóa nghĩ thay làm thay để tránh dựa dẫm. Phải khắc phục sự ràng buộc để tránh tình trạng các trường phải múa gậy trong bị.
Phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan, để luôn luôn canh tân theo hướng tối ưu hoá để tồn tại và phát triển.
Ngay sự tồn tại cũng không phải là đương nhiên như trước đây, nếu không phấn đấu để tự khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giáo dục thì có thể không đứng vững, có thể bị sàng lọc, sát nhập hoặc giải thể.
Sinh viên Việt Nam tụt hậu vì những môn học vô bổ(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho biết, ở nhiều nước đào tạo đại học 4 năm, nhưng sinh viên được học rất sâu về ngành, chứ không học nhiều môn vô bổ như ở Việt Nam. |
Từng cán bộ quản lý, từng cán bộ giảng dạy cũng phải không ngừng phấn đấu mới có chỗ đứng tương xứng trong nhà trường chứ không phải đã vào biên chế nhà nước thì yên vị suốt đời.
Từ động lực tập thể và động lực của từng cá nhân sẽ tạo ra động lực chung của nhà trường, tạo ra sinh khí phát triển mạnh mẽ.
Việc tự chủ về tài chính khiến cho không ít trường lo ngại, nhưng Chính phủ có quy định các bước đi trong một lộ trình hợp lý, đồng thời khi thực sự thực hiện tự chủ tài chính đầy đủ thì nhà nước không phải hoàn toàn không đầu tư mà là sẽ đầu tư theo phương thức khác.
Ví dụ như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu khoa học, trong trường hợp đặc biệt có thể đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chất lượng cao...
Các trường tự lo nguồn thu là một trách nhiệm nặng nề, chỉ có thể thực hiện được bằng sự phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Về nguyên tắc, phải tiến tới các trường có quyền quyết định mức học phí để bù đủ chi phí đào tạo theo điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng của nhà trường (hiện nay tạm thời nhà nước còn quy định mức học phí tối đa cho các trường tự chủ và thay đổi dần theo lộ trình cần thiết để tránh sự đột ngột đối với người học).
Hy vọng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục không giảm mà là phải đầu tư tập trung có hiệu quả hơn. Còn chính sách hỗ trợ học bổng cho các đối tượng sinh viên diện chính sách sẽ được đầu tư trực tiếp theo các sinh viên đó đến nhà trường.
Và việc được chủ động chi tiêu một cách có hiệu quả cao phần tài chính có được, không bị ràng buộc theo các quy định chi tiết ngân sách nhà nước là một thuận lợi lớn mà các trường công lâu nay không có được.
Với quyền tự chủ của mình các trường có thế huy động thêm vốn góp từ xã hội để cải thiện năng lực của mình và trong trường hợp đó thì các trường này sẽ trở thành một cơ sở đại học đa sở hữu chứ không còn thuần tuý là một trường công nữa.
GS.Trần Hồng Quân cho biết, xây dựng tự chủ đại học phải thực hiện đầy đủ trên ba mặt: Thứ nhất, tự chủ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hoạt động khoa học có thể gọi tắt là tự chủ về học thuật; Thứ hai, tự chủ về tài chính; Thứ ba, tự chủ về nhân lực, nhân sự và mô hình tổ chức - cơ chế hoạt động. Sẽ không thể không đụng đến các quy định trong luật lao động, luật ngân sách và quy định về quản lý đào tạo, quản lý khoa học hiện hành, đặc biệt là đụng đến các quy chế tổ chức hoạt động các loại cơ sở đào tạo đại học. Trước hết là phải nghiên cứu để tháo gỡ những điều đó rồi phải xây dựng các mô hình thích hợp với cac loại cơ sở đại học như các đại học trọng điểm quốc gia, các trường do nhà nước đầu tư toàn bộ, các trường do nhà nước đầu tư một phần, các trường sở hữu phức hợp và các trường không có sở hữu nhà nước. Hiện nay mới có 12 trường tự nguyện đăng ký và được Chính phủ công nhận cho thí điểm. Phần lớn các trường còn lại đang chuẩn bị hoặc chưa chuẩn bị nhưng đã đến lúc chúng ta phải sớm sẵn sàng bắt tay vào thực hiện tự chủ theo lộ trình của chính phủ đã quy định. Đây là một chủ trương lớn đầy triển vọng, nếu triển khai thành công rộng rãi thì nền đại học sẽ có bộ mặt mới năng động, thay đổi từng ngày để đáp ứng phát triển đất nước. |
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!