Ủy ban nhân dân tỉnh ký hợp đồng lao động trực tiếp với giáo viên là chưa đúng về thẩm quyền
Những ngày qua, thông tin về bài viết “Nghịch lý lương giáo viên hợp đồng ở Hà Tĩnh” đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia Kinh tế - Luật nhận định, về nguyên tắc, giáo viên biên chế đã là viên chức. Mà đã là viên chức thì người sử dụng lao động sẽ áp dụng Luật Lao động theo điều lệ của trường.
Đối với nhân viên hợp đồng, người lao động sẽ được ký hợp đồng ngắn hạn, dài hạn. Trong hợp đồng lao động sẽ được ký 1 năm, 2 năm, 3 năm hoặc không xác định thời hạn.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân và Bản thanh toán tiền lương hợp đồng tháng 9/2018 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, Kỳ Anh. (Ảnh: H.L) |
Sau các thời hạn nên trên, giáo viên sẽ thực thi hợp đồng qua việc dạy bộ môn đó bao nhiêu tiết, bao nhiêu buổi.
Nói về lĩnh vực Đại học, đây được gọi là giáo viên thỉnh giảng. Đối với giáo viên các cấp Tiểu học và Trung học thì đây là giáo viên hợp đồng.
Như đã nói, biên chế là viên chức và cũng có quy định là trong trường hợp nào thì chấm dứt viên chức. Ví dụ, trong trường hợp giáo viên có sai phạm đi trễ, về sớm hoặc học viên phản ánh thì sẽ đưa ra Hội đồng kỷ luật của nhà trường.
Tiến sĩ Nhân cho rằng, sự khác biệt giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế ở đây là cách xử lý về việc sa thải sẽ không giống nhau.
Giáo viên hợp đồng xác định thời hạn 1 năm, sau 1 năm không tái ký mà tiếp tục công tác thì theo Bộ Luật Lao động thì sẽ trở thành hợp đồng dài hạn.
Hợp đồng dài hạn được quy định trong quy chế hoạt động của trường là bao nhiêu lâu. Với loại hình thức hiện nay là hợp đồng dài hạn theo từng năm và loại hợp đồng dài hạn không cần tái ký nữa.
Việc chấm dứt hợp đồng sẽ có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động. Tức là, sự thỏa thuận giữa Hiệu trưởng với giáo viên.
Trở lại trường hợp xảy ra tại Hà Tĩnh có 3 loại giáo viên hợp đồng. Giáo viên do Ủy ban nhân dân tỉnh ký hợp đồng, giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo ký hợp đồng và loại giáo viên do Trường trực tiếp ký hợp đồng.
Tiến sĩ Nhân đánh giá, cần phải xem xét toàn diện ở góc độ nguyên tắc về pháp luật và nguyên tắc về Luật Lao động.
Người sử dụng lao động ở đây là Hiệu trưởng của trường học và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo không liên quan đến việc sử dụng giáo viên.
Cần xem lại quy trình sử dụng giáo viên hợp đồng ở Hà Tĩnh
Tiến sĩ Nhân nói, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền ký hợp đồng lao động với cá nhân để làm việc trong bộ máy của Ủy ban trực thuộc tỉnh hoặc các Sở ngành có liên quan.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã được quy định về phân quyền và được trực tiếp ký hợp đồng với cá nhân làm việc trong Sở hoặc ký hợp đồng với lao động nhằm bổ nhiệm hiệu trưởng.
Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý trực tiếp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý các trường thì không thể ký hợp đồng lao động với giáo viên mà chỉ có thể các trường trực tiếp sử dụng lao động để ký hợp đồng với các giáo viên.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động mà cụ thể ở đây là các giáo viên thì các giáo viên là đối tượng sử dụng lao động của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đặt vấn đề, cần phải xem xét lại quy trình ký hợp đồng lao động với giáo viên tại Hà Tĩnh. Trong các trường hợp trên, người lao động sẽ được sử dụng và quản lý bởi đối tượng sử dụng lao động là ai?
Cơ quan chủ quản như Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ quản lý về mặt chuyên môn chứ không thể quản lý trực tiếp về từng lao động trong nhà trường.
Nhà trường phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng lao động. Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh đối với việc quản lý nhân sự ở cấp dưới.
Ủy ban nhân dân tỉnh tính toán tổng thể, vĩ mô và giao chỉ tiêu cho Sở Giáo dục và Đào tạo điều tiết số lượng giáo viên cần có để đáp ứng nhu cầu đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh không thể làm thay cho các trường và trực tiếp ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên như thời gian qua.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân lập luận, điều này chẳng khác nào một ông Chủ tịch Hội đồng quản trị trong công ty lại đi ký hợp đồng lao động với nhân viên bảo vệ.
Tổng Giám đốc ở đây lại là người đại diện trước cơ quan pháp luật và phải là người ký hợp đồng trực tiếp cho công ty.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng lao động với giáo viên cũng không khác Bộ Giáo dục và Đào tạo ký hợp đồng lao động với giảng viên thỉnh giảng cho các trường Đại học.
Tiến sĩ Nhân thắc mắc, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng trực tiếp với các giáo viên, vậy thì 2 cơ quan trên có trực tiếp sử dụng các đối tượng lao động này hay không?