Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống trường ngoài công lập không chỉ đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn tạo ra mô hình trường mới mẻ, hiện đại, quản trị năng động hiệu quả, có uy tín về chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, cho tới nay hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc, bởi hành lang pháp lý chưa đồng bộ, đã cản trở sự phát triển đi lên của nhiều trường ngoài công lập, dẫn đến nhiều điều bất cập trong quản lý, quy mô sinh viên giảm sút...
Đó là ý kiến của Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định tại hội thảo "Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập".
Thực tế cho thấy, hiện nay các trường ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn thậm chí đang đứng trước vấn đề tồn tại hay giải thể.
Trong khi đó, định kiến xã hội với các trường vẫn cao dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập có việc làm là tương đối lớn.
Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại chủ trương chính sách về xã hội hóa giáo dục mà các trường ngoài công lập chính là sản phẩm của nó.
Với mong muốn được nhìn nhận một bức tranh toàn cảnh về quá trình phát triển cũng như những vướng mắc mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay cần tháo gỡ, ngày 11/5, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc trực tiếp cùng Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và đại diện một số trường đại học tư thục để làm rõ những vấn đề này.
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc trực tiếp cùng Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và đại diện một số trường đại học tư thục (Ảnh: Thùy Linh) |
Tại buổi làm việc, các đại biểu là lãnh đạo các trường ngoài công lập đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân đích thực, nguyên nhân chủ quan và khách quan, thách thức từ thực tế hoạt động của nhà trường.
Đại diện các trường đều đồng quan điểm rằng, hiện nay các trường ngoài công lập đang đứng trước 4 thách thức lớn.
Thứ nhất, mặc dù đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển nhưng nhận thức của xã hội và các cấp quản lý chưa rõ ràng thậm chí chưa đầy đủ về vai trò vị trí và tính chất của các trường ngoài công lập.
Sáu vấn đề cần tháo gỡ để cứu hệ thống trường ngoài công lập |
Do có một thực tế rằng, hiện nhiều địa phương tuyển dụng nhân sự nhưng không tuyển cử nhân tốt nghiệp trường tư thục, điều này khiến tư duy xã hội mặc định rằng, học trường tư thục thì rất khó xin việc.
Thứ hai, xã hội yêu cầu cao nhưng không đủ nguồn lực và điều kiện để thực hiện. Bởi lẽ, mấy năm trở lại đây khi tuyển sinh nhiều trường công lập tốp cao vẫn nhận sinh viên từ điểm sàn. Thử hỏi, cơ hội nào cho các trường dân lập tồn tại?
Thứ ba, khó khăn trong vấn đề “mở ngành”.
Các trường tư thục tự chủ từ A-Z nhưng lại không được tự chủ về vấn đề “mở ngành”.
Thứ tư, mâu thuẫn giữa việc đảm bảo chất lượng đòi hỏi đầu tư lớn trong khi học phí không thể tăng cao. Bình quân thu nhập thấp, khả năng chịu đựng học phí cao của các gia đình là rất hạn chế.
Một số kiến nghị
Để góp phần giúp các trường ngoài công lập khắc phục các khó khăn, lãnh đạo các trường cũng như đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng trong cả nước vừa phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, của từng địa phương vừa phù hợp với sứ mạng của từng trường.
Quốc hội mong muốn xây dựng mô hình đại học không phân biệt công lập hay tư thục |
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trao quyền tự chủ đầy đủ cho tất cả các trường đại học, cao đẳng (không phân biệt công lập hay tư thục) cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Thứ ba, cần có các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế chính sách cho vay đối với người học tư thục bằng cách tính lãi suất chỉ nên ở 1-2% (hiện nay đang là 6-7%) để những gia đình khó khăn mới có thể cho con đi học, qua đó tạo điều kiện tăng nguồn tuyển sinh cho các cơ sở này.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% sinh viên của cả nước. |