LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của cô giáo Đỗ Quyên, cô thẳng thừng chỉ ra những hạn chế trong quá trình kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia mà ngành giáo dục đang thực hiện.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Về hồ sơ, sổ sách
Trong các cơ sở giáo dục, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho học sinh. Nhưng hiện nay, nhiều thủ tục hành chính rườm rà đang lấy đi nhiều thời gian, công sức của không ít giáo viên khiến cho việc dạy và học của họ càng trở nên nặng nề và sinh ra tư tưởng đối phó.
Thủ tục rườm rà nhất phải kể đến việc kiểm định chất lượng công nhận các trường đạt chuẩn quốc gia hoặc các trường đang giữ chuẩn và bắt đầu lên chuẩn.
Trước khi được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia hay giữ chuẩn, tại trường học phải tự đánh giá.
Nhiều thủ tục rườm rà khi kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia (Ảnh: Thùy Linh) |
Công việc này tưởng đơn giản nhưng thực tế đã khiến Ban giám hiệu, giáo viên tốn nhiều thời gian, công sức.
Bởi để tự đánh giá được thì phải thành lập Hội đồng tự đánh giá gồm Ban giám hiệu, Thanh tra nhân dân, Chủ tịch công đoàn và tổ trưởng các bộ môn.
Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch tự đánh giá còn các thành viên trong Hội đồng có nhiệm vụ thu thập, xử lý và phân tích các thông tin.
Muốn không mắc lỗi thì mỗi giáo viên buộc phải rà soát lại từng tiêu chuẩn xem đã đủ chưa, đã đáp ứng đúng yêu cầu chưa, cần phải bổ sung thêm những gì?...
Nhưng không phải tất cả mọi thứ khi bổ sung đều hợp lý. Chẳng hạn, khi yêu cầu tổ văn phòng (họp 2 lần/tháng) phải có biên bản cụ thể trong khi từ trước đến nay các trường chủ yếu chỉ coi trọng họp tổ chuyên môn, còn họp văn phòng chỉ là nói miệng.
Thế mà, ngay lập tức yêu cầu phải có biên bản họp tổ văn phòng trong 5 năm qua thì lấy đâu ra và làm thế nào cho kịp?
Hoặc quy định yêu cầu trường học phải có Hội đồng trường. Trong khi, thực tế các trường học đã có Hội đồng sư phạm, Ban liên tịch, Hội đồng thi đua khen thưởng.
“Chiêu trò” để trường chuẩn quốc gia “giữ chuẩn”(GDVN) - Giáo viên trường chuẩn cứ phải quay cuồng với đủ thứ việc ngoài công tác giảng dạy nên bất kì thầy cô nào cũng ngán ngẩm khi dạy ở ngôi trường chuẩn quốc gia. |
Bức xúc vì quy định này, Hiệu trưởng của một trường Tiểu học ngậm ngùi mà nói rằng: “Đã là quy định thì buộc phải theo, mình không đáp ứng thì mình thiếu tiêu chí”.
Mới chỉ lướt qua vài tiêu chí mà đã khiến thầy cô chao đao vì chữ “chuẩn”. Bởi muốn được công nhận trường chuẩn thì buộc Hội đồng nhà trường với đầy đủ thành viên ngồi viết chục cái biên bản để chứng minh trường đã đáp ứng các tiêu chí đặt ra từ lâu.
Về chất lượng giáo dục
Để đạt chuẩn thì từng chỉ tiêu thi đua của trường cũng phải rà soát lại liên tục qua các năm.
Nếu trường muốn đạt “chuẩn” quốc gia thì tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng hàng năm phải đạt ở con số ngất ngưởng khoảng 99% còn tỉ lệ học sinh lưu ban chỉ được đếm trên đầu ngón tay.
Khi hồ sơ sổ sách, chất lượng giáo dục xong xuôi thì Hội đồng tự đánh giá họp và đánh giá mức độ của từng tiêu chí có thể đạt được, Hiệu trưởng viết báo cáo tự đánh giá để công bố lên cấp trên về thẩm định và công nhận.
Nhưng trước khi cơ quan thẩm quyền cao nhất ra quyết định công nhận thì cấp Phòng GD&ĐT sẽ về kiểm tra trước để “dọn đường”.
Chỉ là công cuộc “dọn đường” cũng đủ khiến Ban giám hiệu, giáo viên như chạy marathon từ chuẩn bị tiết dự giờ, chuẩn bị hồ sơ sổ sách đến việc trang trí lớp thân thiện.
Dù đã chuẩn bị đầy đủ nhưng cứ sau mỗi đợt kiểm tra “nhiều thầy thối ma” thì Hiệu trưởng, giáo viên lại phải ra sức chỉnh sửa nội dung cho phù hợp với yêu cầu của thanh tra.
Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia(GDVN) - Chỉ vì 4 chữ “trường chuẩn quốc gia” mà nhiều lúc giáo viên tự hỏi: Tại sao tình thầy trò là có thật, trường thật, dạy học trò là thật…mà đánh giá lại ảo. |
Lần cuối cùng khi đón đoàn cấp trên về trường, đoàn cũng thực hiện những quy trình đó, bao gồm xem xét hồ sơ sổ sách từ 5 năm về trước đến hiện tại, vào lớp dự giờ đôi ba tiết…rồi ra quyết định công nhận trường đạt chuẩn hoặc đã giữ chuẩn tốt.
Bao nhiêu đoàn thanh tra là bấy nhiêu góp ý cần chỉnh sửa chỗ này, chỗ kia cho nên cảnh thầy cô giống như thợ “đẽo cày giữa đường” là chuyện thường.
Mà cứ 5 năm thì chu kì kiểm tra chất lượng giáo dục diễn ra một lần. Những cơ sở được công nhận đạt “chuẩn” chất lượng giáo dục cấp độ 1 hoặc cấp độ 2 thì ít nhất hai năm sau sẽ được đăng kí đánh giá ngoài để đạt cấp độ cao hơn.
Cứ như thế, việc thanh tra liên tục, kiểm định, đánh giá thường niên đã tạo không ít áp lực, mệt mỏi cho giáo viên.
Danh hiệu trường chuẩn quốc gia là cao quý nhưng đừng vì những thủ tục hành chính rườm rà, tốn thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng, chăm sóc học sinh.