Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia

19/01/2016 07:51
Ngọc Bích (ghi)
(GDVN) - Chỉ vì 4 chữ “trường chuẩn quốc gia” mà nhiều lúc giáo viên tự hỏi: Tại sao tình thầy trò là có thật, trường thật, dạy học trò là thật…mà đánh giá lại ảo.

Nhắc đến trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều người nghĩ rằng giáo viên phải giỏi, học trò phải tốt vì được hưởng nền giáo dục tốt hơn so với trường bình thường. 

Cụ thể, sĩ số học sinh ít, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, phòng ốc rộng rãi, đủ thiết bị tiện nghi dạy học…Tuy nhiên, khi đi vào thực tế mới thấy trường chuẩn còn quá nhiều tồn tại khiến giáo viên “não lòng”. 

Trong một bức thư của một giáo viên (đề nghị được giấu tên) gửi đến Tòa soạn, cô giáo này bày tỏ nỗi niềm rằng: Chỉ vì 4 chữ “trường chuẩn quốc gia” mà nhiều lúc giáo viên tự hỏi: Tại sao tình thầy trò là có thật, trường học là thật, dạy học trò là thật…mà kết quả đánh giá lại ảo. Thầy đánh giá trò ảo, giáo viên đánh giá nhau cũng ảo. 

Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa từ baochinhphu.vn)
Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa từ baochinhphu.vn)

Để đạt chuẩn quốc gia, một trường phải đáp ứng 5 tiêu chí là: Tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và công tác xã hội hóa giáo dục. 

Với 5 tiêu chí trên, nhiều người cho rằng quan trọng nhất là chất lượng giáo dục. Cho nên, nếu như năm học này một trường nào đó được đón “trường chuẩn quốc gia” thì ngay từ đầu năm các tổ chuyên môn phải đăng kí chỉ tiêu chất lượng theo một con số cố định từ cấp trên “lệnh” xuống chứ không cần quan tâm đến chất lượng thực tế của trường đó như thế nào. Ngay lập tức, giáo viên bằng mọi cách phải đạt được con số ảo đó. 

Nếu không đạt được chỉ tiêu đó thì giáo viên đó sẽ bị đánh giá là năng lực sư phạm yếu, gây cản trở việc xây dựng “trường chuẩn quốc gia”. 

Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia ảnh 2

Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ

(GDVN) - Chỉ khi nào mỗi chúng ta dẹp bỏ được bệnh sĩ, bệnh háo danh thì giáo dục mới hết đi căn bệnh thành tích.

Cho nên, ngay sau khi nhận chỉ định, thì dù chất lượng đầu năm thế nào, năng lực giáo viên ra làm sao thì vẫn phải hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Giáo viên này bày tỏ thêm: Trước kia khi chưa có “trường chuẩn quốc gia” thì trường nào cũng có học sinh giỏi, chăm ngoan và tất nhiên cũng còn nhiều học sinh chưa đạt được kết quả như vậy. 

Nhưng kể từ khi “trường chuẩn quốc gia” xuất hiện thì kết quả này bỗng trở nên vượt trội.

Nhưng sự vượt trội đó là về mặt giấy tờ, là do chính thầy cô giáo tạo ra nhằm đạt chỉ tiêu thành tích đã được giao. Chuẩn quốc gia chính là cái nôi để “bệnh thành tích” – căn bệnh nan ý mấy chục năm nay lại có cơ hội hiên ngang phát triển. 

Chuẩn quốc gia để làm gì khi chỉ là sự lừa gạt khiến giáo viên dần bán đi lương tâm của mình. Chuẩn quốc gia là danh hiệu dễ dàng tới mức hết lượt trường này chuẩn thì sẽ đến lượt trường kia được nhận. 

Cứ như vậy, ngành giáo dục lại tạo ra những con người thích nói dối hơn là nói thật. Các em được điểm cao cứ ngỡ mình học giỏi, phụ huynh thấy con có danh hiệu thi đua, giấy khen là thích thú mà không hề biết kết quả đó là do chính thầy cô “gian lận” mà nên.

Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia ảnh 3

Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc

(GDVN) - Trong tâm thức người Việt bao đời nay cho rằng nghề giáo là một nghề nhàn nhã nhưng thực tế không chắc đã vậy, nhất là nhìn vào những năm gần đây...

Là người giáo viên, người “lái những con đò”, dạy học trò ai cũng muốn tạo ra những tâm hồn trong sáng, con người thật thà.

Ấy vậy mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã không được đánh giá theo đúng năng lực của mình thì thử hỏi khi trưởng thành các em sẽ sống thế nào?

Ban đầu khi xây dựng trường chuẩn quốc gia thật lý tưởng bởi lẽ những trường đầu tiên đạt danh hiệu này xứng đáng là ngôi trường tốt nhất Việt Nam.

Nhưng dần dần vì thành tích nên sống chết nơi nào cũng muốn có được đã dẫn đến tình trạng trường trường thi nhau để đạt chuẩn quốc gia. 

Nếu được sống thật với nghề, giáo viên chúng tôi không cần cái gọi là “trường chuẩn quốc gia””, giáo viên nhắn nhủ.

Bài viết thể hiện tâm sự, góc nhìn riêng của một cô giáo dạy trường chuẩn, có thể không phản ánh thực trạng chung của trường chuẩn hiện nay.

Tòa soạn đăng tải với mong muốn nhận được góp ý, nhận xét và ý kiến của các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia sư phạm...trên cả nước nhằm thực hiện xây dựng trường học chuẩn quốc gia được tốt hơn nữa.

Mọi thông tin cá nhân có thể không phải công khai nếu tác giả yêu cầu và Tòa soạn sẽ đáp ứng theo quy định hiện hành.

Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng gửi về hòm thư của Tòa soạn tại email toasoan@giaoduc.net.vn 

Ngọc Bích (ghi)