LTS: Chia sẻ câu chuyện về việc thầy cô giáo bị lừa trước những chiêu tiếp thị nơi trường học, cô giáo Thuận Phương cho rằng việc mua bán bằng niềm tin như thế này đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sư phạm.
Đặc biệt, chuyện ép học sinh mua tăm, mua sách báo hay đồ dùng học tập... cũng khiến cả thầy và trò đều không thoải mái, gây lãng phí.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Giáo viên dù rất dị ứng và cảnh giác với việc mua bán hàng thông qua môi giới, quảng cáo nhưng dù vậy họ vẫn dễ dàng bị lừa khi những tổ chức, đơn vị mang danh nghĩa nào đấy vào trường học để bán hàng một cách công khai.
Có người nói, những đơn vị này họ có giấy giới thiệu của cấp trên nên là nơi tin cậy, uy tín. Thế rồi bằng niềm tin ngây thơ ấy, hàng trăm giáo viên bị lừa một cách trắng trợn mà chẳng biết kêu ai.
Vào trường quảng cáo
Tan học, giáo viên một số trường học được Ban giám hiệu nhà trường thông báo về phòng hội đồng nghe phổ biến về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có trường đang họp chuyên môn cũng phải dành vài tiếng đồng hồ để các đơn vị này thuyết trình.
Thời buổi thực phẩm bẩn tràn lan nên nghe sẽ được tư vấn cách phòng tránh thầy cô giáo nào cũng hăm hở lên nghe.
Sau màn giới thiệu “Chúng em đại diện cho công ty cổ phần thiết bị quân đội được Sở Y tế tỉnh X giới thiệu, được sự đồng ý của phòng Giáo dục Y về trường ta phổ biến một số nội dung về an toàn thực phẩm và cách phòng tránh cho quý thầy cô”.
Màn hình powerpoint bật lên cảnh rau củ quả, thực phẩm bẩn và hậu quả của người tiêu dùng khi ăn phải. Người thuyết trình nêu cách phòng tránh hiệu quả nhất đó là máy sục khử độc ozone.
Họ chứng minh bằng cách rửa rau, thịt cá… sau khi bỏ vào máy rửa đã cho ra những thau nước đen sì và bọt bẩn nổi lên.
Do quá tin tưởng, nhiều giáo viên bị lừa mua máy sục khử độc ozone. (Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh) |
Do tin tưởng vì đơn vị có giấy giới thiệu của Sở y tế (giấy thật hay giả cũng chẳng ai kiểm chứng), tin tưởng vào sự đồng ý của phòng Giáo dục huyện nhà (nếu không có sự đồng ý của cấp phòng chẳng hiệu trưởng nào dám mở cổng trường cho vào chưa nói đến việc lại ngang nhiên dùng thời gian sinh hoạt chuyên môn để quảng cáo).
Thế rồi, phần lớn giáo viên đều mua cho gia đình mình một cái máy với giá 3,2 triệu đồng. Nhiều thầy cô khó khăn cũng tặc lưỡi “Sức khỏe là trên hết, ăn ít lại dành tiền mua máy cũng được”.
Đâu chỉ là bán máy sục khử độc ozone, một số trường học còn cho vào quảng cáo bán các loại thực phẩm chức năng, bán nồi đa năng, bán sim điện thoại…
Không chỉ giáo viên mới là nạn nhân, học sinh cũng thường phải mua những mặt hàng mà mang danh các tổ chức từ thiện đến bán như mua tăm, mua bút cho hội người mù, mua sách tham khảo cho các nhà xuất bản, mua các công thức toán học, bảng đa năng cho các nhóm sinh viên, mua báo nhi đồng, báo thiếu niên…
Hệ lụy
Kiểu mua bán bằng niềm tin như thế nên hậu quả xảy ra là điều tất yếu.
Thời gian gần đây, sau khi công ty đa cấp Thiên Uy bị sụp đổ, qua truyền thông nhiều giáo viên mới té ngửa cái công ty mà mình mua máy khử độc cũng là một trong những vệ tinh của công ty mẹ Thiên Uy.
Giá thật của mỗi cái máy ấy chưa tới 1 triệu đồng/chiếc và chúng hoàn toàn không có khả năng khử độc như đã quảng cáo.
Thế rồi, những chiếc máy mới bỏ ra gần tháng lương mua về bỗng dưng trở thành đống đồng nát nơi xó bếp.
Việc các trường nhận bán hàng như tăm, sách, bút viết, báo cũng gây cho giáo viên nhiều phiền phức.
Thầy cô chủ nhiệm có biết bao việc phải lo, mỗi tiết lên lớp chỉ có 35-40 phút nhưng phải dành phân nửa thời gian ấy để bán dùm hàng cho họ.
Muốn học sinh mua, giáo viên phải là người quảng cáo về sản phẩm hay là người kêu gọi lòng từ thiện (mua cho hội người mù).
Sản phẩm đưa cho trò hôm nay, ngày mai mới thu tiền, dù chỉ có mấy ngàn nhưng các em thường nộp lai rai hết cả tuần mới xong.
Có em mua tăm nhưng chẳng đem về nhà mà mang ra làm trò chơi, ném bỏ khắp nơi.
Học sinh mua bảng đa năng sử dụng vài ngày cũng bỏ, ngay việc mua báo, nếu học sinh tự nguyện các em sẽ rất hào hứng đọc nhưng mua theo kiểu ấn định của cô hay bị ép từ trên xuống phần lớn các em cũng ít đọc.
Trường học là nơi dạy chữ, dạy làm người. Đừng vì lợi ích của ai đó mà biến môi trường giáo dục vốn trong lành thành nơi kinh doanh buôn bán xô bồ như hiện nay.