Nhà trường và những nỗi lo trước thềm năm học mới

28/07/2018 07:13
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Năm học mới sắp đến, nhà vệ sinh trường học thiết nghĩ cần được các địa phương, cấp quản lý ở Phòng, Sở Giáo dục… dành sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu.

LTS: Một năm học mới lại chuẩn bị bắt đầu, trước những nỗi lo lắng, trăn trở của nhiều nhà trường về công tác quản lý, cơ sở vật chất, cũng như hoạt động giảng dạy, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Chuẩn bị bước vào năm học mới (năm học 2018-2019), mỗi nhà trường đều có những nỗi lo riêng của mình.

Có trường lo về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh… Có trường lo về chất lượng đầu vào của học sinh lớp 6, lớp 10. Có trường lo về ý thức, trách nhiệm của các thầy cô giáo, các tổ, nhóm chuyên môn.

Các em học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới (Ảnh minh họa: TTXVN).
Các em học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới (Ảnh minh họa: TTXVN).

Cô Hiền, hiệu trưởng của một trường mầm non ở huyện miền núi thuộc Quảng Ngãi cho biết:

Nỗi lo lớn nhất của nhà trường tôi trong năm học này là thiếu cán bộ quản lý, hai phó hiệu trưởng để giúp việc cho hiệu trưởng.

Một mình tôi làm và xử lý không xuể, ảnh hưởng đến công việc chung.

Năm ngoái, trường xây dựng được một cán bộ nguồn, chuẩn bị bổ nhiệm phó hiệu trưởng thì cô này xin chuyển trường và được một trường mầm non ở dưới đồng bằng tiếp nhận.

Nhà trường đành phải để cô chuyển về gần nhà, có điều kiện chăm sóc gia đình, hai con nhỏ.

Tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý giáo dục không chỉ có trường tôi mà còn xảy ra ở nhiều đơn vị khác nơi đây từ nhiều năm nay khiến công tác quản lý, điều hành của nhà trường gặp khó khăn.  

Phòng, huyện đã biết việc này nhưng vẫn chưa có hướng, biện pháp nào khả quan.

Nhà trường và những nỗi lo trước thềm năm học mới ảnh 2Ở trường học, công trình phụ luôn được dùng nhiều nhất

Đúng là bây giờ tìm cán bộ quản lý cho bậc mầm non tại đây khó thật”, cô Hiền nói thêm.

Trả lời phóng viên báo Giáo dục và Thời số ra gần đây, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuyên, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Ván (huyện Quản Bạ, Hà Giang) bày tỏ lo lắng về chất lượng nhà vệ sinh dành cho học sinh và giáo viên trường của mình:

Năm học vừa qua trường có tổng số 31 cán bộ giáo viên, 310 học sinh (5 khối lớp, mỗi khối từ 50 đến hơn 70 học sinh), 174 học sinh bán trú thế nhưng chỉ có 4 nhà vệ sinh cho học sinh, 2 nhà vệ sinh cho giáo viên.

Nhà vệ sinh ít đã gây ra tình trạng quá tải vào một số thời điểm nhất định (trước và sau giờ học, giờ giải lao) khiến học sinh dù muốn hay không vẫn phải đi vệ sinh không đúng nơi quy định, vệ sinh môi trường xung quanh trường lớp bị ảnh hưởng.

Mặt khác, về chất lượng nhà vệ sinh cũng để lại nhiều lo ngại khi nguồn nước phục vụ hoạt động hàng ngày của nhà vệ sinh và công tác làm sạch luôn rơi vào tình trạng thiếu thốn.

Hiện trường đã xin được và duy trì 1 thùng đựng nước với dung tích khoảng 3.000 lít nước nhưng chỉ dùng được trong khoảng 3 ngày.

Những ngày sau đó, nếu nguồn nước cạn hoặc không kịp bơm dẫn nước vào thùng thì nhà vệ sinh luôn trong tình trạng bốc mùi, bịt mũi khi sử dụng”,

Có thể nói, điều kiện, chất lượng của các nhà vệ sinh trường học từng ngày liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi học sinh, thầy cô trong sinh hoạt, dạy - học.

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa nhắc nhở, yêu cầu Bộ Giáo dục và các bộ ngành khác cần đặc biệt chú trọng nhà vệ sinh cho trường học và bệnh viện, đừng để người bệnh, phụ huynh và học sinh than phiền nữa.

Một năm học mới sắp đến, nhà vệ sinh trường học thiết nghĩ cần được các địa phương, cấp quản lý giáo dục ở Phòng, Sở Giáo dục… dành sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu để nhà vệ sinh trường học không là nỗi ám ảnh của học trò, ảnh hưởng đến sức khỏe các em và chất lượng giáo dục.

Nhà trường và những nỗi lo trước thềm năm học mới ảnh 3Cái rùng mình của người lớn và nỗi sợ hãi của hàng triệu học sinh

Thầy T. (không tiện nêu tên cụ thể), hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Thành phố Plây- cu, tỉnh Gia Lai có trăn trở về trách nhiệm công việc nhà trường của một số giáo viên trẻ hiện nay:

Nhiều thầy cô trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực giảng dạy tốt, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hơn hẳn thế hệ chúng tôi.

Nhưng tiếc là ý thức công việc, gắn bó với nhà trường, quan tâm đến các em học sinh ở không ít giáo viên trẻ hiện nay còn hạn chế, lơ là, ít nhiệt tình, tâm huyết.

Họ chỉ biết dạy xong các tiết trên lớp, rồi về nhà lo dạy thêm, dạy kèm, kiếm tiền...

Còn khi tổ trưởng, Ban giám hiệu phân công thêm những nhiệm vụ khác như chủ nhiệm lớp, phụ đạo học sinh yếu… thì chẳng mặn mà, có người giãy nảy, có người tìm mọi cách thoái thác…

Gặp những trường hợp trên, nhà trường, hiệu trưởng phải có cách thuyết phục động viên để họ sớm thay đổi, hòa nhập.

Hở một cái là dùng biện pháp hành chính hóa là hỏng hết, người trí thức cần có thời gian cảm hóa, đó là nghệ thuật quản lý của hiệu trưởng”.   

SÔNG TRÀ