Ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ khác nhau như thế nào?

24/09/2015 08:33
ThS Ngô Mạnh Linh
(GDVN) - Đã có ý kiến cho rằng Việt Nam nên coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, không còn là ngoại ngữ, cần phải nói thông, viết thạo trong thời đại ngày nay.

LTS: Trước ý kiến này Ths Ngô Mạnh Linh đi vào tập trung so sánh một vài điểm để làm rõ sự khác biệt giữa ngôn ngữ thứ 2 và ngoại ngữ.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, với phổ điểm tập trung ở mức 2-3,5 điểm, Tiếng Anh là môn có kết quả thi thấp nhất trong số 8 môn thi. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận kết quả này phản ánh một phần những bất cập trong chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc phổ thông nói chung. 

Nặng ngữ pháp, thiếu thực hành, không tạo được hứng khởi tìm hiểu ngôn ngữ mới… cho học sinh là nhận định của nhiều người về chương trình tiếng Anh hiện nay của Việt Nam.

Bài viết này tập trung so sánh một vài điểm để làm rõ sự khác biệt giữa ngôn ngữ thứ 2 và ngoại ngữ.

Ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ khác nhau như thế nào? ảnh 1
Ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ khác nhau như thế nào? (Ảnh: sggp.org.vn)

Trong một môi trường mà ngôn ngữ được coi là ngôn ngữ thứ 2, ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên, liên tục trong đời sống, người nói sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp tự nhiên, hàng ngày của đời sống.

Ngôn ngữ thứ 2 có thể được tiếp nhận không cần thông qua việc học (ngôn ngữ) tại nhà trường. 

Trong môi trường mà ngôn ngữ được coi là ngoại ngữ, ngôn ngữ không được sử dụng thường xuyên trong môi trường của người nói mà chỉ được xem là một môn học. Người nói ít/hoặc không có cơ hội được sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp tự nhiên, hàng ngày. 

BẢNG SO SÁNH MỘT VÀI YẾU TỐ GIỮA NGÔN NGỮ THỨ 2 VÀ NGOẠI NGỮ:  

STT

Ngôn ngữ thứ 2

Ngoại ngữ

1

Thời gian

Hầu hết thời gian sử dụng để tiếp nhận ngôn ngữ

Thời gian học ngôn ngữ phụ thuộc vào phân bổ tại thời khóa biểu của lớp học

2

Đầu vào

Rộng, không/ít có sự lựa chọn hay bắt buộc

Có sự lựa chọn, phân loại

3

Vai trò của người dạy

Hướng dẫn người học tự khám phá thông qua bổ trợ tại lớp học

Hướng dẫn cụ thể/chi tiết/

4

Kỹ năng

Giao tiếp (nghe-nói) là quan trọng nhất, quyết định sự thành công/thất bại của người học.

Phụ thuộc vào nhu cầu người học/định hướng của khóa học để xác định kỹ năng cần học.

5

Động lực người học

Rất mong muốn tiếp nhận/bắt buộc tiếp nhận do ngôn ngữ mang yếu tố then chốt/sống còn trong đời sống hàng ngày

Mong muốn sử dụng với những mục tiêu ngắn han/dài hạn

6

Độ tuổi bắt đầu

Từ bé

Thông thường với lứa tuổi cấp 1, phụ thuộc vào chương trình học.

7

Quá trình tiếp nhận/kết quả[1]

Tương tự quá trình tiếp nhận tiếng mẹ đẻ (Tiếp nhận ngôn ngữ thông qua quá trình vô thức, không bị ràng buộc bởi các khái niệm ngữ pháp - đúng - sai).

Liên tục tăng cường vốn từ vựng cho những tình huống cụ thể.

Hướng đến khả năng giao tiếp trong những tình huống thực của đời sống.

Thành công hay thất bại của việc tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp đến đời thực của người sử dụng.

Học ngôn ngữ thông qua hướng dẫn trực tiếp về các quy tắc, khái niệm, đúng - sai.

Coi trọng năng lực về ngôn ngữ học hơn là kỹ năng giao tiếp. Khả năng ngữ pháp tốt hơn giao tiếp.

Hiệu quả giao tiếp đạt được sau nhiều năm học không đồng đều, sự thành công hay thất bại trong việc học ít/không ảnh hưởng đến đời sống của người học.

8

Tính cách người học

Thoải mái, tự nhiên, luôn mong muốn và sẵn sàng giao tiếp.

Thước đo thành công tính bằng sự trôi chảy trong khả năng giao tiếp

Thông minh, kiên nhẫn và kỹ năng học thuộc, ghi nhớ tốt.

Thước đo thành công được tính bằng điểm học tập thông qua các bài kiểm tra/chứng chỉ.

9

Môi trường

Sử dụng phổ thông, được coi là ngôn ngữ chính thức thứ 2 sau tiếng mẹ đẻ (trong các văn bản pháp quy, trong đời sống xã hội, sử dụng để giảng dạy các môn học trong nền giáo dục…)

Chủ yếu trong phạm vi nhà trường, được coi là một môn học trong chương trình.

[1] Sự khác nhau giữa quá trình tiếp nhận ngôn ngữ và học ngôn ngữ

Tiếp nhận ngôn ngữ là quá trình vô thức, không chủ động: Đứa trẻ tiếp nhận tiếng mẹ đẻ, người lao động tiếp nhận tiếng nước khác trong quá trình sinh sống và làm việc tại đất nước đó. Quá trình tiếp thu toàn bộ, không có sự lựa chọn.

Học ngôn ngữ là quá trình tiếp thu có ý thức và chủ động của người học thông qua các bài học (lessons), tập trung vào các nội dung đã được định hướng từ ban đầu (grammatical features of that language, skills).

=>Có thể nói rằng, người học “tiếp nhận” ngôn ngữ thứ 2, và “học” ngoại ngữ.

ThS Ngô Mạnh Linh