Xuất khẩu Giáo dục đứng vị trí nào trong nền kinh tế?

22/09/2015 07:48
Đào Liên Hương
(GDVN) - Giáo dục – bao gồm tất cả các chi phí dành cho giáo dục đã trở thành thị trường lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau chi phí về y tế.

LTS: Chúng ta đang xuất khẩu nhiều mặt hàng ra thế giới, nhưng có ai nghĩ tới xuất khẩu giáo dục?

Đánh giá về chi phí và vị trí của giáo dục đặt trong nền kinh tế, bà Đào Liên Hương - Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và ngôn ngữ thế giới gửi tới tòa soạn bài viết. 

Giáo dục – bao gồm tất cả các chi phí dành cho giáo dục đã trở thành thị trường lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau chi phí về y tế với tổng trị giá 4,5 tỷ tỷ đô la Mỹ vào năm 2012 và tăng đều mỗi năm 7% trong năm năm tiếp theo lên tới  6,3 tỷ tỷ đô la Mỹ vào 2017. 

Trong đó công nghệ giáo dục và giảng dạy tiếng Anh được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Tại nhiều nước, giáo dục đã trở thành một ngành xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế như tại Úc: xuất khẩu giáo dục chỉ đứng sau khoáng sản và dầu khí (với tổng thu 18,1 tỷ đô la Úc - khoảng 13,14  tỷ đô la Mỹ cho toàn khóa 2014 – 2015, tăng 14,2% so với năm 2013, vượt trên cả dịch vụ du lịch (13,9 tỷ). 

Trong toàn khóa 2013-14:

Mảng Đại học mang lại 10,8 tỷ đô la Úc ( chiếm 63% tổng thu từ xuất khẩu giáo dục).  

Mảng dạy nghề đứng thứ hai, mang lại 2,5 tỷ đô la Úc (chiếm 16%).

Giảng dạy tiếng Anh: 889 triệu đô la Úc (chiếm 5,6%).

Chương trình phổ thông: 589 triệu đô la Mỹ (chiếm 3,7%).

Chương trình ngắn hạn: 620 triệu đô la Úc. 

Phí tư vấn giáo dục: 129 triệu đô la Úc. 

Đào tạo từ xa: 22 triệu đô la Úc.

Các dịch vụ giáo dục khác như tổ chức thi tiếng Anh: 137 triệu đô la Mỹ, các dịch vụ nghiên cứu 264 triệu đô la Úc. 

Xuất khẩu Giáo dục đứng vị trí nào trong nền kinh tế? ảnh 1
Đại học FPT - Đại học Việt Nam đầu tiên xuất khẩu giáo dục (ảNH: Vnexpress.net)

Trong đó du học sinh đến từ Việt Nam đứng thứ 3 trong số sinh viên quốc tế (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ) mang lại cho nước Úc 939 triệu đô la Úc, chiếm 18,7% tổng thu từ sinh viên quốc tế vào nước Úc. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Úc, Christopher Pyne vui mừng nói: Giáo dục quốc tế đã trở thành nhà tuyển dụng lớn tạo ra khoảng 130,000 việc làm khắp nước Úc. 

Chính phủ sẽ tiếp tục đảm bảo cho giáo dục quốc tế sẽ tiếp tục là nguồn đóng góp chính cho sự phát triển của nền kinh tế Úc và trong việc tạo công ăn việc làm cho dân Úc.

Tại Anh, kể từ năm 2011 tổng thu từ xuất khẩu giáo dục đã mang lại cho nước Anh 17,5 tỷ Bảng, trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại nước này trên cả dịch vụ Bảo hiểm và dịch vụ Tin học, truyền thông! 

75% số ngoại tệ thu được từ số du học sinh học tập tại đây. Bên cạnh đó nó còn giúp đa dạng, nâng cao danh tiếng của nền giáo dục Anh, nâng cao vị thế các trường Đại học Anh cũng như giúp phát triển các nguồn lực mềm.

Trong tổng số du học sinh đi học tiếng Anh toàn cầu, các trường của Anh thu hút được gần 50% tổng số học sinh- chiếm 35% thị phần giá trị của ngành giảng dạy tiếng Anh.

Trên toàn cầu, đa số sinh viên học tại các trường Đại học – Nước Anh là nước có sức thu hút sinh viên quốc tế lớn thứ hai  với thị phần chiếm 13%, mang lại 3,9 tỷ bảng tiền học và chi tiêu 6,3 tỷ cho các chi phí ăn ở tại Anh. 

Ngoài ra thu nhập từ các dự án nghiên cứu cũng lại khoảng 1,1 tỷ bảng. Con số này được dự báo tăng 3,7% mỗi năm cho tới năm 2020.

Tại Mỹ, vào năm 2012, xuất khẩu giáo dục đã vượt lên hàng thứ năm trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu. 

Kể từ thế kỷ 21, các trường của Mỹ đã thay đổi nhanh chóng để mở cửa cho sinh viên quốc tế. Hàng năm xuất khẩu giáo dục đã mang lại cho Mỹ trên 20 tỷ đô, luôn đứng đầu trên thị trường giáo dục quốc tế.

Một số dẫn chứng trên giúp cho ta thấy lợi ích của việc đưa sinh viên quốc tế tới học tập để xuất khẩu giáo dục tại chỗ. Điều này sẽ giúp cho nền giáo dục nội địa những điểm sau:

1. Mang lại ngoại tệ từ tiền học phí và tiêu dùng của sinh viên quốc tế.

2. Tác động trực tiếp vào nền kinh tế nước nhà – tăng thêm công việc giảng dạy tại các trường Đại học, tạo thêm công ăn việc làm cho khối dịch vụ.

3. Góp phần cung cấp nguồn nhân lực quốc tế cho các công ty đa quốc gia và trong nước.

4. Sinh viên quốc tế sẽ mang lại sự đa dạng cho nền giáo dục nội địa, giúp nâng cao vị thế của bằng cấp trong nước, thúc đẩy các chương trình hợp tác nghiên cứu và giúp liên thông giáo trình giảng dạy trong và ngoài nước. 

5. Giúp thúc đẩy việc học tập ngoại ngữ và tuyển chọn giáo viên có tầm quốc tế trong các trường Đại học để đủ khả năng giảng dạy các sinh viên quốc tế. 

6. Sinh viên quốc tế tới học là cầu nối cho sự thấu hiểu về văn hóa giữa các nước và dẫn đến thúc đẩy hợp tác kinh doanh bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau dễ dàng hơn.

7. Thúc đẩy các khóa liên kết, liên danh đào tạo, đi trước một bước giúp giao lưu, hợp tác với các nền kinh tế trong tương lai.

Xuất khẩu Giáo dục đứng vị trí nào trong nền kinh tế? ảnh 2

Châu Á đang trở thành khu vực siêu cường của giáo dục Đại học

(GDVN) - Mặc dù nằm ở trung tâm châu Á, Việt Nam cũng vẫn có khả năng bị bỏ rơi trong quá trình hội nhập và phát triển về giáo dục Đại học.

Tại Việt nam, một số trường Đại học đã đi tiên phong từ nhiều năm nay trong việc mở rộng liên kết đào tạo, tuyển sinh sinh viên quốc tế như: Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao, Đại học Quốc gia, Đại học Khoa học và công nghệ, Hutech, FPT…

Đặc biệt như Đại học FPT đã tìm đường ra thế giới – mở campus tại các nước để tuyển sinh và đào tạo ngoài nước, cấp bằng Việt Nam…

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Bùi Văn Ga tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Anh tại London vừa qua (11/9/15) thì Chính phủ Việt Nam đã liên kết với nước ngoài cho ra đời 4 trường Đại học quốc tế chất lượng cao: Đại học Việt - Đức, Đại học Việt - Pháp ( nằm trong trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội), Đại học Việt - Nhật, Học viện Việt - Anh ( tiền thân của Đại học Việt - Anh).
 
Bên cạnh đó, còn có 4 trường Đại học có vốn 100% nước ngoài là RMIT (Úc), Trường Đại học Anh, Đại học Y khoa Tokyo (dự án), Đại học FullBright ( dự án).

Có 35 chương trình liên kết đào tạo với 23 trường Đại học nước ngoài, 17 chương trình chuyên ngành kỹ sư công nghệ tại 4 trường Đại học.

Xuất khẩu Giáo dục đứng vị trí nào trong nền kinh tế? ảnh 3

Những xu hướng cần lưu ý của giáo dục thế giới

(GDVN) - Việt Nam cũng cần có những hỗ trợ cụ thể cho việc quảng bá hình ảnh của giáo dục Việt Nam ra thế giới.

Việt Nam đã ký kết công nhận bằng cấp với 10 nước trên thế giới.

Tuy nhiên cũng chưa có một tổng kết cụ thể nào về lợi ích của những khóa liên kết đào tạo hoặc các đầu tư giáo dục nước ngoài vào Việt Nam đã mang lại được cho nền kinh tế Việt Nam. 

Ngoài ra cũng còn rất nhiều mảng mà chúng ta còn bỏ ngỏ như giảng dạy Ngoại ngữ, tổ chức các kỳ thi tiếng Anh cho học sinh, giáo viên, những người đi làm, đi dạy…

Chắc chắn phải có sự mở cửa cho giáo dục Việt Nam để các trường được hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh, lựa chọn và mở các khóa đào tạo mới, liên thông, liên kết thông thoáng… 

Nghị Định 73 về đào tạo với nước ngoài cần phải cải tiến hơn nữa để các trường quốc tế có thể dễ dàng bước chân vào thị trường giáo dục Việt Nam và hợp tác liên kết đào tạo với các trường trong nước mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.

Với nghị quyết 4 về cải cách triệt để giáo dục Việt Nam, Lãnh đạo Việt Nam đã tỏ rõ lòng quyết tâm đưa giáo dục Việt Nam hội nhập cùng thế giới. 

Mong rằng quá trình cải cách để từ bỏ cái cũ chuyển sang cái mới, đi theo con đường chung của thế giới sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn dân.

Đào Liên Hương